Trung tướng Trần Hoa - Người chỉ huy nhạy bén trong xử lý tình huống

Sau nhiều lần hẹn không thành, cuối cùng tôi cũng gặp được Trung tướng Trần Hoa tại nhà riêng của ông ở khu đô thị mới Pháp Vân, Hà Nội. Từ ngày nghỉ hưu, được rảnh rang thoải mái, ông lại hăng say với lao động sản xuất, làm kinh tế, nên lúc ở trong Nam, khi ngoài Bắc, rất hiếm khi có mặt ở nhà. Biết Bộ tư lệnh có chủ trương biên soạn cuốn sách 'Những vị tướng Biên phòng', ông rất đồng tình. Với bản tính sôi nổi, nhiệt tình, ông say sưa kể cho tôi nghe về cuộc đời hơn 40 năm binh nghiệp của mình...

Trung tướng Trần Hoa sinh năm 1952, trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Ninh Thành, thuộc Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, một vùng đất địa linh nhân kiệt. Là anh cả trong một gia đình có 9 người con, ngay từ nhỏ, Trần Hoa đã phải lao động vất vả để phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Tuy vậy, ông cũng không sao nhãng việc học hành và luôn ước mơ được làm người chiến sĩ xông pha nơi trận tuyến, chiến đấu tiêu diệt quân thù.

Ông kể, vào năm cuối cấp 3, nhà trường có mời Tướng Vương Thừa Vũ về kể chuyện chiến đấu cho học sinh nghe nhân ngày truyền thống Quân đội. Ông không chỉ thích thú với những trận đánh giáp lá cà táo bạo của bộ đội ta, mà còn bị hút hồn bởi tư thế chững chạc, cách kể chuyện thông minh của Tướng Vương Thừa Vũ. Từ đó, hình ảnh đẹp đẽ của vị tướng cứ in đậm trong lòng ông.

 Trung tướng Trần Hoa, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (giai đoạn 2007 - 2012).

Trung tướng Trần Hoa, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (giai đoạn 2007 - 2012).

Cuối năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt thì ông rời quê hương, nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang Ninh Bình, huấn luyện tại Tiểu đoàn 17 Công an vũ trang Thanh Hóa. Thanh Hóa, xứ Thanh là vùng đầu cán gáo miền Trung. Trong những năm tháng ấy, giặc Mỹ ngày đêm bắn phá ác liệt, hòng ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam của hậu phương lớn miền Bắc. Cũng chính trên mảnh đất Khu 4 tuyến lửa này, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, ông và đồng đội đã vượt qua bom đạn của kẻ thù, chiến đấu ngoan cường, góp phần bảo vệ an toàn các mục tiêu và con đường tiếp viện cho tiền tuyến lớn, miền Nam.

Cuối tháng 3-1975, cùng với đoàn quân chi viện cho An ninh vũ trang miền Nam, ông được điều vào Đà Nẵng nhận nhiệm vụ. Ngày đầu mới giải phóng, ở thành phố ngổn ngang tàn tích của chiến tranh, ông được phân công làm công tác trinh sát thuộc Ban Trinh sát Công an nhân dân vũ trang Quảng Nam - Đà Nẵng. Biết bao công việc bộn bề đè nặng lên Đội trinh sát của ông. Là trinh sát viên, hằng ngày ông phải đến từng địa bàn mới giải phóng, tham gia công tác ổn định tình hình tư tưởng công nhân cảng và nhân dân địa bàn vùng ven biển; gặp gỡ, tiếp xúc, đăng ký quản lý chặt chẽ số ngụy quân, ngụy quyền trình diện và lên phương án bóc gỡ cơ sở ngầm mà địch cài lại.

Thời gian này, tình hình an ninh cảng Đà Nẵng rất phức tạp. Bọn phản động thường xuyên kích động, xúi giục một số người nhẹ dạ cả tin, vượt biên, vượt biển trốn ra nước ngoài, rồi vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Ông và đồng đội đã nhiều đêm thức trắng, vạch phương án đấu tranh xóa sổ nhiều ổ nhóm phản động.

Điển hình như chuyên án phá ổ nhóm phản động Huỳnh Phúc Lô, Huỳnh Phúc Chông. Mặc dù được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước, sau khi đi học tập cải tạo về, nhưng với bản chất phản cách mạng, chúng vẫn ngoan cố chống lại chính quyền, chúng âm mưu định dùng mìn đánh sập cầu chữ T trước cửa Tòa thị chính thành phố, tạo tiếng nổ, kích động tâm lý hoang mang trong quần chúng. Đội trinh sát của ông, sau khi nắm được tình hình, đã đưa cơ sở thâm nhập và theo dõi âm mưu, thủ đoạn của chúng. Khi có đủ chứng cứ, tài liệu, Đội báo cáo Ban chuyên án cho sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phá án. Kết quả ta đã bắt gọn bọn chúng, thu được mìn, vũ khí và nhiều tài liệu quan trọng.

