Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Hệ từ xa chỉ tuyển được 5-7 SV, đầu ra như chính quy
Năm 2024, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh hệ đào tạo từ xa duy nhất ngành Công nghệ thông tin với 450 chỉ tiêu.
Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tiền thân của nhà trường là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật được thành lập vào năm 1957.
Theo phần giới thiệu trên website, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn nhất các tỉnh phía Nam và là trường đại học kỹ thuật quan trọng của cả nước.
Sứ mệnh của trường được nêu: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng quốc tế; sáng tạo tri thức mới thông qua nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo; thực hiện trách nhiệm xã hội và phục vụ cộng đồng.
Hiện, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngành Công nghệ thông tin không có trong hệ đại học chính quy
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh hệ đào tạo từ xa với duy nhất ngành Công nghệ thông tin. So với đề án tuyển sinh năm 2023, nhà trường vẫn giữ nguyên số ngành đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh cho hệ đào tạo từ xa.
Theo đó, năm 2024, nhà trường có 2 đợt tuyển sinh đối với hệ đào tạo từ xa và diễn ra trong khoảng thời gian từ 1/4/2024 đến 26/4/2024 và từ 4/9/2024 đến 22/11/2024 với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 450 chỉ tiêu.
Mặc dù xác định chỉ tiêu tương đối cao nhưng số liệu về tỷ lệ sinh viên nhập học của năm 2023 tính đến hết ngày 31/12/2023 được kê khai trong Đề án tuyển sinh năm 2024 (Phụ lục 1: Các điều kiện đảm bảo chất lượng tuyển sinh) của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chưa thực sự đạt như kỳ vọng. Đồng thời, khi đối chiếu với hệ đào tạo chính quy chương trình tiêu chuẩn, phóng viên không tìm thấy ngành Công nghệ thông tin được đào tạo trong đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường.
Lý giải về vấn đề này, đại diện nhà trường cho biết: “Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đề án đào tạo từ xa qua mạng tin học viễn thông theo Quyết định số 08/QĐ-ĐHQG-ĐH&SĐH, ký ngày 10/01/2011. Chương trình đào tạo từ xa ngành Công nghệ thông tin bắt đầu thực hiện từ năm 2011 và được xây dựng phù hợp với định hướng chương trình đào tạo, chia sẻ các học phần hoặc nội dung với ngành Khoa học máy tính và ngành Kỹ thuật máy tính của trường.
Bên cạnh đó, tình hình tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin hệ đào tạo từ xa trong 2 năm gần đây của nhà trường tương đối thấp, chỉ dao động từ 5-7 sinh viên/khóa. Vì vậy, đó cũng là lý do hiện tại nhà trường đào tạo duy nhất ngành Công nghệ thông tin cho hệ đào tạo từ xa”.
Thời gian đào tạo ngành Công nghệ thông tin theo hệ đào tạo từ xa dự kiến kéo dài 4 năm và có thể rút ngắn thời gian đào tạo từ 1,5 đến 2 năm nếu sinh viên được xét miễn môn học.
Theo đó, sinh viên được xét miễn các môn học đã hoàn thành trong chương trình đại học hoặc cao đẳng (nếu đã tốt nghiệp) theo quy định của nhà trường, tối đa 50% tổng chương trình đào tạo. Đối với những thí sinh chưa đạt trình độ ngoại ngữ (chứng chỉ tiếng Anh TOEIC 550 điểm hoặc tương đương) phải tham gia học kỳ Pre-UNI nhằm trang bị vốn tiếng Anh và kỹ năng mềm, tương đương với 190 tiết học. Đồng thời, người học có cơ hội học tích hợp/liên thông để được cấp bằng kỹ sư (theo quy định về chuyên sâu đặc thù ) hoặc bằng thạc sĩ.
Phương thức tuyển sinh hệ từ xa tương đương hệ chính quy
Về phương thức tuyển sinh cho hệ đào tạo từ xa, nhà trường áp dụng phương thức xét tuyển tổng hợp gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024, kết quả quá trình học tập trung học phổ thông, năng lực khác, hoạt động xã hội). Các tiêu chí có trọng số riêng do Hội đồng tuyển sinh quyết định, tương đương với phương thức 5 - Xét tuyển tổng hợp (KHOP - mã 701) ở hệ đại học chính quy.
