Nguy cơ khi cần sa mạnh hơn

Cần sa là loại chất gây nghiện được nhiều người Mỹ sử dụng thường xuyên nhất, nhiều hơn cả rượu và thuốc lá. Kể từ khi bang Colorado cho phép buôn bán, sử dụng cần sa vào mục đích giải trí cách đây 12 năm, số người Mỹ thường xuyên tiêu thụ cần sa và các dẫn chất của cần sa đã tăng lên đến 35 triệu.

Giá trị toàn ngành cần sa tại Mỹ trong năm 2023 ước tính khoảng 15,82 tỷ USD, dự báo sẽ còn tăng thêm 13,7% từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với một câu hỏi: Liệu cần sa có đang trở nên quá mạnh, quá nhanh?

Chạy đua vũ trang

Những cây cần sa đầu tiên ở Mỹ được người dân di cư từ Châu Âu trồng ở Jamestown (bang Virginia) vào năm 1611, cùng thời điểm với những cây thuốc lá đầu tiên. Sợi cây gai dầu là mặt hàng nông sản quan trọng đối với người dân Mỹ khi đó. Ngoài ra họ cũng biết cách phơi khô hoa gai dầu để làm thuốc hút và thuốc giảm đau.

Năm 1937, chính quyền liên bang Mỹ mới cấm sản xuất, lưu hành và sử dụng cần sa và một số chất gây nghiện khác chiết xuất từ cây gai dầu. Sau nhiều nỗ lực vận động không mệt mỏi của những tổ chức do người sử dụng cần sa lập nên, cuối cùng chính quyền các tiểu bang cũng dần dỡ bỏ lệnh cấm trên. Hiện nay có 38/ 50 bang ở Mỹ cho phép người dân mua cần sa để dùng làm thuốc, trong đó có 24 bang còn cho phép mua vì mục đích giải trí, "hút chơi".

Tinh chất THC.

Tinh chất THC.

Cần sa thay đổi được tâm lý người sử dụng, thậm chí là tạo ra ảo giác là nhờ hai loại hợp chất: tetrahydrocannabinol (THC) và cannabidiol (CBD). Sau khi cần sa được hợp pháp hóa tại Mỹ, các nhà vườn và nhà sản xuất cần sa tìm mọi cách để tăng hàm lượng THC trong sản phẩm của họ. Theo nghiên cứu của Thư viện Thuốc quốc gia Mỹ, cần sa bán trên thị trường chợ đen vào năm 1994 chỉ chứa khoảng 4% THC, nhưng cần sa bán hợp pháp vào năm 2023 chứa tận 12% THC. Còn có một số giống gai dầu không hạt mới có thể sản xuất ra cần sa với hàm lượng THC lên đến 15-25%.

Trước đây người Mỹ chỉ biết sản xuất cần sa bằng cách thủ công, thậm chí là lấy luôn hoa và hạt cây gai dầu làm thuốc hút. Công nghệ chiết dầu từ cây gai dầu để sản xuất cần sa ngày nay vô cùng hiện đại. Các nhà sản xuất không những chiết được nhiều dầu hơn trên cùng khối lượng nguyên liệu đầu vào mà còn có thể tùy ý thay đổi tính chất sản phẩm đầu ra. Thị trường liên tục đòi hỏi những loại cần sa mạnh hơn, vì vậy không có gì khó hiểu khi các nhà sản xuất lại đang "chạy đua vũ trang" với nhau.

Không chỉ cần sa tại Mỹ đang mạnh lên. Tại 5 quốc gia Châu Âu đã hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa là Hà Lan, Đức, Luxembourg, Georgia và Malta, hàm lượng THC trong cần sa đã tăng trung bình 0,29%/năm từ năm 1970 đến nay.

Nhà nghiên cứu Ryan Sultan tại trường Đại học Columbia tại New York nhận xét: "Người dùng cần sa vẫn hay nói đùa với nhau rằng bây giờ tìm đỏ mắt cũng không ra "đồ nhẹ". Một số loại cần sa đang lưu hành trên thị trường hiện nay chứa đến 90% THC. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người mà chúng ta lại có cần sa mạnh đến vậy".