Tôi thực sự xúc động khi xem tập cuối bộ phim "Ký sự biên phòng" của Đài Truyền hình Việt Nam, trong đó có đề cập về chuyện Tướng Trần Hoa trở về thăm lại chiến trường xưa ở Bát Tam Boong, Campuchia. Sau hơn 20 năm xa cách, ông vẫn nhớ cái ngõ nhỏ, trong một xóm nghèo, có một ngôi nhà xiêu vẹo và gia đình người Campuchia đã cưu mang, giúp đỡ ông trong những ngày làm chuyên gia an ninh đi tìm diệt tàn quân Pôn Pốt còn giấu mặt ngày nào. Ông băng qua ngõ nhỏ, đến trước cổng ngôi nhà và gọi lớn bằng tiếng Campuchia. Từ trong nhà, một bà già người Campuchia chạy ra.

Định thần một lúc, bà ôm chầm lấy Tướng Hoa như người chị gặp lại đứa em sau bao nhiêu ngày xa cách. Rồi con, cháu của bà vây quanh ông tíu tít kể chuyện phum, sóc, ai còn, ai mất, ai đã trưởng thành lên làm cán bộ huyện, tỉnh và Trung ương. Chỉ những cử chỉ này thôi cũng đủ nói lên rằng, trong những ngày chiến đấu trên đất bạn, ông đã được nhân dân tin tưởng, yêu mến như thế nào, để rồi bây giờ, khi trở lại, họ vẫn thương yêu, quý mến ông như người ruột thịt.

Vui cảnh đoàn tụ sau bao nhiêu ngày xa cách, người chị Campuchia đã không quên dẫn ông đi thăm lại những địa danh năm xưa, nơi ông và đồng đội đã cùng nhau vượt qua gian khó, công tác và chiến đấu trên đất Bạn. Ông thắp hương cho đồng đội, những người đã ngã xuống và đứng lặng rất lâu để mường tượng lại gương mặt của những người bạn chiến đấu đã hy sinh. Mắt ông đỏ hoe, cảm xúc dâng trào. Nhìn cảnh ấy, tôi thực sự xúc động.

Khi được hỏi những ngày làm chuyên gia an ninh giúp nhân dân Campuchia, có gì gây ấn tượng sâu sắc nhất. Đắn đo suy nghĩ một lúc, rồi ông kể: Năm 1986, đang làm Phó phòng PA15, Công an Quảng Nam - Đà Nẵng, ông được cử sang Bát Tam Boong làm chuyên gia an ninh. Nhiệm vụ của ông là cùng với đồng đội giúp đơn vị an ninh của Bạn xuống các phum, sóc bóc gỡ các cơ sở ngầm của địch cài lại, xây dựng cơ sở chính trị của bạn từng bước vững vàng, đồng thời chuẩn bị những phần việc liên quan cho quân tình nguyện Việt Nam rút về nước.

Ngay đêm đầu tiên vừa chân ướt chân ráo đến Đoàn chuyên gia, trụ sở Đoàn đã bị lính Pôn Pốt tấn công. Lúc đó khoảng 10 giờ đêm, tiếng súng B40, B41, M72 nổ chát chúa khắp nơi. Ông cùng đồng đội và đơn vị an ninh Campuchia lập tức nổ súng đánh trả quyết liệt, buộc chúng phải tháo chạy.

Một lần khác, ông cùng Giám đốc Công an tỉnh Bát Tam Boong đi công tác xuống Thơ Ma Phuốc, cùng đi có 4 cảnh sát Campuchia. Làm việc xong lúc này đã 9 giờ đêm, mọi người ai nấy đều mệt mỏi, định ngủ lại rồi mai đi tiếp. Bỗng lính Pôn Pốt từ đâu ập tới bắn xối xả vào nơi chuyên gia An ninh Việt Nam và Cảnh sát Campuchia đóng quân. Cảnh sát Campuchia buộc phải kéo ông xuống một ao bèo dày đặc ẩn náu. Qua vụ này, kết hợp với nhiều tài liệu của các vụ khác, ông đặt vấn đề, có nội gián trong lực lượng của Bạn. Ông tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để điều tra.

Bằng kinh nghiệm của mình và "linh cảm" của người cán bộ an ninh ông đã phát hiện một "đầu mối" của Pôn Pốt trá hàng, cài vào nội bộ. Vừa tuyên truyền giáo dục, vừa răn đe, ông đã thuyết phục, cảm hóa được đối tượng. Sau đó, ông sử dụng đối tượng "đánh" trở lại hàng ngũ Pôn Pốt, lập được nhiều chiến công, giúp lực lượng An ninh xóa sổ nhiều ổ nhóm phản động. Đối tượng sau này phát triển tốt, trở thành cán bộ cốt cán của tỉnh Bát Tam Boong.

