Trường đại học mong ngóng văn bản hướng dẫn trả lương theo từng vị trí việc làm

Lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học cho biết nhà trường chưa thể xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm vì chưa có hướng dẫn cụ thể.

Chi trả lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW là được đánh giá là một “cuộc cách mạng” về lương, tiến tới trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả làm việc. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW có thể áp dụng là từ 1/7/2024.

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng vướng mắc đối với cơ sở giáo dục đại học hiện nay là chưa có cơ chế đột phá để các đơn vị thu hút và sử dụng nhân tài là các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học lớn.

Một mặt thì hệ thống thang, bảng lương và nguồn thu hợp pháp hạn hẹp, không cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập xây dựng những vị trí việc làm với mức thu nhập vượt trội và chế độ ưu đãi đặc biệt. Mặt khác, nhân tài được thu hút vào cơ sở giáo dục đại học công lập phải tuân thủ Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức nên bị gò bó về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, thiếu tính chủ động và tính sáng tạo của đội ngũ này.

Chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể khiến các cơ sở giáo dục khó triển khai

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: “Trả lương theo vị trí việc làm hiện mới chỉ có Thông tư 04/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập.

Hiện nhà trường đang khẩn trương thực hiện theo hướng dẫn này để rà soát lại các vị trí việc làm cho phù hợp. Chúng tôi đang triển khai xây dựng lại các vị trí việc làm để phù hợp với Thông tư 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn về việc trả lương theo từng vị trí việc làm cụ thể thì chưa có văn bản hướng dẫn”.

Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Linh Trang)

Cũng theo thầy Cường, hiện nay các trường đại học đều hướng tới tự chủ theo đúng Luật Giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, nhà trường xây dựng định hướng phát triển và thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của cơ sở. Từ đó sẽ xây dựng mức lương theo từng vị trí việc làm phù hợp với nguồn thu của nhà trường.

Tuy nhiên với các đơn vị chưa tự chủ hoàn toàn có thể gặp phải một số khó khăn vì nguồn kinh phí hạn hẹp. Thầy Cường cho rằng với các trường chưa tự chủ hoàn toàn có thể đề xuất các cơ chế, chính sách từ các cơ quan quản lý cấp trên để có thể thực hiện.

“Có rất nhiều biện pháp, quan trọng nhất là người đứng đầu có quyết tâm thực hiện và triển khai các giải pháp đồng bộ hay không. Nếu chúng ta chưa tiến hành đã sợ khó thì sẽ không bao giờ thu hút được người tài về công tác.

Hiện nay chúng tôi đang tập trung xây dựng đề án thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học chất lượng cao theo định hướng phát triển của nhà trường, của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và sẽ trình Hội đồng nhân dân trong thời gian tới để xin những cơ chế, chính sách vượt trội. Từ đó có thể thu hút được đội ngũ nhân tài theo định hướng phát triển của nhà trường", thầy Cường thông tin.

Bên cạnh đó, theo thầy Cường, để có cơ chế vượt trội thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao thì cần có các giải pháp đồng bộ. Trong đó, lương là một giải pháp quan trọng nhưng bên cạnh đó cũng cần có những giải pháp về chuyên môn, học thuật, về cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu của đội ngũ này.

“Chưa bao giờ các cơ chế, chính sách có độ mở lớn để các trường chủ động như hiện nay. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính là một trong những rào cản lớn nhất mà các trường phải tìm biện pháp để vượt qua. Trong thời gian tới, mỗi trường cần phải nỗ lực để gia tăng nguồn thu. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, các trường thấy điểm nào còn vướng mắc thì cần báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để có những tháo gỡ trong chính sách chung của cả nước. Còn nếu không triển khai thực hiện mà chỉ nghĩ đến những khó khăn thì sẽ không bao giờ thu hút được đội ngũ tài năng về trường”, thầy Cường nhấn mạnh.

Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng cho biết thêm, hiện nhà trường đang chờ những hướng dẫn của Nhà nước về việc chi trả lương theo vị trí việc làm tại cơ sở giáo dục đại học. Trong thời gian tới nhà trường cũng mong rằng Nhà nước sớm ban hành những văn bản hướng dẫn, quy định đồng bộ để có thể triển khai thực hiện.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên đánh giá, trả lương theo vị trí việc làm rất phù hợp với tình hình phát triển và cơ chế tự chủ tài chính hiện nay. Điều này sẽ đánh giá được thực chất những đóng góp của các thầy cô giáo vào công việc chung của nhà trường. Đồng thời các trường cũng có thể thu hút thêm được nhiều nhân lực chất lượng cao vì mức thu nhập sẽ không bị hạn chế. Tiền lương sẽ được chi trả theo hiệu suất làm việc. Như vậy cũng góp phần giữ chân được đội ngũ nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, theo thầy Hùng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào để các trường thực hiện việc xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm. Trong khi đó, nếu dự kiến áp dụng từ ngày 1/7 thì sẽ rất khó có thể thực hiện được.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Ngoài ra, theo thầy Hùng vấn đề tài chính của các trường hiện nay cũng là một trong những yếu tố khó khăn trong việc xây dựng những vị trí có mức thu nhập vượt trội. Cho dù nhà trường muốn trả mức lương cao nhưng kinh phí hạn hẹp, nguồn thu chưa nhiều thì khó có thể đáp ứng được.

