Trước thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí, phụ huynh và sinh viên nói gì?

1 tháng nữa sẽ tới ngày khai giảng năm học mới. Thông tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí năm học 2023-2024 khiến không ít sinh viên, phụ huynh phấn khởi vì được giảm nhẹ gánh nặng sau thời gian lo lắng học phí năm tới tăng cao.

Phụ huynh phấn khởi

Chia sẻ với PV báo Sức khỏe & Đời sống, chị Nguyễn Thị Mai (ở Hà Đông, Hà Nội), có hai con đang học phổ thông cho biết rất phấn khởi khi nghe tin Chính phủ yêu cầu không tăng học phí ở các bậc học năm học 2023 - 2024.

Theo chị Mai, so với năm ngoái, khung học phí thực tế không tăng, song vì Hà Nội không còn áp dụng chính sách hỗ trợ người dân do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số tiền thực nộp của phụ huynh ở một số bậc học sẽ tăng gần gấp đôi.

"Hiện giá cả các mặt hàng đều đang tăng, người dân vẫn cần được Nhà nước trợ giá học phí cho khu vực trường công. Nhà tôi cả hai vợ chồng đều làm công việc tự do nên khi nghe tin nếu không tăng học phí là chúng tôi rất mừng", chị Mai chia sẻ.

Là sinh viên năm 2 Trường Đại học Giao thông vận tải, em Nguyễn Đức Quang (ở Cẩm Khê, Phú Thọ) cho rằng việc không tăng học phí sẽ giúp em bớt căng thẳng khi phải tìm việc làm thêm sắp tới.

"Nếu học phí tăng thì sẽ là một gánh nặng lớn với gia đình em bởi sau em còn có hai em đang học phổ thông ở quê. Giờ nếu mức học phí vẫn giữ nguyên thì em cảm thấy khá nhẹ nhõm với việc sẽ không phải tăng thời gian làm thêm của mình", Quang bày tỏ.

Học sinh tìm hiểu các chương trình đào tạo tại ngày hội tuyển sinh đại học.

Học sinh tìm hiểu các chương trình đào tạo tại ngày hội tuyển sinh đại học.

Cho rằng học phí luôn là mối quan tâm đặc biệt của phụ huynh, học sinh, sinh viên cả nước, chia sẻ với báo chí, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho biết, sau 3 năm dịch bệnh, kinh tế người dân vẫn hết sức khó khăn. Việc áp dụng mức học phí mới tăng từ 3-5 lần so với học phí trước đó thực nộp có thể gây ảnh hưởng tới chi tiêu của học sinh, gia đình, dễ gây xáo trộn lớn trong xã hội, ảnh hưởng tới cơ hội đi học của phần lớn học sinh, sinh viên.

"Tôi hoàn toàn ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81 theo hướng không tăng học phí năm học 2023 - 2024 như chỉ đạo của Chính phủ. Đây chắc chắn là tin vui đối với mọi người dân".

Ngoài ra, TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng các địa phương cũng cần xây dựng phương án hỗ trợ, rà soát thường xuyên các đối tượng học sinh để đảm bảo không để học sinh nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Bên cạnh đó, các khoản đóng góp trong năm học từ nhà trường, từ ban phụ huynh cũng cần công khai, minh bạch để giảm bớt áp lực cho phụ huynh.

4 địa phương đầu tiên trong cả nước đã thông báo miễn 100% học phí

Năm nay, TP. Hải Phòng tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông theo Nghị quyết số 54 được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua năm 2019. Dự kiến, thành phố trích hơn 400 tỉ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho giáo dục.

HĐND TP. Đà Nẵng thông qua Nghị quyết học phí và hỗ trợ học phí với trẻ mầm non, học sinh các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên năm học 2023 - 2024.

HĐND thành phố quyết định dự chi 408,2 tỉ đồng hỗ trợ 100% học phí cho học sinh từ mầm non đến THPT (trong 9 tháng của năm học tới). Trong đó, hỗ trợ học sinh công lập hơn 316 tỉ đồng, hỗ trợ học sinh ngoài công lập hơn 92,2 tỉ đồng. Trẻ mầm non và học sinh trường có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc diện được miễn học phí.

Năm học 2023 - 2024, học sinh khối mầm non, THCS trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục được miễn học phí như năm học 2022 - 2023.

Năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra nghị quyết hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập và ngoài công lập giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, trẻ mầm non 5 tuổi được hưởng từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2023 - 2024, học sinh THCS được hưởng từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2024 - 2025. Ngân sách tỉnh sẽ chi hơn 568 tỉ đồng cho cả giai đoạn 2022 - 2025.

Tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết về Quyết định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2023 - 2024. Theo đó, tất cả học sinh khối tiểu học công lập được miễn 100% học phí.

Một số trường đại học dự kiến không tăng học phí trong năm 2023 - 2024

Nhằm chia sẻ, đồng hành với sinh viên, trong năm học tới, một số trường đại học chủ động xây dựng đề án hỗ trợ sinh viên, trong đó có trường quyết định không tăng học phí theo lộ trình.

Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM vừa thông báo đến sinh viên sẽ không tăng học phí năm học 2023- 2024. Theo đó, học phí chương trình đào tạo chuẩn là 354.000 đồng/tín chỉ. Học phí chương trình chất lượng cao là 770.000 đồng/tín chỉ. Học phí này được duy trì liên tục 4 năm nay mà không tăng.

Năm học 2023-2024, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội quyết định không tăng học phí theo lộ trình nhằm chia sẻ, đồng hành với người học.

Theo lãnh đạo Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, năm học 2023-2024, mức học phí quy định đối với nhà trường được tăng tối đa 30-53% (tùy từng ngành học) so với năm học 2022-2023. Mặc dù phải chịu áp lực từ lộ trình tự chủ tài chính, song Hội đồng Trường đã cân nhắc các phương án và quyết định không tăng theo lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Quyết định này nhằm tránh gây sốc với sinh viên và phụ huynh. Đồng thời, chia sẻ khó khăn với người học, gia đình và xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như đời sống kinh tế xã hội còn khó khăn.

Ngoài việc chia sẻ về học phí đối với người học năm học 2023-2024, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội còn có thêm các chính sách để đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ với người học như: Hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP; học bổng chính sách, học bổng tài trợ; trợ cấp khó khăn, học phí học online; chỗ ở ký túc xá…

Trường Đại học Thương mại vừa có thông báo về mức học phí năm học 2023 - 2024 áp dụng cho sinh viên chính quy trình độ đại học. Cụ thể, Trường Đại học Thương mại cho biết, mức học phí cụ thể cho từng khóa/chương trình đào tạo của trường sẽ được công bố điều chỉnh ngay khi có Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hoặc văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT; đồng thời cam kết thực hiện đúng những chủ trương, quy định của chính phủ, Bộ GD&ĐT.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 - 2024; trình Chính phủ trước ngày 08/8/2023.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2023.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/truoc-thong-tin-chinh-phu-yeu-cau-khong-tang-hoc-phi-phu-huynh-va-sinh-vien-noi-gi-169230804182954732.htm