Những năm tháng làm chuyên gia an ninh trên đất Bạn không dài, nhưng đã để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc. Đó là những năm tháng lăn lộn ở vùng đất xa lạ, sự sống và cái chết luôn cận kề. Nhưng với tinh thần cách mạng, ý chí vươn lên khắc phục khó khăn, ông đã trưởng thành lên rất nhiều trong công tác, đồng thời đã có được những tình cảm tốt đẹp của những người bạn trong lực lượng nn ninh, cảnh sát và nhân dân Campuchia.

Năm 1990, ông được bổ nhiệm là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Qua công tác điều tra và nắm tình hình, ông biết được tình hình buôn lậu ở vùng biển Đà Nẵng nói riêng, Nam Trung bộ nói chung không khác gì "chợ Hồng Kông" trên biển. Hàng lậu từ nước ngoài được bọn chủ "đầu nậu" đưa về, làm náo loạn thị trường ven biển, gây bức xúc trong nhân dân. Phải có biện pháp gì để ngăn chặn chứ? Nhiều đêm trăn trở, ông vẫn chưa tìm ra lời giải đáp. Thật là lực bất tòng tâm. Tàu buôn lậu thì lớn, phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, chạy tốc độ cao. Tàu tuần tra biên phòng thì bé, tốc độ tối đa chỉ 8 hải lý/giờ, radar định vị cũng không, phương tiện liên lạc thì quá thô sơ. Chẳng nhẽ cứ để cho bọn buôn lậu ngang nhiên hoành hành trên biển?

Trăn trở, suy nghĩ mãi, ông nảy ra một ý tưởng phải hiệp đồng với các đơn vị bạn đóng ở các đảo để sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của họ; đồng thời, đưa tàu Biên phòng ra phục kích trên biển, nơi tàu buôn lậu có khả năng đi qua. Ông trực tiếp làm việc với các trạm radar, thông tin của Hải quân Vùng 2, và được các đơn vị đồng tình ủng hộ. Ông giao cho các bộ phận Tham mưu, Trinh sát lập phương án chiến đấu trên biển.

Đúng như phương án đã vạch sẵn, khi nhận được tin tức từ các đơn vị bạn trên các đảo báo về, ông lập tức cho tàu Biên phòng phục kích ở gần đó lao đến, bắt thành công 2 tàu buôn lậu là Phương Mai 18 và Quang Trung 15, thu một lượng hàng hóa lớn, trị giá 11 tỷ 280 triệu đồng ở thời điểm 1992. Sự kiện bắt 2 tàu buôn lậu lớn trên biển đã làm chấn động khu vực Nam Trung bộ.

Năm 1999, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng. Trên cương vị mới của mình, với biết bao công việc bề bộn của nhiệm vụ công tác biên phòng đặt ra khá nan giản. Nhưng ông xác định, chọn lựa những công việc trọng tâm, trọng điểm để thống nhất trong Thường vụ, Bộ Chỉ huy những chủ trương lãnh đạo, biện pháp thực hiện, không dàn đều, chung chung... Nhất là trước tình hình buôn lậu và gian lận thương mại từ Quảng Bình đến Bình Định nổi lên rất phức tạp. Ông đã báo cáo Bộ tư lệnh phương án chặn bắt tàu buôn lậu và xua đuổi tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta đánh bắt hải sản.

Ông cho triển khai "Chiến dịch 100 ngày đêm bám trụ trên biển" mà lực lượng nòng cốt xung kích là Hải đội 2. Biết được sự hạn chế, khó khăn của lực lượng mình, tàu nhỏ, tốc độ chậm, phương tiện liên lạc thô sơ, khó bắt giữ các tàu buôn lậu có trọng tải lớn, ông nảy ra ý tưởng táo bạo, cho trinh sát "xã hội hóa" đi nắm tình hình buôn lậu tận nơi xuất phát, từ đó có tin tức chính xác báo về "Sở chỉ huy" chiến dịch. Đồng thời, để cán bộ, chiến sĩ có điều kiện bám trụ dài ngày trên biển, ông tổ chức một bộ phận tàu, thuyền nhỏ, chuyên tiếp tế lương thực, xăng dầu cho lực lượng bám chốt. Những con tàu của Hải đội 2 rập rình trên sóng biển, lúc ẩn, lúc hiện, nhất nhất theo lệnh của Chỉ huy trưởng Trần Hoa.

Khi nhận được tin tức từ lực lượng trinh sát ngoại biên báo về, ông cùng "Sở chỉ huy" chiến dịch, xác định chính xác đường đi, lối về và thời gian đến vùng biển Đà Nẵng. Ông cho tàu Hải đội 2 bí mật phục sẵn, chờ tàu buôn lậu lọt vào vị trí phục kích, rồi bất ngờ ra lệnh cho các tàu của ta xông ra vây bắt. Với cách đánh táo bạo đó, các phương tiện nhỏ của Bộ đội Biên phòng đã phát huy được tác dụng, đánh trúng các tàu to buôn lậu lớn.

