Trưởng đại diện JETRO: Nên chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn vào Việt Nam, với hơn 5.200 dự án. Sự xuất hiện của những tập đoàn công nghiệp hàng đầu như Panasonic, Toyota, Honda, Mitsubishi… đang kéo theo nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi về chủ đề này với ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội.

Mekong ASEAN: Xin ông chia sẻ đánh giá của ông về vai trò của công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề phát triển chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp Nhật Bản?

Ông Takeo Nakajima: Theo tôi, vai trò của công nghiệp hỗ trợ đối với mục tiêu công nghiệp hóa của Việt Nam là hết sức quan trọng. Nhìn từ trường hợp của Nhật Bản, hiện nay ở Nhật chỉ có 3% là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, phần còn lại (97%) là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy, có thể thấy rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò chủ đạo trong vận hành nền kinh tế và cũng là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Ví dụ như trong ngành sản xuất, các tập đoàn lớn sẽ cần rất nhiều linh phụ kiện để lắp ráp thành phẩm đưa ra thị trường. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã sản xuất và cung ứng những linh phụ kiện này, nên có thể nói, họ chính là nhà sản xuất lõi của các sản phẩm công nghiệp trên thị trường. Như vậy, họ sẽ có tác động rất lớn đến việc quản lý chất lượng của sản phẩm.

Vì vậy, nếu một quốc gia không chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng sản xuất, tự chủ của nền kinh tế và chất lượng của sản phẩm. Từ đó có thể gây ảnh hưởng đến danh tiếng, thương hiệu của các tập đoàn lớn.

Mekong ASEAN: Theo ông, quá trình phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang ở trạng thái nào?

Ông Takeo Nakajima: Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam là 37%, nghĩa là nếu cần sản xuất một sản phẩm có 100 linh kiện thì doanh nghiệp mới chỉ mua được 37 linh kiện từ nội địa Việt Nam, phần còn lại phải nhập từ nước ngoài.

Tuy nhiên, khi nhập từ nước ngoài thì sẽ có rất nhiều yếu tố bất ổn. Trong đó có thể kể đến chi phí về xuất nhập khẩu, kho vận, logistics sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, những yếu tố bất ổn có thể đến từ biến động tại quốc gia xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung của mình để đảm bảo ổn định sản xuất.

Còn một vấn đề đó là các doanh nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ cung cấp được những linh kiện phụ, ngoại vi chứ chưa cung cấp được các linh kiện chính.

Ví dụ như với một chiếc ô tô, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ cung cấp được một vài bộ phận như cản trước, cản sau, công tắc, gạt nước mưa… còn những linh kiện chủ đạo như khung, động cơ, chip… thì tỷ lệ nội địa hóa còn rất thấp, thậm chí là chưa có.

Do đó, ngoài việc tăng tỷ lệ nội địa hóa, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tập trung vào nghiên cứu, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao hướng tới phát triển bền vững ngành công nghiệp phụ trợ.

Mekong ASEAN: Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông có khuyến nghị gì với doanh nghiệp Việt Nam để có thể đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ?

Ông Takeo Nakajima: Một trong những thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải đó là làm thế nào để đảm bảo được chất lượng của sản phẩm. Vấn đề chất lượng này còn phụ thuộc vào số lượng sản phẩm.

Ví dụ như sản xuất một sản phẩm thì sẽ khác hoàn toàn với việc sản xuất 1 triệu sản phẩm. Liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thể giữ được chất lượng đồng đều khi sản xuất số lượng lớn sản phẩm hay không?

Ngoài ra, giá thành cũng là một vấn đề, bởi chắc chắn chi phí sản xuất 1 triệu sản phẩm sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc chỉ sản xuất một sản phẩm. Nghĩa là, càng sản xuất nhiều, doanh nghiệp càng phải đảm bảo về chất lượng, nhưng cũng càng được lợi về giá.

Cũng cần phải đảm bảo được thời hạn giao hàng. Bởi hiện nay chúng ta đang ở trong một chuỗi cung ứng khép kín và các doanh nghiệp đang hướng tới việc không sở hữu hàng tồn kho nhiều. Từ đó, họ sẽ khắt khe hơn và yêu cầu phải giao đầy đủ hàng vào đúng thời điểm, thời hạn đã ký kết.

Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực hơn trong việc đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị, máy móc sản xuất để nâng cao chất lượng, đảm bảo tính đồng đều cũng như thời hạn giao hàng của sản phẩm.

Mekong ASEAN: Trong xu thế đó, xin ông chia sẻ về kế hoạch của JETRO trong việc thúc đẩy hợp tác công nghiệp hỗ trợ giữa hai nước?

Ông Takeo Nakajima: Về vấn đề hợp tác, hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ giữa Việt Nam - Nhật Bản thì tôi nghĩ một trong những từ khóa quan trọng đó là chính là “kết nối”, kết nối giao thương, kinh doanh.

Bên cạnh những hoạt động kết nối cơ bản như phát hành danh bạ các doanh nghiệp kèm theo catalog, tổ chức một số triển lãm nhỏ trưng bày các mặt hàng tiềm năng của doanh nghiệp Nhật Bản… Theo tôi, để thực sự đi đến hợp tác thì doanh nghiệp cần phải gặp mặt trực tiếp để trao đổi, thảo luận cụ thể về khả năng sản xuất hay yêu cầu đặt ra cho sản phẩm…

Ngoài ra, còn một số vấn đề mới nổi mà doanh nghiệp cần quan tâm như bảo vệ môi trường, tuân thủ các quy định chung như dán nhãn, minh bạch về nguồn gốc sản phẩm…

Do đó, JETRO sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ để tạo ra những sân chơi kết nối, gắn kết, đưa hàng hóa, doanh nghiệp hai bên tới gần nhau hơn, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xây dựng chuỗi cung ứng.

Mekong ASEAN: Xin ông chia sẻ đánh giá của bản thân về các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam?

Ông Takeo Nakajima: Tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam luôn rất hoan nghênh và đón chào doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và tôi nghĩ đây là một điều rất quan trọng.

Yếu tố thứ hai mà tôi đánh giá cao là cơ chế về ưu đãi thuế của Việt Nam, ví dụ như thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… Các chế độ miễn giảm thuế cũng giúp doanh nghiệp nước ngoài được hưởng lợi rất nhiều. Mặc dù sắp tới thế giới đang nghiên cứu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax - GMT). Khi đó, nếu Việt Nam tham gia thì phải theo và bắt buộc phải nâng thuế suất lên nhưng hiện tại thì các cơ chế miễn, giảm thuế vẫn đang rất tốt.

Ngoài ra, các chính quyền địa phương cũng rất tích cực thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, đồng thời tuyển dụng nhân lực chất lượng cao, có ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu giao thương.

Tuy nhiên, còn một vấn đề cần cải thiện, đó là về tốc độ của các thủ tục hành chính. Hiện nay, tốc độ giải quyết các thủ tục có đôi khi còn chậm hơn so với trước kia. Cũng có thể hiểu là vì bây giờ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khiến khối lượng công việc tăng và các đơn vị hành chính mất thời gian hơn.

Tuy nhiên đối với doanh nghiệp thì thời gian là vàng, bạc, nên tôi rất mong muốn các cơ chế, thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục xin giấy phép sẽ được đẩy nhanh hơn nữa.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Nội dùng: Anh Thư, Thiết kế: Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/truong-dai-dien-jetro-nen-chu-trong-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-post28037.html