Đại diện nhà trường cho biết, công thức tính điểm xét tuyển hệ đào tạo từ xa dựa trên tiêu chuẩn năng lực học thuật được quy định cụ thể như sau: điểm học bạ trung học phổ thông + điểm chứng chỉ ngoại ngữ quy đổi (cộng điểm tuyển sinh) + điểm trung bình tốt nghiệp bằng đại học/cao đẳng (nếu có) + điểm bài luận (nếu cần) + phỏng vấn (nếu cần). Tiêu chuẩn này được áp dụng cho cả 2 năm 2023 và 2024.
Ngoài ra, kết quả xét tuyển và nhập học hệ đào tạo từ xa năm 2024 sẽ được nhà trường thông báo qua email của sinh viên từ ngày 11/11 đến 15/11/2024.
Khoản 4, Điều 12 Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 quy định: "Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau". Do đó, sinh viên theo học hệ đào tạo từ xa sẽ được cấp bằng tốt nghiệp có giá trị tương đương sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy.
Cũng tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường, thí sinh theo học hệ đào tạo từ xa phải đảm bảo ngưỡng đầu vào theo một trong các tiêu chí sau đây:
Thứ nhất, thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông phải có tổng điểm trung bình cả năm (thuộc tổ hợp môn xét tuyển) của 3 năm lớp 10, 11, 12 lớn hơn hoặc bằng 15 điểm.
Thứ hai, thí sinh đã tốt nghiệp trình độ đại học hoặc cao đẳng phải có điểm trung bình tốt nghiệp trình độ đại học hoặc cao đẳng lớn hơn hoặc bằng 5 điểm.
Thứ ba, thí sinh đang là sinh viên chính quy của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định thôi học và chuyển hình thức đào tạo sang đào tạo từ xa.
Bên cạnh đó, theo quy định trong chương trình đào tạo đại học chính quy tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên tốt nghiệp hệ này phải đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế TOEIC tối thiểu 600 điểm kỹ năng nghe - đọc và 200 điểm kỹ năng nói - viết. Đồng thời, sinh viên tốt nghiệp phải đạt chứng chỉ tin học quốc tế MOS Excel.
Tuy nhiên, trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường không có nội dung đề cập đến chuẩn đầu ra về tin học và ngoại ngữ cho sinh viên hệ đào tạo từ xa.
Lý giải về vấn đề này, đại diện nhà trường cho biết: “Theo Quy định số 285/ĐHBK-ĐT về học vụ và đào tạo bậc đại học (phiên bản hợp nhất), được ban hành ngày 28/07/2022, tại Mục 2, Phụ lục 7 có nêu rõ các yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ đối với sinh viên theo học chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt.
Chuẩn ngoại ngữ tốt nghiệp của chương trình đào tạo từ xa được quy định theo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế TOEIC với tối thiểu 600 điểm kỹ năng nghe - đọc (áp dụng từ khóa 2020) và 200 điểm kỹ năng nói - viết (áp dụng từ khóa 2021), tương đương với chương trình hệ đại học chính quy tiêu chuẩn”.
Đồng thời, đại diện nhà trường cho biết thêm, mặc dù các môn học được triển khai bằng nhiều hình thức đào tạo khác nhau nhưng chất lượng giảng dạy luôn được đảm bảo đồng nhất, không có sự khác biệt giữa các hình thức đào tạo.
Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng một hệ thống quy định chung áp dụng thống nhất cho tất cả các chương trình đào tạo. Các quy định này bao gồm nội dung và khối lượng học tập, chuẩn đầu ra của từng môn học cũng như các tiêu chí đánh giá kết quả học tập.
Đặc biệt, quy trình kiểm tra và thi kết thúc học phần được áp dụng chung trên toàn trường. Từ khâu ra đề, in ấn, phân phối đề thi đến tổ chức coi thi và chấm thi, mọi công đoạn đều được thực hiện theo quy trình chuẩn hóa, đảm bảo tính khách quan, công bằng và minh bạch cho tất cả sinh viên, bất kể họ học theo hình thức chính quy hay đào tạo từ xa.