Trung tướng Nguyễn Thành Út : Khi Tổ quốc cần là ta biết hy sinh

Trung tướng Nguyễn Thành Út (nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5) 46 năm trong quân đội, 27 năm gắn bó ở chiến trường, 7 lần bị thương. Tháng 8-2006, sau khi nghỉ hưu theo chế độ ông đã tự nguyện trả lại căn nhà công vụ ở thành phố Đà Nẵng, không về quê hương Phú Yên mà đưa cả gia đình lên sinh sống ở thành phố Pleiku – Gia Lai đã trở thành một đề tài bàn tán hấp dẫn thời đó không những với cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 mà cả người dân Đà Nẵng, nhất là bà con ở nơi ông sinh ra. Với ông tình yêu Tổ quốc là sức mạnh, có sức mạnh là chiến thắng.

Bài 1:

Từ một thanh niên “nhảy núi”

Ra đi từ một thanh niên nhảy núi, trưởng thàng từ một người chiến sĩ, được bà con đồng bào các dân tộc thương yêu, che chở đùm bọc, nên Trung tướng Nguyễn Thành Út (nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5) luôn nhớ về những kỷ niệm trên chiến trường, nhớ về chiến sĩ, đồng đội, nhớ bà con đồng bào các dân tộc kể cả bà con dân tộc Khơ Me (Campuchia) đã từng cưu mang ông cùng bộ đội trong công tác, huấn luyện, chiến đấu.

Trung tướng Nguyễn Thành Út

Trung tướng Nguyễn Thành Út

Một ngày đầu tháng 4, khi mặt trời chưa đánh thức hết những giọt sương sớm đong đưa trên các cành lá, phố núi la đà màn trời trắng đục, se lạnh. Chúng tôi lên xe và thẳng đến ngôi nhà của Trung tướng Nguyễn Thành Út ở số 74 Trường Sơn (phường Yên Thế, TP Pleiku)theo lời hẹn uống cà phê với tướng quân.

Với Tướng Út (cách gọi thân mật của mọi người dành cho ông) thì tôi không lạ gì, vì một thời gian khá dài tôi đã là cấp dưới của ông, từng nghe ông quán triệt nghị quyết, lên lớp chính trị, nói chuyện chuyên đề, chuyện thời sự rồi giao nhiệm vụ…nhưng lần gặp này tôi vẫn thấy hồi hộp và xúc động. Bởi tuổi thanh xuân, trai trẻ đã gắn bó với cuộc đời binh nghiệp, lên đến Trung tướng -Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5, ấy thế mà sau khi được nghỉ hưu theo chế độ, ông lại chọn phố núi Pleiku để quay về làm nơi sinh sống cho mình và cả gia đình? Sự tò mò thôi thúc tôi tìm đến với tướng quân, nguyên là thủ trưởng của mình, để được hầu chuyện.

Trung tướng Nguyễn Thành Út - đang trao đổi với PV

Trung tướng Nguyễn Thành Út - đang trao đổi với PV

Dù đã bước sang tuổi 83, nhưng mỗi ngày ông vẫn dành thời gian đọc báo, xem truyền hình theo dõi thời sự, vui chơi cùng con cháu, tướng Út còn tranh thủ dạo khắp khu vườn của gia đình. Ngoài cùng vợ chăm sóc vườn cây ăn trái, ông miệt mài trồng thêm nhiều giống hoa trước nhà, kể cả những giò lan đẹp nhưng rất khó tính.

Nhắc nhớ lại câu chuyện cũ, Trung tướng Nguyễn Thành Út kể rằng: Tôi sinh năm 1942 tại thôn Bàn Nham, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Khi đang học đệ tứ thì phải bỏ học giữa chừng. Năm lên 18 tuổi, sau nhiều lần thuyết phục và được ba mẹ đồng ý, tôi đã khoác ba lô và “nhảy núi” đi theo bộ đội. Sau bao tháng năm “lang bạt kỳ hồ”, từ làm công vụ cho Tỉnh đội trưởng, đến chiến sĩ đặc công, về Sư đoàn 2, đến Quân đoàn 3, sang Quân đoàn 4 rồi vào đầu quân cho Quân khu 7. Sau khi miền Nam được giải phóng, cứ tưởng hòa bình rồi được về với gia đình, quê hương, nhưng tiếng súng lại vang lên trên vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, tôi lại cùng đồng đội sang tận Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp nước bạn khỏi họa diệt chủng của Khơ me đỏ. Đến năm 1990, từ Quân khu 7, tôi được Tổng cục Chính trị QĐND điều về làm Phó chủ nhiệm Chính trị; rồi Chủ nhiệm Chính trị; Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5- Bí thư Đảng ủy. Tôi được phong quân hàm thiếu tướng năm 1994 và 8 năm sau là trung tướng.

