Trước mắt vẫn giữ nguyên cơ chế trả lương cán bộ, công chức

Bộ Nội vụ đề nghị giao Chính phủ xây dựng lộ trình để từng bước chuyển đổi quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực. Trong thời gian này, việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng và trả lương cán bộ, công chức tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5 - 6/2025).

BỎ QUY ĐỊNH VỀ NGẠCH CÔNG CHỨC

Bộ Nội vụ (cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật) cho biết dự thảo lần này sẽ sửa đổi các quy định liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm để tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong và sau quá trình thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Thực hiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm vị trí việc làm (là chức vụ, chức danh, công việc của một cán bộ, công chức gắn với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị).

Trong đó, bỏ nội dung “gắn với cơ cấu và ngạch công chức”, và “để xác định biên chế”, nhằm khắc phục sự trùng lặp giữa quản lý theo vị trí việc làm và quản lý theo ngạch công chức; không làm cơ sở để các đơn vị tăng thêm biên chế.

Đồng thời, bổ sung quy định phân loại, nội dung vị trí việc làm của cán bộ, của công chức; căn cứ xác định vị trí việc làm; tuyển dụng, bố trí công chức theo vị trí việc làm; đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm. Về vị trí việc làm cán bộ sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định, hướng dẫn.

Trên cơ sở đó, bỏ quy định về ngạch công chức tại Luật Cán bộ, công chức hiện hành. “Việc đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tư duy quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, thay cho ngạch, bậc”, Bộ Nội vụ nêu tại tờ trình.

Bên cạnh đó, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, dự thảo đưa ra các quy định cho phép cơ quan quản lý công chức được quyền ký kết hợp đồng lao động đối với những người có tài năng, chuyên gia, nhà khoa học.

Việc này nhằm tăng cường sự tham gia và phát huy hiệu quả nguồn nhân lực của khu vực tư, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước trong tình hình mới.

Ngoài ra, để tạo sự năng động, linh hoạt và tăng cường tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động của nền công vụ, dự án Luật đề xuất Quốc hội cho phép cơ quan quản lý công chức được ký hợp đồng đối với loại vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức.

CÓ LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI CƠ CHẾ QUẢN LÝ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC THEO VỊ TRÍ VIỆC LÀM

Theo Bộ Nội vụ, thực hiện Luật Cán bộ, công chức hiện hành, đến nay 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm; tuy nhiên, còn gắn với cơ cấu ngạch công chức và bảng lương hiện hành.

Vì vậy, trong thời gian chưa thiết kế bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc thực hiện từng bước chuyển đổi sang cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm vẫn áp dụng các ngạch lương hiện hành, nên không tạo ra sự xáo trộn lớn.

Có lộ trình chuyển dần sang cơ chế quản lý mới đối với cán bộ, công chức. Ảnh minh họa: Nhật Dương.

Có lộ trình chuyển dần sang cơ chế quản lý mới đối với cán bộ, công chức. Ảnh minh họa: Nhật Dương.

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thiện lại Đề án vị trí việc làm cho phù hợp, để chuyển dần sang cơ chế quản lý mới theo lộ trình.

Bộ Nội vụ cho biết do việc chuyển đổi cơ chế quản lý cán bộ, công chức từ ngạch, bậc sang vị trí việc làm, không gắn với cơ cấu và ngạch công chức liên quan đến con người. Vì vậy, đề nghị giao Chính phủ xây dựng lộ trình, ban hành quy định từng bước chuyển đổi quản lý theo vị trí việc làm trong thời hạn 5 năm, tính từ ngày Luật này có hiệu lực.

Trong thời hạn 5 năm, việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng và trả lương cán bộ, công chức tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm cán bộ, công chức cấp xã (hiện hành) được giữ nguyên số lượng biên chế, cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm của chính quyền địa phương.

Đồng thời, họ được bảo lưu mức tiền lương hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ; bảo đảm tính liên tục, không làm ảnh hưởng đến việc phục vụ hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 31/12/2024, số lượng cán bộ, công chức cấp xã là 212.606 người, trong đó có 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên, và 7,6% tốt nghiệp cao đẳng trở xuống. Theo đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã không đạt tiêu chuẩn chỉ chiếm tỷ lệ ít, sẽ được giải quyết theo chính sách bảo đảm lợi ích chính đáng theo quy định của Chính phủ.

Bộ Nội vụ cũng thông tin: sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật. Trong đó, giao Bộ Nội vụ và các Bộ, cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và triển khai Luật trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền, đảm bảo đầy đủ, chất lượng, đúng tiến độ.

Đồng thời, giao các cơ quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tiến hành rà soát để ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản thay thế các quy định hướng dẫn Luật Cán bộ, công chức hiện hành trong thời gian 5 năm.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/truoc-mat-van-giu-nguyen-co-che-tra-luong-can-bo-cong-chuc.htm