Trước các biến thể, vaccine COVID-19 vẫn là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa dịch bệnh

Vaccine chính là vũ khí duy nhất có thể giúp nhân loại thoát khỏi đại dịch COVID-19. Nhờ có vaccine hy vọng COVID-19 sẽ trở thành một bệnh giống cúm mùa và chúng ta có thể sống chung với dịch bệnh...

Sau tiêm vaccine COVID-19 định lượng kháng thể thế nào là an toàn?

Vaccine ngừa COVID-19 có nhiều loại, nhưng tựu chung hoặc là chứa protein gai (protein S) của virus (vaccine tiểu đơn vị, vaccine bất hoạt), hoặc là sử dụng tế bào cơ thể tạo ra protein này (vaccine mRNA hoặc vaccine DNA vector). Nhờ vậy khi tiêm vaccine, cơ thể sẽ kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra được miễn dịch bảo vệ chống lại protein S của virus, giúp cơ thể không bị nhiễm bệnh hay bị bệnh COVID-19.

TS.BS. Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Hội vi sinh - lâm sàng, TP.HCM cho biết: Trên thực tế, sau khi tiêm ngừa vaccine COVID-19, nhiều người rất mong muốn biết được cơ thể của mình đã có được miễn dịch bảo vệ hay chưa, nên đã đi làm định lượng kháng thể đặc hiệu COVID-19 có trong máu. Kết quả sẽ giúp họ rất vui nếu kháng thể được tạo ra là vượt ngưỡng. Ngược lại sẽ rất lo buồn và phán xét chất lượng loại vaccine được tiêm.

Sau tiêm vaccine, cơ thể sẽ kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra miễn dịch chống lại bệnh.

Tuy nhiên chúng ta phải hiểu rằng, muốn biết được độ hiệu quả của miễn dịch bảo vệ thì phải định lượng cho được miễn dịch bảo vệ, bao gồm cả kháng thể trung hòa, tế bào miễn dịch và cả tế bào nhớ. Nếu chỉ dựa vào kết quả định lượng kháng thể đặc hiệu để nói có đủ miễn dịch hay không là hoàn toàn chưa đủ. Chỉ có một vấn đề đáng quan tâm nhất là chúng ta đã tiêm đủ hai liều vaccine hay chưa? Nếu chưa đủ hay chưa tiêm vaccine thì đó chính là điều đáng lo ngại nhất.

Vaccine COVID-19 vẫn là giải pháp tốt ngăn ngừa dịch bệnh

TS.BS.Phạm Hùng Vân cho biết, hiện nay đã có được nhiều loại vaccine hiệu quả ngừa COVID-19, nhưng chúng ta lại phải đối diện với thách thức mới là các biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện liên tục mà biến thể sau có tốc độ lây lan nhanh hơn biến thể trước.

Thách thức này có thể sẽ là thảm họa nếu xuất hiện biến thể vừa lây lan nhanh lại vừa kháng được vaccine hiện hành. Do vậy mà việc liên tục theo dõi sự xuất hiện biến thể mới là rất cần thiết để các nhà nghiên cứu và sản xuất có những thay đổi kịp thời trong chế tạo ra vaccine COVID-19, giống như sự thay đổi hằng năm của vaccine cúm.

Trong buổi trao đổi khoa học tại Hội nghị tiêu hóa toàn quốc lần thứ 27, TS.BS.Phạm Hùng Vân cho biết: Trong các nghiên cứu của chúng tôi, các biến thể của SARS-CoV-2, bao gồm cả Alpha, Beta, Gammar và Delta thì vaccine COVID-19 đều có hiệu quả đối với các biến thể này.

Cụ thể, riêng đối với chủng SARS-CoV-2 nguyên thủy thì vaccine có hiệu quả bảo vệ tốt. Đối với biến thể Alpha không cho thấy có sự thay đổi về hiệu quả bảo vệ. Nhưng với chủng Beta đã có vẻ có sự thay đổi, đặc biệt là làm giảm hiệu quả của các kháng thể đơn dòng. Biến thể Gamma cũng có một số giảm hiệu quả nhất định. Riêng đối với biến thể Delta, vaccine không giúp ngừa nhiễm, nhưng lại giúp tránh các trường hợp bệnh nặng hoặc tử vong.

Như vậy, với tốc độ lây lan như hiện nay của biến thể Delta hay Omicron... thì vaccine có thể giúp giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

Triệu chứng nhiễm COVID-19 đột phá ở người đã tiêm vaccine thường nhẹ, hy vọng có thể giúp chấm dứt đại dịch

Hiện đã có nhiều nghiên cứu đang tiến hành để đánh giá khả năng lây nhiễm cũng như mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tái nhiễm của biến thể này.

Theo WHO, tính đến ngày 18/12 biến thể Omicron đã được ghi nhận ở 89 quốc gia trên thế giới. Điều này là bằng chứng về tốc độ lây lan của biến thể trong cộng đồng. Omicron có thể trở thành biến thể thống trị trong những tuần tới. WHO cảnh báo.

Nhưng, sự ra đời của biến thể Omicron lại được các nhà khoa học hi vọng đây chính là yếu tố giúp chúng ta chấm dứt đại dịch.

TS. Anthony Fauci (cố vấn y tế của Nhà Trắng) – chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, nhận định: Omicron có thể là điều không hoàn toàn tồi tệ, bởi mức độ nghiêm trọng của biến thể này không cao. Những người nhiễm Omicron lại có thể hình thành miễn dịch tự nhiên chống lại tất cả các chủng của SARS-CoV-2.

Biến thể Omicron có thể giúp chấm dứt đại dịch.

TS.BS.Phạm Hùng Vân phân tích: Miễn dịch cộng đồng là khi 70% dân số có miễn dịch thì sẽ bảo vệ được 30% dân số còn lại chưa có miễn dịch. Trước đây người ta cho rằng vaccine ngừa COVID-19 là vaccine có thể tạo được miễn dịch cộng đồng, bởi vaccine ngừa được nhiễm COVID-19. Nhưng hiện tại, đối với chủng Delta và một số chủng khác như Omicron, vaccine chỉ làm giảm sự nghiêm trọng của bệnh.

Với tốc độ lây lan nhanh của các biến thể mới như Delta hay Omicron, làm cho số lượng người nhiễm COVID-19 ngày càng nhiều, tuy nhiên ở những người đã được tiêm đầy đủ vaccine COVID-19, các triệu chứng nhiễm COVID-19 thường nhẹ hoặc không triệu chứng... Điều này có thể là yếu tố quan trọng để nhiều người đạt được miễn dịch tự nhiên hơn, giúp tạo miễn dịch cộng đồng chống lại COVID-19.

Cần nhấn mạnh: "món quà miễn dịch cộng đồng" này chỉ dành cho những vùng đã được tiêm vaccine đầy đủ. Còn đối với những vùng chưa được tiêm vaccine thì các biến thể COVID-19 này sẽ tạo ra "cơn bão" dịch bệnh khủng khiếp bởi tốc độ lây lan và nguy cơ bệnh nặng.

Chính vì thế, tiêm vaccine đầy đủ 2 mũi vẫn là biện pháp hiệu quả nhất trong việc chống lại, hay nói cách khác là chấm dứt đại dịch COVID-19.

Mời độc giả xem thêm video:

Thu Hà

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//truoc-cac-bien-the-vaccine-covid-19-van-la-bien-phap-huu-hieu-ngan-ngua-dich-benh-169211219143428202.htm