Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt vướng nhiều vi phạm liên quan đến tài chính, sử dụng tài sản công
Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ ra nhiều tồn tại, vi phạm của Trường Cao đẳng Du lịch Đà Lạt trong nhiều nội dung quản lý tài chính; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện các dự án cải tạo… trong năm 2021, 2022, 2023.
Theo kết luận thanh tra (KLTT) số 163/KL-TTr của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Cao đẳng (CĐ) Du lịch Đà Lạt thực hiện lập dự toán đúng thời gian quy định trên cơ sở thuyết minh tình hình thực hiện và ước thực hiện của các năm trước; đã xây dựng được Quy chế tiêu nội bộ làm căn cứ thu, chi cho các hoạt động của Trường. Đối với nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, Trường thực hiện quản lý và sử dụng bảo đảm các hoạt động thường xuyên và không thường xuyên trên cơ sở dự toán đã được Bộ phê duyệt (về cơ bản, các khoản chi tuân thủ các tiêu chuẩn, định mức, chế độ tài chính hiện hành…)…
Tuy nhiên, KLTT cũng chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót trong quản lý tài chính; quản lý sử dụng tài sản công; thực hiện các dự án cải tạo, mua sắm trang thiết bị tại trường.
Cụ thể: về các khoản thu: các hợp đồng cho thuê mặt bằng chưa quy định cụ thể về cách thu tiền điện, tiền nước hằng tháng của các tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng của Trường. Về các khoản chi: chi 25% cho khối hành chính chưa đầy đủ căn cứ để chi; chi tiếp khách không có đề xuất đối tượng cụ thể, mức chi chưa quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ. Trường chưa nghiêm túc thực hiện thu hồi tiền theo kiến nghị về xét duyệt quyết toán tài chính của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL): (năm 2021: xuất toán 3,8 triệu đồng, năm 2022: xuất toán hơn 57,7 triệu đồng).
Việc trích lập, sử dụng các Quỹ và kinh phí cải tạo tiền lương: năm 2022: Trường chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 20 Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21.6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
KLTT cũng chỉ ra nhiều thiếu sót, vi phạm trong việc xây dựng, sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất: cụ thể là các tồn tại trong công tác thiết kế, thẩm tra thiết kế đối với dự án sửa chữa, chống thấm mái khối nhà A2, A6, A8 (thiết kế phương án chống thấm tường; không chỉ dẫn vị trí đổ phế thải làm cơ sở dự toán cự ly vận chuyển). Trách nhiệm chủ yếu thuộc về các nhà thầu tư vấn Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư xây dựng và Công nghệ ACM, Công ty CP Kiến trúc và Tư vấn xây dựng Việt Nam.
Các tồn tại trong hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt dự án xây dựng, hoàn thiện cảnh quan lòng hồ (phương án bảo vệ lòng hồ, một số bản vẽ thiết kế thiếu chi tiết hoặc chưa phù hợp dự toán, chưa chỉ dẫn được sự cần thiết để thực hiện xây móng bằng đá chẻ thay cho đá hộc, công tác khảo sát địa chất, địa hình chưa tốt dẫn đến phải thiết kế bổ sung gia cố tường kè hồ điều hòa, dự toán chưa kèm theo căn cứ xác định giá hệ thống đèn chiếu sáng). Trách nhiệm chủ yếu thuộc về các nhà thầu tư vấn là: Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng An Minh, Công ty TNHH Kiến trúc Lâm Đồng.
Việc phê duyệt bổ sung gia cố móng tường chắn hồ điều hòa khi chưa được thẩm định lại là chưa đúng quy định. Trách nhiệm chủ yếu thuộc về nhà thầu tư vấn quản lý dự án Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Hưng Long Phát.
Cũng theo KLTT, về công tác quản lý, sử dụng tài sản công: Trường chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; còn tồn tại việc chưa buộc tháo dỡ, thu hồi mặt bằng đối với nhà tạm của ông Trần Đình Toan do xây dựng trái phép trong khuôn viên Trường; để hộ dân vào trồng cà phê trái phép trên đất của Trường; Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thanh tra Bộ VHTTDL kiến nghị Trường CĐ Du lịch Đà Lạt và các đơn vị liên quan phải nghiêm chỉnh chấn chỉnh, khắc phục các nội dung đã được thanh tra.