Trung tướng Nguyễn Thành Út luôn nâng niu, trân quý chân dung Bác Hồ

Trung tướng Nguyễn Thành Út luôn nâng niu, trân quý chân dung Bác Hồ

Mời chúng tôi uống nước, rồi nhấp chút trà nóng, chúng tôi thấy nơi khóe mắt ông đo đỏ, giật nhẹ. Chắc tướng Út đang rất xúc động khi nhớ về những kỷ niệm trên chiến trường, nhớ về đồng đội, nhớ bà con đồng bào các dân tộc kể cả bà con dân tộc Khơ Me (Campuchia) đã từng cưu mang ông cùng bộ đội trong công tác, huấn luyện, chiến đấu.

Ông trải lòng: “Thời điểm những năm 60-70, chiến trường rất khốc liệt, với cái tầm giác ngộ, hiểu biết của một thanh niên tuổi mới mười tám đôi mươi, nếu không phải sinh ra trong gia đình cách mạng có khi tư tưởng tôi cũng “dao động” vì rất nhớ nhà, nhớ người thân. Nhưng cuối cùng, tôi đã trụ vững và chiến thắng. Trước khi trở thành tướng lĩnh trong quân đội, tôi đã từng là “một chiến sĩ lâu năm”. Đây chính là khoảng thời gian đủ để tôi thấu hiểu và dành trọn tình thương của mình cho người chiến sĩ. Vì vậy, dù ở vị trí nào, người chỉ huy cấp nào kể cả lúc đảm nhận chức Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5, tôi vẫn luôn đề cao và quý trọng người chiến sĩ.

Ngồi nghe tướng Út kể chuyện, tôi lại càng hiểu hơn về sự khốc liệt của cuộc chiến tranh, sức mạnh của tinh thần đoàn kết quân dân để chiến thắng kẻ thù.

Trả lời câu hỏi của tôi: Điều gì đã thôi thúc “một cháng trai mới 18 tuổi đời nhày núi theo cách mạng” và tự nguyện gắn bó với quân đội để chiến đấu chống kẻ thù, góp sức giải phóng Tổ quốc? Trung tướng Nguyễn Thành Út trả lời mộc mạc: “Tôi sinh ra trong một gia đình cách mạng, quê hương tôi khi đó bị giặc xâm chiếm, đồng bào mình bị áp bức, đọa đày, nhà của mình bị đốt, bị đập phá, đói khổ…hằng ngày nhìn thấy kẻ thù cán quét, bắn giết ba con vô tội. Yêu Tổ quốc, thương bà con, gia đình, quê hương và quyết chí trả thù những kẻ đi cướp nước nên tôi đã xin pháp cha mẹ gia đình nhảy núi theo cách mạng...”.

Đã 18 năm trở về với gia đình, qua theo dõi tình hình thế giới, trong nước, đặc biệt là sự kiện đau lòng xảy ra ở Đăk Lăk vừa qua, tôi càng thấy sâu hơn về ý nghĩa của việc “Tập trung xây dựng tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc” mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định. Kẻ thù thì không bao giờ từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta bằng nhiều thủ đoạn, chỉ mong đội ngũ cán bộ các cấp, phải quán triệt, triển khai và thực hiện hiệu quả tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân. Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên từng khu vực, hướng chiến lược và phạm vi cả nước. Tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố vững chắc, phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, khả năng kinh tế địa phương, bảo đảm vừa thuận tiện sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu theo phương châm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”; gắn kết chặt chẽ với thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, hình thành thế trận phòng thủ trên các hướng chiến lược và cả nước. Cùng với đó tập trung xây dựng tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng “thế trận lòng dân”, mà cốt lõi là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ngày càng vững chắc. Có nhân dân, có niềm tin của nhân dân, thì chúng ta luôn chiến thắng.

Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Thành Út cùng tác giả bài viết

Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Thành Út cùng tác giả bài viết

Câu chuyện của Trung tướng Nguyễn Thành Út -Nguyên Phó tư lệnh Chính trị Quân khu 5, đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là thế hệ trẻ, củng cố sức mạnh nội lực, sức mạnh đoàn kết, niềm tin và lòng tự hào về chiến thắng còn tiềm ẩn trong mỗi người dân đất Việt. Qua đó, giúp họ có cái nhìn khách quan, chân thực về những sự kiện lịch sử của dân tộc, kính trọng sự xả thân, hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

(Còn nửa)

LÊ QUANG HỒI

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/trung-tuong-nguyen-thanh-ut-khi-to-quoc-can-la-ta-biet-hy-sinh-a24114.html