Trường nghề 'tung chiêu' hút thí sinh

Mở nghề mới, thay tên nghề cũ, điều chỉnh cách xét tuyển… là những phương cách để trường nghề thu hút thí sinh hơn.

Song song với khối đại học, các trường đào tạo nghề ở hệ cao đẳng (CĐ) lẫn trung cấp đến thời điểm này cũng bắt đầu công tác tuyển sinh cho năm 2021. Để thu hút thí sinh, một số trường đã chủ động tăng cường tư vấn trực tuyến, nhận hồ sơ đăng ký online, tung ra nhiều nghề mới theo tên… “hot” hơn.

Các sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng trong một giờ thực hành nghề. Ảnh: PHẠM ANH

Các sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng trong một giờ thực hành nghề. Ảnh: PHẠM ANH

Mở rộng cách xét tuyển

Theo đề án tuyển sinh của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, năm nay trường xét tuyển 3.530 chỉ tiêu cho 24 ngành bậc CĐ và 300 chỉ tiêu bậc trung cấp cho bảy ngành.

Trong đó, bậc CĐ chỉ tiêu nhiều nhất vẫn ở nhóm các ngành “hot” như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, tiếng Anh…, mỗi ngành khoảng 250-300 chỉ tiêu.

Năm nay, trường cũng tuyển sinh chủ yếu dựa vào học bạ. Ngoài ra, trường cũng tuyển sinh, đào tạo thêm mô hình gắn kết với doanh nghiệp và trường CĐ Nhật Bản với 30 chỉ tiêu tuyển sinh. Đối tượng là những em trúng tuyển và nhập học ngành công nghệ thông tin hệ CĐ. Các em sẽ được xét tuyển thêm môn toán trong kỳ thi THPT quốc gia và phỏng vấn trực tiếp.

Còn tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm nay trường xét tuyển 8.505 chỉ tiêu. Trong đó, bậc CĐ hơn 5.000 chỉ tiêu và trung cấp hơn 3.100 chỉ tiêu cho 50 ngành.

Theo TS Lộc, hiện trường đã bắt đầu nhận đăng ký xét tuyển trực tuyến. Trường vẫn chủ yếu sử dụng hai phương thức xét tuyển dành cho bậc CĐ gồm xét điểm thi tốt nghiệp THPT (60% chỉ tiêu) và xét điểm học bạ trung bình năm lớp 12 (40% chỉ tiêu). Trong đó, trường tăng tỉ lệ cho xét điểm thi THPT thêm 5% so với năm trước để nâng cao chất lượng đầu vào hơn.

Năm nay, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng tuyển sinh với 4.500 chỉ tiêu. Nhiều chỉ tiêu nhất là các ngành công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô. Ngược lại, ngành hàn và nguội sửa chữa máy công cụ là ít chỉ tiêu nhất khi lần lượt là 40 và 90 chỉ tiêu.

Theo nhà trường, trường tiếp tục tuyển sinh theo ba phương thức, gồm xét điểm học bạ THPT (40% chỉ tiêu), xét điểm thi tốt nghiệp THPT (50%) và điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM (10%). Thí sinh có thể đăng ký nhiều phương thức.

Tuy nhiên, năm nay trường mở rộng thêm các đối tượng xét tuyển thẳng để thu hút thí sinh.

Tức ngoài các trường hợp đã được Bộ LĐ-TB&XH quy định như con gia đình chính sách, thí sinh đạt giải cao tại các cuộc thi trong và ngoài nước…, nhà trường bổ sung xét tuyển thẳng hai đối tượng. Đó là những em đã tốt nghiệp ĐH hoặc CĐ (muốn học thêm hoặc chuyển đổi ngành/nghề), những em là học sinh giỏi năm lớp 11 và ở học kỳ I của lớp 12, không quá 5% chỉ tiêu mỗi ngành/nghề.

Từ tháng 3 này, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM cũng đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển. Năm nay trường sẽ xét tuyển gần 1.400 chỉ tiêu cho 20 ngành CĐ, tăng gần 100 chỉ tiêu so với năm 2020. Với bậc trung cấp, trường tuyển gần 900 chỉ tiêu cho 13 ngành khác nhau. Trường xét tuyển chủ yếu dựa vào học bạ THPT của thí sinh.

