Trường hợp nào được tăng mức hưởng BHYT?
Ông Hùng Anh (Đồng Tháp) hỏi, trường hợp nào được tăng mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) mà không cần cấp lại thẻ theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Tháp trả lời như sau:
Thực hiện Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ban hành công văn 6394/BHXH-TST, trong đó có quy định về người được tăng mức hưởng BHYT mà không cần cấp đổi thẻ như sau:
Đối với trường hợp chuyển đổi mã mức hưởng BHYT theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 75/2023/NĐ-CP: cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã tự động cập nhật dữ liệu mã hưởng BHYT nhưng không cấp lại thẻ BHYT cho người tham gia. Người tham gia sử dụng ứng dụng VSSID để kiểm tra quyền lợi BHYT được hưởng theo quy định trên và sử dụng thẻ BHYT cũ hoặc căn cước công dân có gắn chip để đi khám, chữa bệnh, cụ thể:
- Đổi mã mức hưởng BHYT từ 80% sang 100% đối với người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc (có mã đối tượng là KC) quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
- Đổi mã mức hưởng BHYT từ 80% sang 95% đối với người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình (có mã đối tượng PV) quy định tại khoản 19 Điều 3 Nghị định 146/2028/NĐ-CP.
Như vậy, những trường hợp được điều chỉnh tăng mức hưởng BHYT (từ 80% lên 95% và 100%) theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP gồm: người tham gia kháng chiến; người phục vụ người có công, thì cơ quan BHXH sẽ tự động cập nhật mã mức hưởng mới trên hệ thống mà không cấp lại thẻ BHYT.