Trong chiến dịch bám trụ 100 ngày đêm trên biển, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã bắt được 28 tàu buôn lậu và gian lận thương mại, với lượng hàng hóa giá trị hàng trăm tỷ đồng. Điển hình là vụ phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam bắt tàu Kim Liên thuộc Công ty Việt - Practh, do Phạm Văn Bính làm Thuyền trưởng, lợi dụng vận chuyển hàng chính ngạch 5.000 tấn nhựa đường từ Singapore về Hải Phòng đã nhập lậu một khối lượng lớn hàng tiêu dùng có giá trị kinh tế cao như: 780 thùng thuốc lá Dunhill, rượu ngoại 240 thùng và nhiều hàng hóa khác.

Sau này, khi được bổ nhiệm Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng, với những kinh nghiệm từ cơ sở ông đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng các tỉnh tuyến biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau chống buôn lậu và gian lận thương mại theo phương pháp kiên trì mật phục trên biển, kết hợp với công tác trinh sát nắm tình hình từ xa, đón lõng, chờ tàu buôn lậu về vây bắt. Với cách đánh sáng tạo, mưu trí này, Bộ đội Biên phòng đã thu được nhiều thắng lợi, làm cho bọn buôn lậu không còn ngang nhiên hoành hành, tình trạng buôn lậu hàng hóa trên biển cơ bản có chuyển biến tích cực, hiệu quả.

Hẳn mọi người vẫn chưa quên cơn siêu bão số 7, năm 1999, đổ bộ vào các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi với cấp gió 11 và 12. Toàn khu vực bờ biển từ Huế vào Quảng Ngãi ngập chìm trong biển nước. Sóng biển đánh dữ dội, mưa mỗi lúc một to, gió bão rít lên từng hồi. Những tấm tôn từ các ngôi nhà bên bờ biển bị gió đánh bật tung, bay vèo vèo, giao thông bị cắt đứt. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu, Phó chủ tịch Ủy ban Tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn quốc gia cùng Đoàn công tác bay ra thành phố Đà Nẵng để chỉ đạo đối phó với cơn siêu bão.

Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu đến Đà Nẵng thì trời đã nhá nhem tối. Tại Đà Nẵng, các lực lượng phòng chống bão được triệu tập đã có mặt đầy đủ, chờ ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Ủy ban Tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Sau khi có ý kiến chỉ đạo, các đơn vị bổ sung phương án, kịp thời đối phó với diễn biến phức tạp của cơn bão. Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu quyết định, ngay trong đêm, Đoàn công tác của Ủy ban Tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn phải đến được trung tâm đổ bộ của cơn bão, theo dự kiến là tỉnh Quảng Ngãi. Ông yêu cầu các lực lượng có mặt phải tìm được phương án đưa Đoàn công tác của Ủy ban Tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn Quốc gia vào Quảng Ngãi.

Cơn bão số 7 lúc này đã đổ bộ vào bờ. Gió mỗi lúc một dữ dội. Mưa xối xả, nước dâng cao, mọi ngả đường vào Quảng Ngãi hầu như bị chia cắt hoàn toàn. Bão lớn, máy bay của không quân không bay được, tàu Hải quân không ra khỏi cửa biển được. Hiểu được tâm trạng của Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu trong lúc khẩn cấp này, Chỉ huy trưởng Trần Hoa xin phép được suy nghĩ, tìm giải pháp đưa Đoàn đi. Trong đầu ông chộn rộn bao điều suy tính. Tàu tuần tra Biên phòng cũng chỉ chịu được gió cấp 6, cấp 7. Ông chợt nhớ ra kinh nghiệm đi biển trong bão tố của các bác ngư dân và cách thức di chuyển của họ trong bão, gió.

Trước hết họ bình tĩnh quan sát, đoán hướng gió, mưa. Khi thấy bão đi ra, thì tàu phải đi vào, di chuyển ngược với bão để tránh bão. Hơn nữa, gió ở cửa vịnh bao giờ cũng nhỏ hơn so với ngoài khơi. Ông tính toán nhanh trong đầu: Tàu lớn của Ủy ban Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn Quốc gia đang đậu ngoài vịnh Đà Nẵng đủ sức chịu đựng cấp gió hiện tại. Điều cần nhất lúc này là làm thế nào mà đưa được Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng Đoàn công tác lên tàu lớn của Ủy ban, rồi sau đó đến trung tâm bão ở Quảng Ngãi an toàn.