“Tính tới thời điểm này nhà trường chưa có chính sách về mức thu nhập vượt trội cho giảng viên. Thực tế trong những năm vừa qua các ngành thuộc lĩnh vực nông lâm tuyển sinh khá khó khăn nên tình hình tài chính của trường cũng không đủ để làm việc này.

Trong thời gian sắp tới khi xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm nhà trường cũng nỗ lực phấn đấu để gia tăng nguồn thu. Từ đó có thêm thu nhập để xây dựng các vị trí việc làm có mức thu nhập vượt trội, thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là cho những ngành mới”, thầy Hùng bày tỏ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng cũng đề xuất các trường có thể tự quyết định việc thu hút nhân tài của đơn vị mình bằng việc lập các đề án.

Nhiều trường gặp khó khăn trong việc thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao. (Ảnh minh họa: Ngân Chi)

Nguồn thu hạn hẹp khó có thể xây dựng được vị trí việc làm có mức thu nhập vượt trội

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Với những trường đã tự chủ 100% có thể đã xây dựng được bảng lương theo vị trí việc làm. Các trường cũng có điều kiện hơn để xây dựng vị trí việc làm có mức thu nhập vượt trội. Còn nhà trường hiện tại đang là đơn vị tự chủ nhóm 3, chưa có cơ chế để xây dựng mức thu nhập vượt trội, chỉ có phần thu nhập tăng thêm. Phần thu nhập này còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của từng trường. Với các trường có điều kiện kinh tế tốt thì mức thu nhập sẽ cao hơn. Ngược lại với những trường chưa có nhiều nguồn thu thì khó có thể đòi hỏi mức thu nhập vượt trội được.

“Hiện nay, đơn vị nào cũng mong muốn có thể trả được mức thu nhập cao vượt trội, chỉ có như vậy mới thu hút được nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, nguồn thu của các trường hiện còn hạn hẹp, dù muốn cũng khó có thể thực hiện.

Trường nào muốn thu hút được nhiều nhân tài thì cần cố gắng tăng thêm nguồn thu và lấy kinh phí từ đó để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”, thầy Thắng nêu quan điểm.

Chia sẻ về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại trường, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang thông tin: Nhà trường cũng tham gia đề án thu hút 350 nhà khoa học xuất sắc của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, theo đề án này, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành còn ít nhất 5 năm công tác tính đến hết tuổi lao động theo quy định, về làm việc trong giai đoạn 2023-2030. Trong đó, giai đoạn 1 (2023-2025) thu hút 100 nhà khoa học và giai đoạn sau thu hút thêm 250 nhà khoa học.

Về chính sách phát triển nghề nghiệp, trong thời gian 2 năm đầu công tác tại các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhà khoa học được đảm bảo cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C cấp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (kinh phí tối đa 200 triệu đồng). Năm thứ 3, tiếp tục được đảm bảo cấp 1 đề tài loại B với kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Đến năm thứ 4 được hỗ trợ đầu tư tăng cường năng lực nghiên cứu phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học và năm thứ 5 được hỗ trợ nhằm đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn và hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, giáo sư.

Bên cạnh đó, chính sách thu nhập được thực hiện theo từng đơn vị, bao gồm: lương, thưởng, các khoản phụ cấp, thu nhập do giảng dạy vượt giờ chuẩn, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh… Ngoài ra, nhà khoa học được khen thưởng khi công bố bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín, đăng ký thành công sáng chế, xuất bản sách, giáo trình. Tuy nhiên, mức kinh phí của Trường Đại học An Giang có thể chi trả để thu hút nhà khoa học vẫn chưa thể bằng các trường thành viên khác tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Tuy nhiên, theo thầy Thắng, việc xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi ngạch lương của cán bộ, công chức, viên chức trong trường đại học cũng có một số khó khăn.

“Tôi lấy ví dụ một người hiện tại có chức danh giáo sư nhưng về trường làm việc ở phòng hành chính thì phải hưởng mức lương của nhân viên hành chính chứ không phải mức lương giáo sư. Hiểu một cách đơn giản, mức lương được tính theo hiệu suất làm việc, vị trí việc làm chứ không liên quan đến học hàm, học vị.

Nhưng như vậy sẽ không có giáo sư nào chấp nhận mức thu nhập của nhân viên hành chính vì cảm thấy mình bị thiệt thòi. Tuy nhiên với vị trí việc làm như vậy không thể trả mức lương quá cao được.

Một vấn đề khó khăn nữa là khi chuyển vị trí công tác, nếu ngạch lương hiện tại đang ở vị trí ngạch giảng viên nhưng đôi khi chuyển công tác về các phòng ban làm việc thì phải chuyển xuống ngạch lương của chuyên viên. Như vậy có thể người đó sẽ gặp thiệt thòi nên cũng rất khó khăn cho các trường khi xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm”, thầy Thắng nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, theo thầy Thắng, trong một trường đại học có rất nhiều vị trí việc làm và ngạch lương khác nhau như ngạch nghiên cứu viên, ngạch giảng viên, trợ giảng... Chính vì thế, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang đề xuất cơ quan quản lý cần có văn bản hướng dẫn càng chi tiết càng tốt. Các trường sẽ căn cứ vào đó để có hành lang pháp lý và triển khai thực hiện.

Liên quan đến nội dung này, sáng ngày 5/6/2024, Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) sẽ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Xây dựng Đề án vị trí việc làm và xây dựng bảng lương mới từ 01/7/2024 tại các cơ sở giáo dục đại học”.

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-mong-ngong-van-ban-huong-dan-tra-luong-theo-tung-vi-tri-viec-lam-post243160.gd