Trường học hướng dẫn 2 cách để phụ huynh tránh mua phải SGK kém chất lượng

Do muốn tiết kiệm chi phí, nữ giáo viên nhận về sách giáo khoa có nội dung bị cắt xén, thiếu thông tin quan trọng khi đang tiến hành soạn giáo án.

Tình trạng sách giả, sách lậu trên thị trường luôn là mối lo ngại của trường học, phụ huynh và học sinh. Sách giả, sách lậu gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả học tập của học sinh cũng như làm ảnh hưởng đến các đơn vị xuất bản chính thống. Những loại sách này thường được sản xuất trái phép, không trải qua quá trình kiểm tra, dẫn đến nhiều sai sót trong nội dung, chất lượng hình ảnh thấp và giấy không đảm bảo.

Mặc dù trường học cùng các cơ quan chức năng đã có những giải pháp để ngăn chặn sách giả nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để, đặt ra yêu cầu về việc nâng cao nhận thức cùng sự chung tay của toàn xã hội.

Sách giáo khoa gây ảnh hưởng trực tiếp tới học sinh lẫn giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Trọng Trung - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cao Thành (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, hiện tại sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường được mua theo 2 kênh.

“Thứ nhất, dựa vào danh mục sách giáo khoa nhà trường đã thông báo, phụ huynh, học sinh sẽ chủ động mua sách giáo khoa theo đúng danh mục hoặc tận dụng nguồn sách từ học sinh khóa trước để lại.

Thứ hai, đối với những trường hợp phụ huynh, học sinh không thể tự mua sách, nhà trường sẽ hỗ trợ mua sách thông qua việc đăng ký mua sách tại trường. Từ đó, nhà trường sẽ phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện để đặt sách giáo khoa từ Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học. Hình thức này giúp đảm bảo nguồn sách chính thống, có chất lượng tốt và phù hợp với yêu cầu giảng dạy”, thầy Nguyễn Trọng Trung thông tin.

Theo thầy Nguyễn Trọng Trung, một trong những lý do chính khiến phụ huynh, học sinh mua phải sách giả là do thói quen mua sách ở các cửa hàng bên ngoài trường học hoặc các sàn thương mại điện tử. Bởi phụ huynh, học sinh thường muốn chủ động về thời gian và địa điểm mua sắm. Tuy nhiên, hiện nay, sách giáo khoa giả được làm rất tinh vi, từ hình thức bên ngoài chất lượng in, người mua lại thường không có đủ kiến thức, kinh nghiệm để phân biệt. Do đó, phụ huynh, học sinh sẽ vô tình mua phải sách giả mà không hề hay biết.

Thầy Trung cũng cho rằng, sách giáo khoa giả chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới học sinh. Những loại sách này thường ở dạng giấy chất lượng thấp, hình ảnh mờ, màu sắc không rõ ràng và đặc biệt là nội dung sai lệch. Những yếu tố này không chỉ làm giảm hứng thú trong học tập, mà còn khiến học sinh gặp khó khăn khi tiếp cận kiến thức chính xác.

 Ảnh minh họa: NXBGDVN

Ảnh minh họa: NXBGDVN

Trên thực tế, không ít trường hợp đã mua phải sách giả, sách lậu. Nữ giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết: “Vì muốn tiết kiệm chi phí, tôi đã chọn mua một bộ sách giáo khoa giá rẻ trên mạng. Ban đầu khi đọc lướt qua, tôi thấy nội dung sách không có gì đáng nghi ngờ. Nhưng khi bắt đầu soạn giáo án, tôi mới nhận ra sự khác biệt. Những bài học trong sách cuốn sách bị cắt xén, thiếu thông tin quan trọng. Đặc biệt, các môn khoa học có nhiều sai sót về kiến thức, thậm chí là những kiến thức cơ bản. Đấy là với giáo viên còn biết rõ kiến thức không chính xác, còn với học sinh, không phải em nào cũng nhận ra. Điều này có thể khiến học sinh tiếp thu những kiến thức sai lệch, ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em”, nữ giáo viên chia sẻ.