Sau khi tính toán cẩn thận, ông quyết định đưa Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu và Đoàn công tác ra tàu của Ủy ban đang đậu ngoài khơi bằng tàu của Hải đội Biên phòng 2, mở đường đi vào tâm bão. Những chiến sĩ có kinh nghiệm, được ông tập hợp lại để đi thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. 9 giờ tối, con tàu của Hải đội 2 dưới sự chỉ huy của ông, từ cảng Tiên Sa bắt đầu lao đi trong bão tố mịt mùng. Gió bão mỗi lúc một rít lên, mưa ào ào trút xuống. Con tàu chao đảo, nghiêng ngả trên ngọn sóng cao tới hàng chục mét, như muốn lật nhào xuống biển khơi. Các thành viên trong đoàn lúc này không ai nói ra, nhưng trong thâm tâm đều cho rằng Chỉ huy trưởng Trần Hoa mạo hiểm.

Trong gian khó giữa mịt mùng trùng khơi, bản lĩnh của người chỉ huy thông minh, sáng tạo trong ông được thử thách, khẳng định. Ông vừa chỉ huy tàu, vừa vạch ra phương án tiếp cận tàu cứu hộ và đã đưa được Trung tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng Đoàn công tác lên tàu an toàn đúng như dự kiến. Ông và anh em trên tàu Biên phòng thở phào nhẹ nhõm. Tàu cứu nạn tiếp tục băng mình trong gió bão, đưa đoàn công tác vượt ra cửa sông Cái để đi vào tâm bão.

Chặng đường từ Đà Nẵng đến vùng tâm bão ở Quảng Ngãi là một hành trình đầy gian nan, vất vả. Gần một đêm đánh vật với gió bão, nhiều người trên tàu say sóng, mệt nhoài. Chỉ còn ông, thuyền trưởng và mấy đầu bếp là tỉnh táo. Mọi người đều lo lắng không biết có đi đến đích không.

Qua Mũi Nghê, ông bảo mấy đầu bếp mang mì tôm ra ăn để lấy lại sức lực và tinh thần. Vừa nhai mì tôm khô, ông vừa nhớ lại lời mấy bác ngư dân rồi kêu lên một tiếng như tự nhủ với mình: "Bão đi ra, mình đi vô, ngược bão, tránh bão là đúng rồi". Chỉ huy trưởng Trần Hoa quyết định đi tiếp và nói với thuyền trưởng cho tàu vào vịnh Dung Quất để chọn điểm cập bờ.

Lúc này, sóng vẫn to, mưa bão vẫn dữ dội, mọi phương tiện cặp mạn tàu cứu nạn đều không thành công. Đang băn khoăn suy nghĩ, ông chợt nghĩ tới hình ảnh các ngư dân dùng thuyền thúng để đi lại trong những lần mưa to, gió lớn. Và ông quyết định liên lạc ngay với Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đang thường trực chống lụt bão trên bờ. Một đội ngũ ngư dân giàu kinh nghiệm chống chọi với mưa bão trên biển của Quảng Ngãi được huy động, đã sử dụng thuyền thúng cặp mạn tàu cứu nạn, đưa từng cán bộ vào bờ an toàn.

Kể lại chuyện cải cách thủ tục hành chính ở Đồn cửa khẩu cảng Đà Nẵng, khi ông còn làm chỉ huy trưởng Biên phòng Đà Nẵng, giọng ông sôi nổi: Những năm đầu của thế kỷ 21, khi nền kinh tế của Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, tàu thuyền lớn của nước ngoài đậu san sát trong khu vực cảng Đà Nẵng. Không chỉ có tàu chở hàng, mà còn có nhiều tàu khách du lịch từ khắp năm châu, bốn biển đến tham quan thành phố này. Đơn vị phải chia ca ra làm thủ tục xuất, nhập cảnh suốt ngày đêm cũng không kịp.

Có tháng trên 40 tàu du lịch cập cảng. Tàu nhiều nhất đến 4.000 khách, tàu ít thì cũng hàng trăm khách. Bình quân mỗi người làm thủ tục một khách với các động tác kiểm tra hộ chiếu, thị thực, nhận diện, đóng dấu kiểm chứng, cũng hết 1 phút. Với tàu 4.000 khách, để làm xong thủ tục phải mất vài ngày. Trong khi đó, thời gian tàu du lịch dừng lại lâu nhất ở cảng chỉ có 3 ngày. Biên phòng nóng ruột một thì nhà tàu, công ty du lịch nóng ruột mười. Làm thế nào vừa đảm bảo được an ninh, vừa thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam? Đây cũng là cơ hội để phát triển kinh tế du lịch của Đà Nẵng theo chủ trương chung của đất nước.

Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, ông quyết định đột phá vào khâu cải cách thủ tục xuất, nhập cảnh. Ông báo cáo cấp trên thực trạng công tác xuất, nhập cảnh ở cảng Đà Nẵng và đưa ra một sáng kiến táo bạo là Bộ đội Biên phòng sẽ làm thủ tục cho khách du lịch trước khi vào lãnh thổ Việt Nam. Được cấp trên khuyến khích và coi đây như là thí điểm đổi mới về công tác xuất, nhập cảnh, ông càng hăng hái đi tiên phong. Khi nhận được điện của các hãng tàu đến du lịch ở Đà Nẵng, ông yêu cầu họ cung cấp lịch trình và điểm dừng cuối cùng trước khi vào Việt Nam.