Ngoài vấn đề hàm lượng THC tăng quá cao, một điểm đáng chú ý khác là cách mà người Mỹ đang tiêu thụ các sản phẩm từ cây gai dầu. Ở Mỹ bây giờ bán đủ thứ thuốc viên, thuốc nhỏ lưỡi, kem bôi da, kẹo dẻo, thuốc lá điện tử,... chiết xuất từ gai dầu.

Việc hợp pháp hóa cần sa tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nhà vườn.

Việc hợp pháp hóa cần sa tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nhà vườn.

Tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe

Theo Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, sử dụng sản phẩm chứa hàm lượng THC quá cao sẽ mắc nghiện, thường xuyên rơi vào trạng thái lo âu, và nặng hơn nữa là mắc chứng rối loạn tâm thần. Thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Colorado từng chụp cắt lớp não một số thanh thiếu niên thường xuyên sử dụng cần sa và sản phẩm chứa dẫn chất cần sa và phát hiện ra não các em phát triển không bình thường. Một số nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng, trẻ sử dụng cần sa càng sớm thì chỉ số IQ càng giảm khi lớn lên.

Ước tính khoảng 30% người Mỹ (hơn 16,3 triệu người) thường xuyên sử dụng cần sa đã hoặc đang có vấn đề về sức khỏe. Con số này trên thực tế còn cao hơn vì nhiều người không hề đi khám. Những loại thuốc chứa quá nhiều THC không chỉ gây ra những bệnh tật chẩn đoán được. Nhiều bệnh nhân chỉ gặp một số triệu chứng khá đơn giản như thừa cân hay buồn ngủ, miệng khô; thường xuyên đau đầu và chóng mặt, mắt đỏ, v.v... Những tác dụng phụ có vẻ vô hại như vậy lại có thể làm hỏng cuộc sống người bệnh.

Bà Smita Das, tiến sỹ tâm lý học tại Đại học Stanford và thành viên hội đồng về nghiện của Hiệp hội Bác sỹ tâm lý Mỹ cho biết: "Nhiều bệnh nhân của tôi là những người từng rất thành công, rất viên mãn trong cuộc sống. Họ thử sử dụng cần sa vì nghĩ rằng những thứ như thuốc lá điện tử hay kẹo dẻo không gây nghiện. Đến khi họ mắc nghiện sâu rồi mới nhận ra rằng họ đã đánh mất hết mọi thứ, từ sức khỏe đến gia đình và tiền bạc... Có những trường hợp tỉnh dậy sau cơn say thuốc ở một nơi cách nhà họ hàng trăm km. Họ không thể nhớ nổi làm thế nào mà họ một mình đi được xa như thế".

Bác sỹ Smita Das nói về một bệnh nhân của bà: "Cậu bé mới chỉ 17 tuổi và sống tại Colorado. Vào mùa xuân năm 2021, cậu đâm xe vào một gốc cây rồi bỏ chạy. Trên xe khi đó còn có một hành khách khác may là sống sót. Sau đó ông bố kiểm tra hiện trường vụ tai nạn và phát hiện ra trong xe con mình có điếu thuốc lá điện tử THC. Cậu bé khai với cảnh sát là sau khi hút thuốc lá thì nảy ra ý định tự tử bằng cách đâm xe".

"Chúng tôi đã đưa cậu bé vào trại tâm thần để điều trị chứng tâm thần phân liệt. Bệnh nhân thường xuyên gặp ảo giác, lúc thì tưởng rằng mình đang bị sát thủ từ Mexico truy đuổi, lúc thì tưởng mình được Chúa ban phước. Mỗi lần cậu bé xuất viện được một thời gian thì lại gây chuyện với hàng xóm, bạn bè rồi lại bị cảnh sát tạm giam. Trong vòng hai năm điều trị cho con mình mà gia đình cậu bé đã phải trả số viện phí lên đến 600.000 USD".

Nếu người dưới 18 tuổi sử dụng sản phẩm có chứa THC thì khả năng nghiện sẽ tăng khoảng từ 4- 7 lần. Ở Mỹ thì cứ 6 thanh thiếu niên sử dụng cần sa thì có 1 người sẽ mắc nghiện trong vòng 3 năm tới. Nhiều bệnh viện ở Mỹ vốn đã quá tải thì nay lại phải "gánh" thêm những con nghiện gặp vấn đề về sức khỏe.

