Trường ĐH Tây Nguyên cần định vị, tầm nhìn về vai trò và sứ mệnh trong khu vực
Sáng 23/3, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm, làm việc với Trường Đại học Tây Nguyên.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Tây nguyên
Nhân dịp đến trường, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã thăm Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường, Bệnh viện Đại học Tây nguyên.
Báo cáo về tình hình của nhà trường, TS. Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, Trường Đại học Tây Nguyên có 28 đơn vị thuộc và trực thuộc, trong đó 10 Phòng chức năng, 8 Khoa, 1 Trường mầm non, 1 Trường THPT, 1 Viện nghiên cứu, 5 Trung tâm, 1 Thư viện và 1 Bệnh viện.
Hiện nay nhà trường đang đào tạo 35 ngành đại học với 8.620 sinh viên. Trong 3 năm gần đây, cán bộ viên chức và sinh viên trong trường đã thực hiện 317 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong đó, có 1 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu cấp Bộ, 1 đề tài nghị định thư, 1 nhiệm vụ quỹ gien cấp quốc gia - Bộ KH&CN, 14 đề tài cấp Bộ, 7 đề tài cấp tỉnh và 2 đề tài Naforted…
Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho hay, nhà trường đã tích cực tham gia vào tổ chức Pháp ngữ AUF, mở rộng hợp tác song phương với 40 đối tác trong nước và 12 đối tác quốc tế. Các hợp tác đi sâu vào triển khai các hoạt động KHCN, đào tạo hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên.
TS. Nguyễn Thanh Trúc cũng đề xuất Bộ GD&ĐT hướng dẫn đơn vị về báo cáo tài chính năm, thu vật chất, giám sát, ngân sách hoạt động, lựa chọn thành viên thay thế khi nhà trường khuyết thành viên… Bên cạnh đó, nhà trường đề xuất đưa trường Đại học Tây Nguyên vào hệ thống các trường Sư phạm trong cả nước, mở ngành đào tạo tiếng DTTS, như: Ê đê, M’Nông, J’Rai…
Nhà trường đã tổ chức đưa 190 sinh viên đi du học thực hành tại Israel, đây là cơ hội để sinh viên thay đổi cách nhìn thực tiễn và thêm yêu nghề đang học. Ngoài ra, nhà trường đã chủ động trong việc tìm kiếm các học bổng ngoài trường cho sinh viên và trao cho 337 em với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Mặc dù có nhiều thuận lợi tuy nhiên nhà trường cũng gặp không ít khó khăn khi chưa có hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu và phần mềm tích hợp. Bên cạnh đó, một số viên chức được đi đào tạo nâng cao trình độ, tuy nhiên chưa được xét nâng ngạch/thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Không những thế, Trường Đại học Tây Nguyên hiện đang phải cấp bù kinh phí để duy trì hoạt động của trường THPT thực hành Cao nguyên…
Vai trò Trường Đại học trọng điểm vùng Tây Nguyên
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cùng Trường Đại học Tây Nguyên thảo luận về vấn đề tự chủ tài chính, đưa Trường Đại học Tây Nguyên vào hệ thống các trường Sư phạm trong cả nước, thực hiện nghị định 116, cơ chế đặc thù phát triển KHCN…
Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Nguyễn Viết Lộc cho hay, Trường Đại học Tây Nguyên là 1 trong những đơn thực hiện kiện toàn bộ máy theo đúng quy định, rà soát về quy chế hoạt động, tài chính, hệ thống văn bản hoạt động tốt và tỷ lệ cán bộ giáo viên chuyên môn cao… Tuy nhiên, cơ cấu các phòng chuyên môn chưa tốt, nhiều đơn vị có quy mô nhỏ.
Vụ trưởng Nguyễn Viết Lộc cho rằng, về định hướng phát triển nhà trường cần phải cân đối nguồn lực khi mở rộng quy mô. Bởi, hiện nay quy mô của Trường Đại học Tây Nguyên chưa phải lớn so với các trường Đại học trên cả nước và đội ngũ cán bộ, giảng viên đang ở mức trung bình nên cần có lộ trình và tính toán kĩ lưỡng.
Về việc Trường Đại học Tây Nguyên mong muốn mở ngành đào tạo tiếng dân tộc thiểu số (DTTS), Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho hay, đơn vị cần cân đối chính sách đào tạo với các tiếng dân tộc khác, nhu cầu và khả năng, đội ngũ đáp ứng. Việc thu hút nhân tài và đội ngũ rất quan trọng để nâng cao chất lượng. Đối với những ngành khó tuyển sinh ở khu vực, Bộ sẽ làm việc với các ngành, tuy nhiên trường phải có kế hoạch, chọn ngành cốt lõi để phát triển địa phương.
