Trước sự bủa vây của phương Tây ở châu Á, Trung Quốc nên làm gì?

Trước động thái nhằm nâng tầm ảnh hưởng của phương Tây tại châu Á, Trung Quốc cần phải có những bước đi nhất định để không bị hụt hơi trong cuộc đua chính trị này.

Với việc Nhật Bản đang xem xét mở một cơ quan liên lạc của NATO - sử dụng với mục đích trao đổi, hợp tác giữa các thành viên của tổ chức về an ninh và vấn đề về Trung Quốc - tại thủ đô Tokyo, Mỹ đang ngày càng khẳng định tham vọng của mình trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng sang châu Á cũng như trên phạm vi toàn cầu. Không chỉ vậy, động thái này cũng càng cho thấy rằng từ lâu NATO đã từ bỏ mục đích phòng thủ ban đầu của mình và trở thành một công cụ mấu chốt để nhằm đạt được những mục đích chính trị.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Nhà Trắng vào ngày 13/1/2023 tại Washington, DC. Nguồn: RT

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Nhà Trắng vào ngày 13/1/2023 tại Washington, DC. Nguồn: RT

Nếu như trước đây NATO được thành lập với nhiệm vụ tự vệ tập thể trong bối cảnh Tây Âu suy yếu trầm trọng sau Thế chiến II thì kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với vị thế bá chủ đến từ Mỹ, tổ chức này đã chuyển đổi từ một liên minh quân sự tập trung vào cân bằng quyền lực thành một công cụ để thực thi các mục tiêu an ninh và lợi ích của siêu cường quốc này.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có những động thái làm gia tăng căng thẳng với các cường quốc khác, trong đó có việc tìm cách mở rộng khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, góp phần lập nên thỏa thuận AUKUS, gián tiếp làm gia tăng căng thẳng giữa châu Âu và Nga hay việc sắp đặt vũ khí hạt nhân mới trên Bán đảo Triều Tiên. Trong khi người tiền nhiệm Donald Trump nổ lực thu hẹp quy mô của NATO thì chính quyền ông Biden đang đi theo hướng ngược lại là mở rộng hơn bao giờ hết phạm vi ảnh hưởng của tổ chức này.

Giờ đây, với việc Mỹ ngày càng xem Trung Quốc là đối thủ lớn nhất của mình, Washington muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của NATO vào châu Á cũng như liên kết tổ chức này với các đồng minh của Mỹ ở khu vực này, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Australia. Thông thường, Mỹ chỉ duy trì hợp tác với các đồng minh của mình trên mối quan hệ song phương do sẽ dễ kiểm soát hơn các lợi ích của nước này cũng như việc các quốc gia châu Á thường ít lĩnh vực hợp tác hơn so với quốc gia Tây Âu.

Chẳng hạn, Hàn Quốc rất hiếm khi hợp tác chính trị với Nhật Bản. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại cho thấy Mỹ ngày càng tăng cường hợp tác đa phương giữa các bên. Điều này cho thấy rằng ngay cả khi không thể thực hiện được kế hoạch mở rộng NATO, Mỹ vẫn có thể dựa vào khả năng tình báo, vũ khí và các hình thức hợp tác khác để tăng cường tầm ảnh hưởng của mình. Do đó, Mỹ có thể sử dụng một mạng lưới liên minh dày đặc của mình để giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc như những gì mà cường quốc này đã làm ở Ukraine, kể cả khi Washington không trực tiếp có mặt can thiệp.

Vậy trước sự bao vây của phương Tây, Trung Quốc có thể làm những gì? Thứ nhất, Bắc Kinh có thể tăng cường quan hệ hợp tác với Nga nhằm tạo ra sự cân bằng quyền lực ở châu Á-Thái Bình Dương.

Thứ hai, quốc gia này có thể xem xét khôi phục các liên minh cũ cũng như tăng cường hợp tác quân sự với Triều Tiên. Điều này có thể dựa trên hiệp ước tương trợ năm 1961 mà hai bên ký kết nhằm một phần để kiềm chế hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo đó, Triều Tiên có nghĩa vụ phải hỗ trợ Trung Quốc bất kể khi nào có chiến tranh xảy ra.

Thứ ba, Trung Quốc có thể tìm cách xây dựng quan hệ đối tác quân sự mới với các nước trong khu vực có thể bị ảnh hưởng bởi động thái của Mỹ; chẳng hạn, Lào, Campuchia và Myanmar. Trong khi phần còn lại của ASEAN có thể sẽ giữ thái độ trung lập như: Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan,...Trung Quốc nên nỗ lực cải thiện mối quan hệ với các nước này để ngăn Mỹ cố gắng buộc họ phải lựa chọn.

Việc Mỹ mở rộng ảnh hưởng của NATO sang châu Á sẽ gây những ảnh hưởng nhất định đối với sự ổn định, an ninh của toàn bộ khu vực này. Đồng thời, điều này cũng buộc Trung Quốc phải đối mặt với thách thức cân bằng lợi ích an ninh của mình và đảm bảo rằng xung đột không nổ ra. Trước tình hình trên, Trung Quốc và các quốc gia châu Á cần phải có những đối sách cần thiết để đảm bảo an ninh chính trị khu vực ổn định.

Tùng Lâm (Theo RT)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/quoc-te/truoc-su-bua-vay-cua-phuong-tay-o-chau-a-trung-quoc-nen-lam-gi/176726.htm