Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc: Rèn lớp người 'vừa hồng, vừa chuyên'

Các thầy cô giáo trường học sinh miền Nam trên đất Bắc không chỉ đưa tinh thần cách mạng in sâu vào tâm trí học trò, mà đã hoàn thành nhiệm vụ ươm mầm những 'hạt giống đỏ' trở thành đội ngũ cán bộ, chiến sĩ 'vừa hồng, vừa chuyên' cho đất nước.

Những bài học mang theo suốt cuộc đời

“Không hiểu tại sao các thầy cô miền Bắc lại truyền cảm hứng cách mạng cho mình sâu sắc đến như thế, lúc đó bỏ cả người yêu để đi kháng chiến” – Nhà giáo Lê Thị Thịnh kể lại với phóng viên VOV ở TP.HCM.

Bà Thịnh nói vui câu chuyện rằng, cuộc đời bà gần như "nhiễm" lý tưởng cách mạng sâu sắc. Với hành trang từ những mái trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, bà Thịnh trở lại miền Nam tham gia kháng chiến năm 1965. Đến khi đất nước hòa bình, bà công tác trong ngành giáo dục.

Hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc hình thành từ năm 1954, nhằm đào tạo đội ngũ kế cận cho cách mạng miền Nam cũng như cách mạng cả nước sau này. Đây là chủ trương thể hiện tầm nhìn xa, trộng rộng của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước.

Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc được đánh giá là một trong những mô hình giáo dục thành công đặc biệt. (Ảnh tư liệu)

Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc được đánh giá là một trong những mô hình giáo dục thành công đặc biệt. (Ảnh tư liệu)

Với sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc, các trường học sinh miền Nam được ưu tiên đầy đủ về phương tiện dạy và học cùng với đó là đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn và tâm huyết. Từ đó, các trường học sinh miền Nam không chỉ dạy đúng, dạy đủ, mà còn dạy hay, dạy tốt.

Bên cạnh chương trình giáo dục toàn diện về “đức – trí – thể - mỹ”, việc dạy học kết hợp bồi dưỡng ý chí nghị lực và lý tưởng cho học sinh là điểm nhấn nổi bật của các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Các thầy cô giáo trường học sinh miền Nam trên đất Bắc không chỉ đưa tinh thần cách mạng in sâu vào tâm trí học trò như câu chuyện của bà Lê Thị Thịnh, mà đã gieo trồng 30 nghìn "hạt giống đỏ" thành đội ngũ cán bộ, chiến sĩ "vừa hồng, vừa chuyên" cho đất nước.

Nhìn lại chặng đường hơn 20 năm (1954-1975) thực hiện nhiệm vụ lịch sử, hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã truyền đạt cho học sinh những nội dung cốt lõi về lòng yêu nước, ý thức giác ngộ về chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế trong sáng, ý chí dám xả thân vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Phong cách chung của học sinh miền Nam là: nhiệt tình, sôi nổi, sống có kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm trong mọi việc làm, có ý thức làm chủ và chỉ làm những việc mà quy định cho phép. Phẩm chất đạo đức đó có được là nhờ vào nền giáo dục toàn diện, “vừa hồng, vừa chuyên”, được chăm sóc từ lúc còn thơ đến lúc trường thành, tạo nên nhân sinh quan cách mạng tu dưỡng theo tấm dương của Bác Hồ… Chúng tôi luôn cố gắng sống sao cho xứng đáng với những gì mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã ưu ái trao cho.” – Dược sĩ Nguyễn Thanh Thái, cựu học sinh trường miền Nam số 7 bày tỏ niềm tự hào chung của các thế hệ học sinh miền Nam.

"Nung cảm xúc" để ươm mầm "hạt giống đỏ"

Để chuyển hóa chủ trương, đường lối thành những bài giảng in sâu vào tâm trí học sinh suốt chặng đường đời, các thế hệ nhà giáo tại trường học sinh miền Nam đã dồn hết tâm sức và có những sáng tạo đặc biệt trong quá trình công tác ở vườn ươm "hạt giống đỏ".

Nhiệt huyết giảng dạy được nhà giáo Hồng Việt của Trường học sinh miền Nam số 28 truyền tải trên Báo Người giáo viên nhân dân (số 15-16, tháng 7/1960): “Có đồng chí kể lại rằng: “Mỗi lần trước khi lên lớp, tôi phải để một số thì giờ để nung cảm xúc”. Thực ra thời gian để tạo cho tâm hồn mỗi người có những tình cảm cách mạng bừng cháy, thắm thiết phải là một quá trình rèn luyện lâu dài, nhưng những giờ để “nung cảm xúc” như trên là rất quý báu.

