Trường học tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ HS phân biệt, tránh SGK giả
Nhà trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, cung cấp thông tin chi tiết về cách nhận diện SGK thật - giả và cảnh báo rủi ro khi sử dụng sách không rõ nguồn gốc.
Phụ huynh chưa để tâm, công tác quản lý còn khó khăn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Long Văn Phú - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) nhìn nhận, sách giả, sách lậu gây ảnh hưởng đáng kể tới công tác dạy và học. Điều này thể hiện rõ qua các yếu tố như chất lượng giấy, hình ảnh minh họa, và hình thức in ấn, tất cả đều kém hơn đáng kể so với sách chính thống.
“Với những hạn chế về mặt sản xuất và quy trình kiểm soát chất lượng, sách giả, sách lậu chắc chắn không thể sánh được với sách chính thống, cả về giá trị hình thức lẫn nội dung. Đồng thời, những loại sách kém chất lượng này có thể khiến giáo viên, học sinh tiếp nhận thông tin, kiến thức sai sự thật, gây nên hậu quả khôn lường”, thầy Phú bày tỏ.
Theo vị hiệu trưởng, việc cung cấp sách giáo khoa tại Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn được thực hiện theo quy trình: Đầu tiên, nhà trường sẽ thông báo tới phụ huynh và học sinh để đăng ký mua sách. Sau đó, trường phối hợp với Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Bắc Kạn để cung cấp sách cho học sinh nhằm đảm bảo nguồn sách giáo khoa được cung cấp đầy đủ và chính thống.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế tại địa phương còn nhiều khó khăn, nhà trường đã có những phương án cụ thể nhằm cung ứng sách giáo khoa nhằm hỗ trợ phụ huynh và học sinh. Cụ thể, thầy Phú cho biết: “Do điều kiện kinh tế của gia đình học sinh còn nhiều khó khăn, phụ huynh đa số đi làm xa, nên chưa có nhiều sự quan tâm tới sách giáo khoa. Vì vậy, nhà trường hỗ trợ học sinh đăng ký mua sách và đặc biệt chú trọng giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh có cha mẹ đi làm xa. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em có đầy đủ sách giáo khoa phục vụ học tập”.
Cũng theo vị hiệu trưởng, tính đến thời điểm hiện tại, Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn chưa từng ghi nhận phản ánh của phụ huynh, học sinh về tình trạng mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu.
Trong khi đó, thầy Hoàng Văn Phác - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phủ Thông (tỉnh Bắc Kạn) cho biết, hiện tại, nhà trường chưa hỗ trợ học sinh trong việc mua sách giáo khoa, trừ một số trường hợp đặc biệt: “Học sinh tự đảm bảo về sách giáo khoa để tham gia học tập. Tuy nhiên, đối với những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc có những trường hợp đặc biệt, nhà trường sẽ hỗ trợ mua giúp cho học sinh”.
Theo thầy Phác, ở một số nơi còn trường hợp mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu, không hoàn toàn là lỗi của phụ huynh hay học sinh: “Trước hết, công tác quản lý thị trường sách hiện nay còn hạn chế, khi các cơ quan chức năng chưa giám sát chặt chẽ hoạt động in ấn. Bên cạnh đó, sách lậu thường có giá rẻ hơn đáng kể so với sách chính thống, do không phải trả các chi phí bản quyền và xuất bản, khiến nhiều người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.
Đồng thời, nhận thức của phụ huynh và học sinh về tác hại của sách giả, sách lậu vẫn còn hạn chế. Trong đó, phần lớn phụ huynh thường chỉ quan tâm đến giá cả mà không để ý đến chất lượng nội dung hay những hệ quả tiêu cực của những loại sách này”.
Theo thầy Hoàng Văn Phác, sách giả, sách lậu sẽ tác động xấu đến học sinh và giáo viên: “Sách giả, sách lậu thường không đảm bảo về chất lượng, cả về nguồn gốc lẫn nội dung. Những cuốn sách này có thể chứa nhiều nội dung sai sót, chất lượng in ấn kém và không đạt tiêu chuẩn. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của học sinh và công tác giảng dạy của giáo viên”.
Nhà trường cung cấp thông tin cách nhận diện sách thật - giả
Theo thầy Long Văn Phú, Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn đã chuẩn bị các phương án để kiểm soát và ngăn chặn sách giáo khoa lậu xâm nhập vào môi trường học đường.
Trong trường hợp phát hiện sách giáo khoa không rõ nguồn gốc, nhà trường sẽ thực hiện kiểm tra kỹ lưỡng nhằm xác minh nguồn gốc và đối chiếu nội dung với các phiên bản sách chính thống đã được phê duyệt.
Quy trình này được triển khai để đảm bảo tất cả sách sử dụng trong giảng dạy đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về chất lượng và nội dung, đồng thời loại bỏ những sách kém chất lượng hoặc không rõ ràng về xuất xứ. Đây là giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của học sinh và duy trì chất lượng giáo dục.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn cũng cho rằng, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng sách giáo khoa lậu tràn lan trên thị trường, cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các lực lượng chức năng. Các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ toàn bộ quy trình từ in ấn, phát hành đến phân phối sách giáo khoa. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Chia sẻ về công tác tuyên truyền đối với sách giả, sách lậu, thầy Phú cho biết thêm, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các cơ sở giáo dục cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh.
“Nhà trường đã tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về việc lựa chọn sách giáo khoa từ nguồn chính thống.
Trong các buổi tuyên truyền này, nhà trường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mua sách từ các công ty phát hành sách uy tín hoặc tại các hiệu sách được xác nhận cung cấp sản phẩm chính hãng.
Đồng thời, học sinh được khuyến cáo cần thận trọng, nâng cao tinh thần cảnh giác để tránh mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, cung cấp thông tin chi tiết về cách nhận diện sách giáo khoa thật - giả và cảnh báo rủi ro khi sử dụng sách không rõ nguồn gốc”, vị hiệu trưởng chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phủ Thông cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh công tác kiểm soát trong quá trình xuất bản, in ấn sách giáo khoa, cũng như việc quản lý hoạt động lưu thông và phân phối sách cần được thực hiện nghiêm ngặt và hiệu quả hơn.
Thầy Hoàng Văn Phác thông tin thêm: “Để tránh tình trạng sách giả, sách lậu len lỏi vào học đường, nhà trường thường xuyên thông tin tới phụ huynh và học sinh về việc lựa chọn những nhà phát hành và cung ứng sách giáo khoa uy tín, đảm bảo việc từ các đơn vị có địa chỉ rõ ràng.
Đồng thời, tránh vì “ham rẻ”, mà lựa chọn những nguồn cung cấp không đáng tin cậy, không được cấp phép chính thức.
Về công tác truyền thông, nhà trường thực hiện theo quy trình cụ thể, bao gồm việc giới thiệu thông tin trên website chính thức của trường và các kênh thông tin liên quan. Trước mỗi năm học, nhà trường đều thông báo công khai về danh mục sách giáo khoa để phụ huynh, học sinh nắm rõ, từ đó lựa chọn và thực hiện mua sách một cách chính xác, đảm bảo”.