Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: ĐHQG TP.HCM cần phát triển hơn nữa đáp ứng yêu cầu mới
Sáng 3/6, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã làm việc với ĐHQG TP.HCM.
Thông tin tại buổi làm việc với Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, PGS.TS Vũ Hải Quân- Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục.
Theo kết quả khảo sát được thực hiện trên quy mô gần 40 nghìn sinh viên của ĐHQG TP.HCM sau đại dịch Covid-19, có đến 60% sinh viên có gia đình mất đi ít nhất một nguồn thu và cũng có đến 60% sinh viên lo lắng về học phí.
Trong khi đó mức chi ngân sách cho giáo dục đại học còn khiêm tốn. Năm 2015 chỉ chiếm 6,1% tổng ngân sách chi cho giáo dục, tương đương 0,33% GDP. Mức chi này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Thực tế đó buộc các trường đại học phải tự chủ, tăng học phí vì khi đó không còn khoản chi thường xuyên từ ngân sách. Đây là vấn đề cần quan tâm trong bối cảnh học sinh, sinh viên đang rất khó khăn.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp còn khiến nhiều dự án/chương trình của ĐHQG TP.HCM phải tạm hoãn, chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân chung.
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, ĐHQG TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình học bổng, chương trình vay ưu đãi học tập lãi suất 0% cho học sinh, sinh viên, học viên nhằm hỗ trợ tối ưu nhất cho các em trong quá trình học tập.Có đến 2.500 sinh viên đã được thụ hưởng từ chương trình này.
Bên cạnh đó, với sứ mạng tiên phong, nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, trong quá trình phát triển, ĐHQG vẫn luôn nỗ lực, cố gắng giữ vững và nâng cao thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học uy tín của khu vực và thế giới.
"Trong bảng xếp hạng quốc tế mới công bố ngày 6/4/2022 của tổ chức QS Vương quốc Anh, ĐHQG TP.HCM có 7 ngành được xếp hạng, trong đó có 1 ngành được xếp trong top 100. ĐHQG TPHCM cũng đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động, đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển của đất nước", PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh.
Góp ý tại buổi làm việc, ông Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; nguyên Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng đại học không đơn thuần là tuyển sinh, đào tạo mà còn có trách nhiệm cao cả hơn. Đại học phải đào tạo nguồn nhân lực cho hội nhập; phải tạo được thương hiệu để thu hút nguồn lợi.
"Đại học phải là một thành phần hữu cơ của xã hội, phải chịu trách nhiệm phát triển kinh tế. Hệ thống GĐ Đại học phải đẩy mạnh tự chủ để tạo sự chuyển biến lớn trong hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam. Để làm được điều đó, trước tiên phải đồng bộ các luật khác có liên quan cho phù hợp với Luật Giáo dục Đại học sửa đổi (luật 34)", ông Bình nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng ĐHQG TP.HCM có nhiều trường đại học thành viên có truyền thống, có vị thế cao. Tuy nhiên, cần phải phát triển hơn nữa để đáp ứng yêu cầu mới. Để hiện thực hóa khát vọng hùng cường thì phải phát triển giáo dục đào tạo; phải xây dựng công dân trong thời đại mới có tri thức, trí tuệ, chuyên môn cao… đây chính là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TP HCM cũng kiến nghị một số nội dung liên quan đến ưu tiên đầu tư, được quyền tự chủ cao, có cơ chế đặc thù nhằm hoàn thành nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước…
Anh Tú