Dạy về những con người miền Nam trong bài “Đáng sống bao nhiêu một ngày vì Cách mạng”, có đồng chí đã ngồi rất lâu hồi nghĩ lại phẩm chất của con người miền Nam trong kháng chiến và trên đất Bắc, bình thường mà dũng cảm. Nung cảm xúc để dạy nhiệt tình và cố gắng liên hệ với thực tế làm cho bài giải đi thẳng vào lòng các em, gợi lên trong tâm trí các em sự suy nghĩ, sự mong muốn đóng góp sức của mình vào cuộc sống xung quanh”.

Nhà giáo Hồng Nhân hồi tưởng về những ngày đứng trên bục giảng, dạy chính trị tại Trường Học sinh miền Nam số 24: “Trong bài giảng chính khóa, nói chuyện ngoại khóa, tôi thường kết hợp tình hình miền Nam, kể nhiều gương anh dũng đấu tranh chống địch của đồng bào miền Nam, khi nói sự kiện xảy ra ở quê em này, lúc nêu gương anh hùng ở quê em khác… như vậy, rất dễ đi sâu vào tình cảm, tư tưởng các em”.

Học đi đôi với hành, thầy và trò các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc còn cùng nhau sáng tạo, thực hiện những phong trào thi đua, rèn luyện thiết thực. Trong đó, những đợt tham gia lao động, sản xuất, dạy học cùng nhân dân địa phương được chú trọng đặc biệt.

Hệ thống trường miền Nam trên đất Bắc đã đào tạo những thế hệ thanh niên "vừa hồng, vừa chuyên" phục vụ sự nghiệp thống nhất và xây dựng đất nước. (Ảnh tư liệu)

Hệ thống trường miền Nam trên đất Bắc đã đào tạo những thế hệ thanh niên "vừa hồng, vừa chuyên" phục vụ sự nghiệp thống nhất và xây dựng đất nước. (Ảnh tư liệu)

“Để tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho các em, chỉ dựa vào các giờ chính trị chính khóa là chưa đủ. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà trường mà tôi là một Chi ủy viên, chúng tôi đặt mạnh công tác giáo dục thanh niên, xây dựng Đoàn Thanh niên Lao động nhà trường ngày càng vững mạnh, dùng đoàn viên làm lực lượng nòng cốt để lôi cuốn thanh niên học sinh vươn lên tiên tiến…

Mỗi lần Chi bộ nhà trường làm lễ kết nạp đảng viên mới, chúng tôi mời tất cả các đối tượng cảm tình Đảng trong học sinh đến dự, qua đây giáo dục các em sâu sắc hơn. Nhờ vậy, tinh thần phấn đấu vào Đoàn, vào Đảng trong học sinh ngày càng cao” - Nhà giáo Hồng Nhân nhớ lại.

Không khí lao động, sản xuất của học sinh miền Nam được nhà báo Bùi Trương ghi lại trên Báo Thống Nhất (số 67, ngày 14/9/1958): “Từ hai tháng nay, chiến dịch “Hè lao động sản xuất và diệt dốt” của ngót hai vạn học sinh miền Nam đã sôi nổi diễn ra từ ruộng đồng bát ngát tỉnh Hà Đông, đến tận vùng mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, từ các xã ngoại thành Hải Phòng đến Nông trường Cát Bi, Nông trang Nam Bộ…

Thấm nhuần đường lối giáo dục của Đảng và Chính phủ “lấy lao động làm nhân tố cơ bản của mục đích và phương pháp giáo dục”, 411 học sinh ở Trường 12 và 16 đã về Đông Triều hăng hái tham gia xây dựng nhà trường, vừa học tập, vừa sản xuất”.

Bài báo cách đây 7 thập kỷ khép lại với niềm tin không chỉ đúng đắn về năm học ấy, mà cả sau này, khi các thế hệ học sinh miền Nam trưởng thành và có những đóng góp nổi bật cho đất nước: “Hôm nay, gió Thu đã về. Mùa Hè sắp kết thúc. Nhìn lại những ngày qua, các em học sinh miền Nam vô cùng phấn khởi được học nhiều bài học sinh động và bổ ích. Đó là những bài học thực tế về cuộc sống, về lao động sản xuất, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, bài học về tình đoàn kết Bắc – Nam.

Những bài học ấy không phải học thuộc lòng, nhưng nó sẽ khắc sâu vào tâm trí các em, giúp các em phát huy bản chất tốt đẹp của người học sinh dưới chế độ dân chủ cộng hòa, để ra sức góp phần xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa trong niên học mới”.

Bài viết sử dụng tư liệu trong các cuốn sách:

- Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (NXB Chính trị Quốc gia)

-Trường học sinh miền Nam ở hậu phương miền Bắc (1954-1975): Lịch sử và bài học (NXB Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh)

Hoàng Long/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/truong-hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac-ren-lop-nguoi-vua-hong-vua-chuyen-post1116101.vov