Sau khi nắm chắc được lịch trình, điểm dừng cuối cùng, ông mới cử các sĩ quan có kinh nghiệm làm công tác xuất, nhập cảnh giỏi tiếng Anh, mang theo bộ dấu kiểm chứng, bay sang Hồng Kông, Singapore, xuống tàu của họ để làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho khách. Khi tàu về đến cảng Đà Nẵng thì cũng là lúc người khách cuối cùng được làm thủ tục xong. Các công ty du lịch Việt Nam chỉ việc đỗ xe ngay dưới chân cầu thang của tàu đón khách vào bờ, tham quan nghỉ dưỡng. Nhờ sáng kiến đột phá về thủ tục này của lực lượng Bộ đội Biên phòng mà hằng năm, ngành du lịch Đà Nẵng thu về cho đất nước hàng chục tỷ đồng lợi nhuận.

Năm 2007, ông được bổ nhiệm chức Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ngay sau khi nhận bàn giao chức trách, nhiệm vụ, ông trăn trở suy nghĩ và bắt tay vào công việc với tinh thần, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong ông là, làm thế nào để tiếp nối công việc được liên tục, vừa phải biết phát huy những ưu điểm, đúc rút ra những vấn đề cần khắc phục, cần đổi mới.

Trước những phát triển mới của tình hình nhiệm vụ công tác Biên phòng ngày càng toàn diện, phức tạp trên các lĩnh vực, bên cạnh những thuận lợi, cũng không ít những khó khăn. Ông tập trung cùng với Chính ủy Võ Trọng Việt trao đổi, xác định những công việc nổi lên cần đi sâu, sau đó thống nhất trong Bộ tư lệnh, trong Thường vụ Đảng ủy, rồi ông quán xuyến, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách quyết liệt.

Điều mà ông quan tâm trước tiên là thống nhất với Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng, Phó tư lệnh nghiệp vụ triển khai sâu rộng công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá tình hình có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị địa bàn biên phòng, nhất là hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy. Ông chỉ đạo sát sao Cục Trinh Sát, Cục Phòng, chống tội phạm ma túy, tăng cường xuống thực tế, và hướng vào việc đổi mới phương thức hoạt động của Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh trọng điểm, các đội công tác của Cục Trinh sát, Cục phòng chống tội phạm ma túy, xác lập nhiều chuyên án đấu tranh, kết hợp với phát động phong trào quần chúng, từ đó nâng cao hiệu quả đánh, bắt, phòng chống tội phạm, lập nhiều chiến công xuất sắc.

Không dừng lại ở đó, ông còn khởi xướng, bàn bạc trong Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh thành chủ trương thống nhất, báo cáo Bộ Quốc phòng chuyển nhiệm vụ phòng, chống tội phạm từ chức năng, nhiệm vụ của công tác Trinh sát sang công tác phòng chống tội phạm ma túy để tạo sự thuận lợi liên hoàn trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm nói chung, đồng thời cũng là để lĩnh vực công tác trinh sát có điều kiện tập trung chuyên sâu vào công tác tình báo, phản gián... Đã nói là làm, ông kiên trì thuyết phục, thống nhất trong lãnh đạo các cấp, các cơ quan chức năng, từ đó tạo chuyển biến tích cực hơn, hiệu quả hơn trong thực tế đối với nhiệm vụ phòng, chống các loại tội phạm trên các tuyến biên giới.

Trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ông đầu tư chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức tuần tra, nhất là tuần tra song phương với lực lượng chức năng của nước Bạn; tăng cường trao đổi, hội đàm giải quyết các vấn đề từ cơ sở, gắn với giao lưu, hữu nghị, tạo sự thân thiện hơn trong công tác đối ngoại Biên phòng. Với lực lượng chuyên trách, nước láng giềng gắn với công tác đối ngoại nhân dân được đẩy mạnh. Đồng thời ông đã cùng tập thể Bộ tư lệnh coi trọng chỉ đạo, phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, thông qua việc giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở bằng những việc làm cụ thể thiết thực xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh, cơ bản phát triển từng bước vững mạnh.

