Trường hợp đặc biệt, Chính phủ có thể xem xét duy trì niêm yết cổ phiếu thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc
Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết đối với các cổ phiếu rơi vào diện bị hủy niêm yết bắt buộc sẽ do Chính phủ xem xét, quyết định.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Theo dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán vừa được công bố, Điều 120 trong Nghị định quy định về cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định"
Việc đề xuất sửa đổi quy định này trong bối cảnh thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp lớn trên sàn đã thua lỗ triền miên và đứng trước nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc. Có thể kể tới trường hợp Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN).
Hiện nay, hơn 2 tỷ cổ phiếu HVN đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết khi vi phạm cả 3 điều kiện, gồm: kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục; tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp; vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Trả lời chất vấn của cổ đông về vấn đề này tại đại hội cổ đông thường niên hôm 16/12/2023, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết tình huống của Vietnam Airlines rất đặc biệt.
Trước đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khả năng sinh lời và tài chính lành mạnh trên sàn HoSE. Tuy nhiên, đại dịch có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu và hàng không, đây là tình huống rất khách quan.
“Tôi tin tưởng rằng các cơ quan Nhà nước, cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu, đánh giá các yếu tố trên một cách khách quan, cẩn trọng. Chúng tôi kỳ vọng rằng cổ phiếu HVN vẫn được duy trì trên sàn chứng khoán”, ông Hiền nói.
Quý III, doanh thu thuần của Vietnam Airlines tăng 2.413 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng hơn 11% đạt mức 23.569 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn cũng ở mức cao 22.329 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp còn 1.240 tỷ đồng. Các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước, lần lượt là 1.370 tỷ đồng và 542 tỷ đồng.
Khấu trừ đi các khoản thuế phí, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế quý III lên đến 2.203 tỷ đồng. Tuy vậy khoản lỗ này đã có cải thiện so với con số lỗ 2.546 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cũng khẳng định công ty đang có nhiều giải pháp để khắc phục hậu quả của Covid-19. Từ năm 2024 trở đi công ty có thể tự cân bằng dòng tiền để tổ chức sản xuất kinh doanh mà không cần hỗ trợ, qua đó khắc phục khả năng hủy niêm yết của HVN.
"Chúng tôi cần một thời gian không dài để Vietnam Airlines có lãi. Cũng không cần một thời gian quá dài để vốn chủ sở hữu dương nhưng có thể mất nhiều thời gian để xóa lỗ lũy kế", ông Trần Thanh Hiền nói.