Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về giảng dạy ngoại ngữ

Ngày 24/5, Trường Đại học Mở TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về giảng dạy ngoại ngữ OpenTESOL lần thứ 13.

Đại biểu chia sẻ tại hội thảo.

Đại biểu chia sẻ tại hội thảo.

Hội thảo với sự tham gia của hơn 500 nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu, giảng viên, học viên cao học, sinh viên chuyên ngành Sư phạm Anh, Ngôn ngữ học Ứng dụng, Ngôn ngữ Trung Quốc và Ngôn ngữ Nhật từ hơn 150 trường Đại học, các cơ sở giáo dục, đào tạo đến từ các quốc gia trên toàn thế giới.

Với chủ đề “Tôn vinh diễn ngôn đa nguyên trong hành trình phát triển và tự chủ của giáo dục ngôn ngữ”, hội thảo là diễn đàn học thuật mở, tạo điều kiện để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm cũng như các kết quả nghiên cứu mới nhất, hướng đến mục tiêu phát triển kiến thức và kỹ năng cho người học, từ đó tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực, góp phần phát triển bền vững trong lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, chuỗi Hội thảo Quốc tế OpenTESOL đã thể hiện sứ mệnh của Trường Đại học Mở TPHCM: Cung cấp giáo dục chất lượng cao, dễ tiếp cận thông qua các chương trình học trực tiếp, trực tuyến, đào tạo từ xa và vừa làm vừa học. “Mục tiêu của chúng tôi là đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội và đóng góp vào sự phát triển quốc gia và toàn cầu”, GS.TS Nguyễn Minh Hà nhấn mạnh.

 GS.TS Nguyễn Minh Hà phát biểu tại hội thảo.

GS.TS Nguyễn Minh Hà phát biểu tại hội thảo.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Minh Hà mong muốn, thông qua hội thảo sẽ khơi dậy những ý tưởng mới, củng cố các hoạt động của chúng ta và truyền cảm hứng cho chúng ta tạo ra ảnh hưởng lớn hơn nữa trong các lớp học, cộng đồng và lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ.

Hội thảo OpenTESOL 2025 hướng đến giải quyết những thách thức và cơ hội trong giáo dục ngôn ngữ hiện nay. Trong đó, các nghiên cứu sẽ tập trung vào vai trò then chốt của việc phát triển năng lực tự chủ (agency) ở người học ngoại ngữ – yếu tố quyết định giúp người học trở thành những cá nhân học tập tích cực, tự chủ và đạt hiệu quả cao, nuôi dưỡng kỹ năng tự học suốt đời.

Bên cạnh đó, OpenTESOL 2025 còn đề xuất những giải pháp thiết thực cho lớp học đa văn hóa trong kỷ nguyên hội nhập, chú trọng đến sự đa dạng trong nền tảng văn hóa và ngôn ngữ của người học. Đồng thời, hội thảo cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến các khía cạnh chuyên sâu liên quan đến đội ngũ giáo viên, bao gồm niềm tin, giá trị, mục tiêu nghề nghiệp, kinh nghiệm cá nhân, vai trò xã hội và hành trình phát triển chuyên môn liên tục.

 Các đại biểu tham gia hội thảo.

Các đại biểu tham gia hội thảo.

Bên cạnh hơn 60 bài báo cáo tham luận từ các nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên và nghiên cứu sinh trong và ngoài nước góp mặt trong kỷ yếu, trong khuôn khổ Hội thảo, 6 phiên báo cáo chính do các diễn giả là học giả uy tín trong lĩnh vực Phương pháp lý luận và Giảng dạy tiếng Anh sẽ được trình bày trực tiếp, như:

Nuôi dưỡng hạnh phúc nghề nghiệp từ việc làm chủ cuộc sống cá nhân và công việc; Đổi mới giảng dạy tiếng Anh: Hướng tới một mô hình ELT tôn trọng và đề cao bản sắc văn hóa tại Việt Nam; Trao quyền cho các nhà nghiên cứu TESOL: Xu hướng mới và bí quyết đăng bài thành công trên tạp chí Scopus; Xây dựng quyền tự chủ và sự tự tin cho sinh viên nhờ phản hồi hiệu quả; Đánh giá và học tập cá nhân hóa trong kỷ nguyên AI; Năng lực đọc viết đa dạng và quyền tự quyết của học sinh: mở rộng các loại đầu vào và cơ hội sáng tạo.

Anh Tú

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-dai-hoc-mo-tphcm-to-chuc-hoi-thao-khoa-hoc-quoc-te-ve-giang-day-ngoai-ngu-post732559.html