Đảm đương cương vị Tư lệnh cũng là lúc Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 554/TTg, về việc tạo điều kiện thuận lợi trong giao thông hàng hải quốc tế. Đây là cơ hội để ông thực hiện ý tưởng táo bạo của mình về đẩy mạnh cải cách công tác xuất, nhập cảnh. Ông trực tiếp chỉ đạo Phòng Cửa khẩu thực hiện Đề án: "Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh của Bộ đội Biên phòng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế". Đồng thời, với trách nhiệm của người Tư lệnh, ông bàn với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh tăng cường đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện kỹ thuật tại các cửa khẩu để tạo điều kiện giải quyết thủ tục xuất, nhập cảnh được nhanh, gọn, chính xác, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy và mệnh lệnh của Tư lệnh Trần Hoa, các đồn, trạm kiểm soát cửa khẩu trên toàn quốc, từng đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai cách thức cụ thể phù hợp với thực tế. Hằng tháng, hằng quý ông tập trung chỉ đạo đột phá vào những khâu yếu và khâu quan trọng trong công tác làm thủ tục xuất, nhập cảnh. Ông chỉ đạo cơ quan chức năng đưa lực lượng xuống các đơn vị còn yếu, trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ về công tác xuất, nhập cảnh cho anh em.

Các cửa khẩu quốc tế được triển khai bảng hướng dẫn quy định thủ tục biên phòng bằng 3 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng của nước đối diện); cải tiến phương thức giám sát biên phòng ở các cửa khẩu cảng biển, không tiến hành giám sát trực tiếp tại tàu và triển khai hòm thư góp ý tại cửa khẩu. Ông chỉ đạo các đơn vị có kế hoạch đầu tư chiều sâu để hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm chứng, tự động hóa đầu đọc hộ chiếu, đọc mã vạch, thẻ từ... nâng cao độ chính xác trong công tác thủ tục, xuất, nhập cảnh, rút ngắn thời gian làm thủ tục từ 3 phút/người của năm 2007 xuống còn chưa đầy 1 phút/người vào cuối năm 2008.

Năm 2007, khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho tàu nước ngoài, chủ tàu phải nộp 36 loại giấy tờ, xuất trình 27 loại giấy tờ; khi rời cảng phải nộp 17 loại giấy tờ, xuất trình 19 loại giấy tờ. Đến năm 2009 chỉ còn 5 loại giấy tờ và sau 30 phút là tàu có thể cập bến hoặc rời bến. Kết quả này được Đại lý tàu biển cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước rất hoan nghênh.

Không chỉ tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính và cải tiến phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ, ông còn chỉ đạo các đơn vị chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trực tiếp làm công tác xuất, nhập cảnh ở các cửa khẩu biên giới cũng như ở cảng biển; đồng thời đề nghị cấp trên nâng cấp phòng cửa khẩu thành Cục Cửa khẩu Bộ đội Biên phòng.

Theo ông, cán bộ, nhân viên làm công tác ở cửa khẩu là đại diện cho cơ quan chức trách của Việt Nam. Trình độ, tác phong, thái độ, cử chỉ của đội ngũ này phần nào thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình cảm và lòng hiếu khách của dân tộc Việt Nam, là người đầu tiên cũng là người cuối cùng tạo ấn tượng tốt hay xấu đối với mỗi người khách đến hoặc đi.

Vì vậy, Tư lệnh Trần Hoa chỉ đạo các cơ quan chức năng phải đổi mới công tác giáo dục, huấn luyện làm cho đội ngũ làm công tác xuất, nhập cảnh có phẩm chất chính trị vững vàng, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về ngoại ngữ để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa là những hướng dẫn viên du lịch giỏi giới thiệu tiềm năng, lịch sử, phong cảnh của đất nước cho du khách nước ngoài. Bản thân ông cũng rất ham mê học ngoại ngữ và sử dụng thành thạo trong giao tiếp. Ông là tấm gương cho cán bộ, chiến sĩ noi theo.

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng thực hiện Kế hoạch phân giới cắm mốc biên giới trên bộ, tham gia đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; tổ chức tôn tạo, tăng dày cột mốc biên giới Việt - Lào; phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia... Bộ tư lệnh xác định, đây là những nhiệm vụ quan trọng, nặng nề và hết sức phức tạp. Bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ là trách nhiệm chung của Đảng và Nhà nước ta, nhưng trách nhiệm chính thuộc về Bộ đội Biên phòng, một lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Trên cương vị Tư lệnh, đồng thời là thành viên Ban chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Quốc phòng về phân giới cắm mốc và đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ, ông cùng tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh chỉ đạo sâu sát các Đoàn phân giới cắm mốc trong tổ chức thực hiện; tham mưu cho Chính phủ và Bộ Quốc phòng về kế hoạch khảo sát xây dựng cột mốc biên giới, cũng như phương pháp đấu tranh xử lý những bất đồng, những đối sách chống lại các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng việc cắm mốc để lấn chiếm biên giới.