Trường học cần rà soát, có biện pháp phù hợp để xử lý sách giả

Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Hữu Quyết - giáo viên Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhấn mạnh, sách giả chứa những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc sai sự thật. Với những thông tin như vậy, việc trang bị kiến thức cho học sinh sẽ gặp có nhiều khó khăn. Cùng với đó, sách giả có thể chứa những hình ảnh mờ, không rõ chữ, thậm chí mất trang gây ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Vì vậy, nếu phát hiện sách giả trong nhà trường, các thầy cô cũng cần báo cáo với ban giám hiệu cũng như các cơ quan có thẩm quyền để đưa ra những phương án xử lý.

Theo thầy Quyết, việc phụ huynh mua phải sách giả có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính là do tâm lý ham rẻ của phụ huynh, học sinh.

“Nếu mua sách ở các nhà sách uy tín, có thể giá sách sẽ đắt hơn so với những hiệu sách nhỏ. Trong khi đó, tâm lý chung trong văn hóa tiêu dùng là xu hướng mua ở nơi có giá thành rẻ hơn. Mặc dù sách có giá thành quá rẻ có thể là những loại sách không chính thống nhưng vì điều kiện kinh tế, phụ huynh học sinh vẫn lựa chọn những loại sách giá rẻ dẫn tới việc mua phải sách giả”, thầy Quyết bày tỏ.

 Thầy Nguyễn Hữu Quyết - giáo viên Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội). (Ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Hữu Quyết - giáo viên Trường Trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội). (Ảnh: NVCC)

Vị giáo viên này cũng cho rằng, trước thực trạng sách giả, sách lậu tinh vi, các trường học cần đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về vấn đề này. Việc tổ chức các buổi tập huấn định kỳ, phổ biến kiến thức nhận diện sách giả - sách thật, đồng thời cung cấp các kỹ năng kiểm tra, đánh giá chất lượng sách là vô cùng cần thiết. Đây là một trong những giải pháp thiết thực nhằm giúp giáo viên trở thành lực lượng tiên phong trong việc phát hiện và ngăn chặn sách giả ngay từ trong trường học.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc thanh tra, kiểm tra hoạt động in ấn, phát hành và phân phối sách giáo khoa cũng như tài liệu học tập trên thị trường. Việc này không chỉ góp phần đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong ngành giáo dục, mà còn giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên, học sinh và phụ huynh - những người trực tiếp sử dụng và chi trả cho các sản phẩm giáo dục. Nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường và các cơ quan quản lý, tình trạng học sinh, phụ huynh tốn kém tiền bạc nhưng lại mua phải những cuốn sách kém chất lượng, sai sót nội dung hoặc không được cấp phép rất dễ tiếp tục tái diễn, ảnh hưởng lâu dài đến hiệu quả giảng dạy và học tập trong nhà trường.

Do đó, để xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng và chất lượng, cần có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự chủ động từ phía các trường học và sự quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn, xử lý triệt để vấn nạn sách giả, sách lậu.

Còn theo thầy Nguyễn Trọng Trung, nếu sách giả xuất hiện trong trường học, các trường học không chỉ cần rà soát, thu hồi sách, mà còn phải báo cáo với các cấp quản lý trên để đưa ra các phương án xử lý phù hợp. Việc này giúp đảm bảo rằng sách giả được kiểm soát và xử lý một cách triệt để, đồng thời ngăn chặn sự lan rộng của sách giả trong môi trường giáo dục.

Cùng bàn về cách thức giảm thiểu tình trạng sách giáo khoa giả, thầy Trung cho rằng: “Việc tuyên truyền và cung cấp thông tin sách từ các nguồn tin cậy cần được chú trọng. Trong đó, để hạn chế tình trạng sách giả sách lậu vào trong trường, các trường học cần hướng dẫn học sinh, phụ huynh và cán bộ giáo dục nhận biết sách giả.

Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà trường và doanh nghiệp là yếu tố then chốt để quản lý thị trường hiệu quả. Hợp tác này không chỉ giúp phát hiện và xử lý sách giả, các trường hợp vi phạm trong sản xuất và phát hành, mà còn tạo ra một hệ thống giám sát toàn diện, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo chất lượng giáo dục”, thầy Trung nhấn mạnh.

Mạnh Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-hoc-huong-dan-2-cach-de-phu-huynh-tranh-mua-phai-sgk-kem-chat-luong-post250429.gd