Andy LaFrate, Giám đốc phòng thí nghiệm Charas Scientific, một trong tám trung tâm khoa học được chính quyền bang Colorado cấp phép nghiên cứu cần sa, cho biết: "Nhiều sản phẩm làm từ cây gai dầu bây giờ chứa quá nhiều nấm mốc, thuốc trừ sâu và kim loại nặng. Nhiều người hay nhầm tưởng là nhà nông vẫn còn gieo trồng cây gai dầu theo cách thủ công. Thực thế thì các trang trại, nhà kính trồng gai dầu rộng hàng chục hecta không phải là hiếm. Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế rồi chính quyền cấp bang đều có quy định về chất lượng các loại nông sản như lúa mì, khoai tây,... nhưng vẫn chưa ai đưa ra quy định rõ ràng về chất lượng sản phẩm làm từ cây gai dầu".

Theo ông Andy LaFrate: "Nhiều tiểu bang như Colorado hay Washington không có quy định về ngưỡng thành phần trong các sản phẩm mang THC. Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều mẫu vật chứa kim loại nặng, nấm mốc, vi khuẩn E. Coli và salmonella mà không thể làm gì được, vì bang Colorado không quy định rằng những loại vi sinh vật trên vượt qua ngưỡng nào thì sản phẩm mới bị cấm lưu hành".

Dầu THC sau khi được ép khô trong lò thành dạng bánh.

Dầu THC sau khi được ép khô trong lò thành dạng bánh.

Không có giải pháp đồng bộ

Giáo sư luật, kinh tế và chính sách sức khỏe Rosalie Liccardo Pacula tại trường Đại học Nam California, cho biết: "Hiện chỉ có hai bang là Vermont và Connecticut là đã đề ra giới hạn "cứng" về hàm lượng THC có trong sản phẩm. Các bang khác thì mỗi nơi làm một kiểu. Một số bang thì cấm hẳn sản phẩm có hàm lượng THC quá cao, một số thì chỉ yêu cầu phải có dãn nhãn cảnh báo trên bao bì sản phẩm. Tình trạng này đã khiến nước Mỹ chìm sâu vào cuộc khủng hoảng sức khỏe vì cần sa".

Vai trò của chính phủ liên bang trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng. Nhưng cho đến thời điểm này Washington vẫn đang "giậm chân tại chỗ". Theo luật liên bang thì cần sa vẫn là hóa chất bị cấm, nhưng các tiểu bang có quyền tự quyết về việc có hay không hợp pháp hóa cần sa và dẫn chất của cần sa. Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh mở nhóm nghiên cứu việc có nên đưa cần sa ra khỏi danh mục thuốc cấm không. Được biết nhóm nghiên cứu sẽ cần hơn một năm để hoàn thành công việc, và vẫn chưa ai rõ liệu kết quả của họ có đem đến sự thay đổi nào không khi mà Tổng thống Joe Biden vẫn chưa chắc đã có thể thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tiến sỹ luật Eric Lindblom tại trường Đại học Georgetown, người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Trung tâm Thuốc lá thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, giải thích: "Hai đảng Dân Chủ và Cộng hòa coi việc hợp pháp hóa cần sa và các sản phẩm chứa THC như là con "át chủ bài" chính trị. Phải đến thời điểm đảng cầm quyền cảm thấy thật sự yếu thế so với đối thủ thì họ mới chơi "con bài" này. Họ hiểu rằng có quá nhiều người Mỹ muốn chính quyền liên bang hợp pháp hóa cần sa. Chỉ cần đảng cầm quyền làm vậy thì cử chi sẽ sẵn sàng bỏ qua hết mọi thất bại về chính trị, kinh tế, quân sự trước đấy của họ. Mặt khác thì đảng đối lập sẽ tìm mọi cách cản trở việc này nhằm giữ lại "con bài" trong tay mình. Nước Mỹ sẽ còn tiếp tục quản lý cần sa theo kiểu "mạnh ai nấy làm' trong tương lai gần. Chỉ có người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt trong bối cảnh này".

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nguy-co-khi-can-sa-manh-hon-i737159/