Trường đại học đầu tiên ra mắt mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng

Vườn thực phẩm cộng đồng nhằm tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho sinh viên về lợi ích của thực phẩm sạch, hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm

Trường Đại học Nông Lâm TPHCM khánh thành mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng

Trường Đại học Nông Lâm TPHCM khánh thành mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng

Ngày 16/5, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM cùng Ngân hàng thực phẩm Việt Nam ký kết hợp tác Chương trình phát triển nông nghiệp và thực phẩm định hướng xanh, bền vững và khánh thành mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng -Trường Đại học Nông Lâm TPHCM (Nong Lam Foodbank Garden)

Theo đó, "Nong Lam - Food Bank Garden" là một dự án phi lợi nhuận, nơi mọi người cùng chung tay trồng trọt, chăm sóc và chia sẻ, cung cấp thực phẩm an toàn đến người cần.
Mô hình này hỗ trợ, cung cấp quy trình sản xuất, xử lý rác thải hữu cơ, chăm sóc, thu hoạch và cuối cùng là vận chuyển đến nơi cần một cách công khai, minh bạch hướng tới một nguồn thực phẩm sạch và bổ dưỡng cho người dùng, tiếp cận được nguồn thực phẩm chất lượng cao và giảm nguy cơ tiếp xúc với hóa chất độc hại. Đồng thời, giúp cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt góp phần giảm thiểu hơn 30 triệu kg phát thải CO2.

Sinh viên tham quan và trải nghiệm mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng tại trường

Sinh viên tham quan và trải nghiệm mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng tại trường

Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM chia sẻ, việc hợp tác cùng Ngân hàng thực phẩm Việt Nam triển khai mô hình không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của trường và các khối trường học khác trên địa bàn nói riêng và toàn quốc nói chung.

Việc đưa ra các mô hình trồng trọt và chú trọng thúc đẩy việc trồng nhiều loại cây trồng nông nghiệp sẽ tăng cường sự đa dạng dinh dưỡng và lưu trữ đủ lượng thực phẩm chuyển đến những nơi cần trong trường hợp cấp thiết.

Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền đến học sinh, sinh viên về lợi ích của thực phẩm sạch và mô hình vườn thực phẩm cộng đồng, sẽ giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng đối tượng trong việc “tôn trọng” nguồn thức ăn, thực phẩm, sản phẩm, hạn chế tình trạng lãng phí và biết dùng chúng đúng mục đích.

PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM (bên trái) và ông Nguyễn Tuấn Khởi - Chủ tịch Food Bank Việt Nam (bên phải) ký kết hợp tác chương trình

PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM (bên trái) và ông Nguyễn Tuấn Khởi - Chủ tịch Food Bank Việt Nam (bên phải) ký kết hợp tác chương trình

“Việc triển khai các lớp tập huấn, đào tạo, trải nghiệm để giúp các em sinh viên và các đối tượng chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ bền vững” - PGS.TS Nguyễn Tất Toàn nhấn mạnh

Mô hình vườn thực phẩm cộng đồng đã xuất hiện trên thế giới như một phản ứng tích cực đối với nhiều vấn đề liên quan đến thực phẩm, môi trường và cộng đồng

Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh người dân, các ngành nghề học của sinh viên trong thời đại hiện nay đang ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch và an toàn.

Các doanh nghiệp, đoàn thể tham quan mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng

Các doanh nghiệp, đoàn thể tham quan mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng

Thông qua dự án, góp phần tăng cường nhận thức về lợi ích của thực phẩm sạch và an toàn trong cộng đồng sẽ tạo đà cho tất cả các thế hệ quan tâm và hỗ trợ mô hình Vườn thực phẩm cộng đồng trong thời gian tới.

Minh Khang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-dai-hoc-dau-tien-ra-mat-mo-hinh-vuon-thuc-pham-cong-dong-post683549.html