Ông tâm sự: "Trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, công tác tham gia đàm phán, giải quyết vấn đề biên giới, tiến tới ký kết Hiệp định, Quy chế biên giới, trong đó có Hiệp định phân giới cắm mốc với các nước láng giềng luôn được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ đội Biên phòng. Các đồng chí Tư lệnh tiền nhiệm đã nêu cao bản lĩnh của người đứng đầu lực lượng Biên phòng tham mưu cho Chính phủ những ý kiến xác đáng trong quá trình đàm phán cũng như góp ý kiến để xây dựng các văn bản Hiệp ước Quy chế biên giới, đến tổ chức thực hiện phân giới cắm mốc trên thực địa, tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Thời điểm ông là Tư lệnh, là thời điểm có nhiều khó khăn trong triển khai kế hoạch phân giới cắm mốc. Ngoài những điểm thông thường, tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc phần phân giới cắm mốc còn lại chủ yếu là những điểm khó (thường gọi là những điểm C). Các điểm này, tài liệu, chứng cứ để lại không đầy đủ, rõ ràng.

Công tác quản lý trên thực tế hai bên có sự tranh chấp cùng với những nhận thức khác nhau. Đó thực sự là những bài toán khó. Kết quả làm sao phải đạt được: Cùng đi đến một điểm chung nhưng không để mất một tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, người thực hiện cần phải nắm rõ ý đồ của đối phương và có căn cứ cụ thể, chính xác, để tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng trong đàm phán cũng như trong chỉ đạo tổ chức thực hiện. Ông cho tôi biết, ông đã trực tiếp đi khảo sát những vị trí còn tồn tại, phức tạp, nhạy cảm như Cồn Pò Thoong, Bản Giốc, Cao Bằng; Bãi Tục Lãm, Móng Cái, Quảng Ninh; hay cột mốc ở Ngã Ba Biên, A Pa Chải, Điện Biên... Từ đó có cơ sở chính xác để đề xuất, tham mưu với trên.

Quá trình đàm phán, theo ông, thực sự là những cuộc đấu trí quyết liệt. Và ngày 31-8-2008, Việt Nam và Trung Quốc đã ký biên bản, kết thúc quá trình phân giới cắm mốc của tuyến biên giới Việt - Trung. Những kinh nghiệm và bài học tích lũy được từ đó là cơ sở để ông vận dụng chỉ đạo công tác phân giới cắm mốc tuyến biên giới, Việt Nam - Campuchia và tăng dày, tôn tạo cột mốc tuyến biên giới Việt - Lào thành công, hiệu quả.

Để có bước chuyển biến tích cực hơn trong việc phối hợp với các cấp, các ngành, ông cùng với tập thể Bộ tư lệnh đã xúc tiến một bước đổi mới tăng cường sự phối hợp với các quân khu các tỉnh, thành ủy nơi có Bộ đội Biên phòng thông qua việc ký kết và duy trì thực hiện quy chế phối hợp, định kỳ gặp gỡ, sơ tổng kết rút kinh nghiệm, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Ấn tượng nhất để lại trong cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng là ông đã tổ chức một đội ngũ cán bộ có thành phần đại diện trong Bộ tư lệnh và các Cục, các phòng chức năng đến Quân khu 7 để giao lưu, trao đổi, học hỏi được nhiều kinh nghiệm rất thiết thực trên các lĩnh vực công tác tham mưu, chính trị, hậu cần kỹ thuật, làm kinh tế.

Ngoài ra, với cương vị Tư lệnh, Trung tướng Trần Hoa còn là người rất quan tâm đến việc chỉ đạo sản xuất, làm kinh tế dưới nhiều hình thức sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm với mục tiêu đặt ra là không ngừng cải thiện nâng cao đời sống vật chất cho cán bộ, chiến sĩ.

Với tổ ấm gia đình, vợ ông là bà Đặng Thị Liễu, người cùng quê, đã từng là cán bộ ngành lương thực tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, bà luôn là chỗ dựa cho ông và toàn gia đình, làm tròn bổn phận của người vợ trên các khía cạnh của cuộc sống đời thường, nhất là với 2 bên nội, ngoại bà luôn chu toàn; nghiêm khắc, tỉ mỉ, chu đáo trong nuôi dạy con cái, hai người con trai của ông đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định. Ông nói, ông luôn cảm ơn bà, bà là chỗ dựa vững chắc để ông tập trung cao độ cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ công tác của mình trong Bộ đội Biên phòng.

Hơn 40 năm gắn bó với biên cương, trên các cương vị công tác được giao, ông luôn say sưa, nhiệt huyết, không chùn bước trước mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Từ một người lính, ông đã trở thành Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã để lại trong lòng bao thế hệ người lính Biên phòng những dấu ấn của những chiến công cùng những tình cảm sâu đậm, chan chứa tình người. Hôm chia tay trở về cuộc sống đời thường, nhiều người nhắc lại những chiến công này, nhưng ông chỉ cười - một nụ cười giản dị, khiêm tốn như chính cuộc đời ông vậy.

TRUNG TUYẾN - TRẦN HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-tran-hoa-nguoi-chi-huy-nhay-ben-trong-xu-ly-tinh-huong-781777