Tại buổi làm việc Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Nghị quyết 23 với nội dung xây dựng trung tâm đào tạo chất lượng cao, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển Trường Đại học Tây Nguyên. Hiện nay Buôn Ma Thuột là trung tâm của 5 tỉnh thuộc khu vực Tây nguyên. Ở các tỉnh Gia lai, Kon Tum, Đăk Nông hiện không có trường Đại học, do đó Trường Đại học Tây nguyên là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để Trường Đại học Tây Nguyên ngày càng phát triển, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, đơn vị cần có đội ngũ nòng cốt, giữ chân người tài và nâng cao hệ thống quản trị, cùng với đó là những quyết sách mới. Từ đó, phát triển quy mô từ hơn 8.000 sinh viên lên đến 20.000, khi mạnh về đào tạo sẽ mạnh về nghiên cứu khoa học. Thứ trưởng đề nghị trường cần có định hướng chiến lược, quyết tâm, xây dựng văn hóa tổ chức, đổi mới hệ thống giáo dục….
Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, nội dung xuyên suốt trong 2 ngày làm việc (23-24/3) tại Đắk Lắk về triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với nhiều nội dung quan trọng. Đối với Bộ GD&ĐT trong đổi mới chung thì giáo dục và đào tạo ở 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ là mối quan tâm đặc biệt bởi phát triển giáo dục và đổi mới cần phát triển ở vùng thuận lợi nhằm hội nhập quốc tế; đồng thời thực hiện công bằng trong giáo dục và các chính sách khu vực khó khăn nên cần quan tâm đến 3 khu vực trên. Về phía các trường Đại học, ở khu vực Tây Nguyên thì Trường Đại học Tây Nguyên có vị trí quan trọng.
Với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những cố gắng, đóng góp của Trường Đại học Tây Nguyên với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, cung cấp nguồn nhân lực… Mặc dù trong tình trạng khó khăn chung, nhưng Trường Đại học Tây Nguyên là đơn vị quy củ, nề nếp, mang bản sắc văn hóa… tạo ấn tượng với môi trường giáo dục tốt so với nhiều đơn vị khác.
Tại buổi làm việc Bộ trưởng nhấn mạnh, Trường Đại học Tây Nguyên cần phải có định vị, tầm nhìn về vị trí vai trò của trường và sứ mệnh định hướng phát triển rõ ràng. Do đó cần lấy tư duy, tầm nhìn, tính chất, đòi hỏi của vùng… để định hướng phát triển cơ cấu ngành nghề, ưu tiên nghiên cứu đào tạo. Cần đưa đặc điểm vùng Tây Nguyên đi vào đặc điểm của nghiên cứu khoa học, cơ cấu đào tạo. Bộ trưởng lưu ý nhà trường phân tích những thuận lợi hơn là khó khăn. Bởi so với khu vực Tây Bắc, Tây Nam Bộ thì Tây Nguyên có nhiều thuận lợi hơn, có vị trị đặc biệt nên rất được quan tâm.
"Trong định hướng phát triển thời gian tới, nhà trường cần tính vai trò của đơn vị trong khu vực. Ngoài phát triển tại khu vực Đắk Lắk cần tính đến việc hình thành thêm các phân hiệu trong 5 tỉnh Tây Nguyên... Việc phát triển đội ngũ các nhà khoa học có tính chất quyết định, nhà trường cần có chính sách phát triển đội ngũ tại chỗ, đặt hàng… tăng tỷ lệ Tiến sĩ trong cơ cấu. Đồng thời cần có bài toán phát triển con người, thu hút nhân lực…", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Với Trường Đại học Tây Nguyên, Bộ trưởng cho rằng hiện tại đơn vị đang đóng vai trò là Trường Đại học vùng, trọng điểm nhất Tây Nguyên nên nhà trường không nên giới hạn thành trường Sư phạm trọng điểm. Là Trường Đại học vùng lớn nên cần phải có nhóm phát triển công nghệ và kĩ thuật nông nghiệp. Bên cạnh đó xây dựng nhóm quản trị, quản lý về dân tộc tôn giáo, tín ngưỡng cần đòi hỏi lực lượng nhân lực chất lượng cao…
Bộ trưởng đề nghị Trường Đại học Tây Nguyên cần có đề án về phát triển đơn vị tầm nhìn 10 năm và xa hơn. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn sâu với thực tiễn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng giao nhiệm vụ cho Vụ Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Đắk Lắk và nhà trường lên Đề án trình Bộ GD&ĐT để đưa Trường Cao đẳng Sư phạm về Trường Đại học Tây Nguyên. Với vị trí đặc biệt, quan trọng Bộ trưởng mong rằng Trường Đại học Tây Nguyên cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ, Nghị quyết 23… để đưa trường phát triển trong tầm nhìn mới.
Một số hình ảnh trong buổi thăm và làm việc của Bộ GD&ĐT tại Trường Đại học Tây Nguyên.