Mở nghề mới, đổi tên nghề cũ

Những năm gần đây, khi các trường ĐH ngày càng được tự chủ và mở rộng phương thức tuyển sinh, cơ hội vào ĐH cho các thí sinh ngày càng rộng mở. Điều này khiến việc tuyển sinh ở các trường nghề trở nên khó khăn hơn.

Để thu hút thí sinh, bên cạnh việc mở rộng cách xét tuyển, việc mở thêm nhiều ngành/nghề mới cũng được các trường triển khai. Thậm chí, với nhiều ngành/nghề khó tuyển, một số trường cũng tính toán đổi tên mới để lôi kéo thí sinh.

Như tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, trong 50 ngành đào tạo của trường năm nay, trường mở thêm bảy ngành mới. Đó là logistics, quản trị du lịch, quản trị khách sạn, quản trị lữ hành, quản trị nhà hàng, nghiệp vụ nhà hàng và kỹ thuật làm bánh.

Theo TS Lộc, việc này nhằm mở rộng các ngành đào tạo theo những lĩnh vực trọng điểm, có nhu cầu nhân lực cao của TP.HCM và thêm lựa chọn cho thí sinh. Bên cạnh đó, trường tiếp tục tăng cường kết nối với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo việc làm tốt cho học sinh, sinh viên khi ra trường, từ đó tạo uy tín để thí sinh yên tâm vào học hơn.

Tại Trường CĐ Kỹ nghệ 2, trường mở đến năm đợt xét tuyển, chủ yếu bằng học bạ. Đặc biệt, để thu hút thí sinh vào những ngành nghề kén người học, nhà trường đưa ra nhiều chính sách cho các em. Như trường sẽ giảm 100% học phí (so với Nhà nước) đối với sinh viên theo học ngành xử lý nước thải công nghiệp (công nghệ nước). Trường cũng giảm 70% học phí đối với năm ngành: kỹ thuật xây dựng, cắt gọt kim loại, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ hàn, kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải.

Tương tự, ThS Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM, cho biết năm nay trường xét tuyển khoảng 1.200 chỉ tiêu cho 14 ngành CĐ và 480 chỉ tiêu cho tám nghề trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS.

Theo ThS Tuyền, điểm mới của năm nay, ngoài tăng cường ứng dụng tư vấn và xét tuyển trực tuyến, trường thực hiện miễn học phí ngay từ đầu cho học sinh trung cấp, thay vì phải đóng tiền khi nhập học, sau đó mới làm hồ sơ nhận lại.

Ngoài ra, trường đang làm hồ sơ để đổi tên những nghề kén thí sinh để thu hút các em hơn. Như nghề cắt gọt kim loại đổi thành công nghệ chế tạo, chế biến thực phẩm đổi thành công nghệ thực phẩm, nghề điện đổi thành điện tử công nghiệp…

“Thực chất việc đổi tên này chỉ như thay áo thôi, còn bản chất đào tạo vẫn như vậy. Vì những tên cũ nghe thô sơ quá nên dù vẫn tuyển đủ nhưng khó hơn, thí sinh ít chú ý. Tuy nhiên, trước mắt trường vẫn giữ song song cả tên mới lẫn tên cũ để duy trì việc đào tạo, dần dần mới thay thế hẳn” - ông Tuyền nói.•

Khoảng 2,5 triệu chỉ tiêu tuyển sinh nghề

Tính đến nay cả nước có 1.907 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 400 trường CĐ (308 trường công lập), 463 trường trung cấp (230 trường công lập), 1.044 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Theo thống kê, năm 2020 cả nước tuyển được 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch năm. Trong đó, trung cấp, CĐ đạt 580.000 người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác 1,7 triệu người.

Riêng tại TP.HCM có 57 trường CĐ, 64 trường trung cấp và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. Năm 2020, toàn TP có gần 339.000 học sinh, sinh viên nhập học, đạt gần 75% chỉ tiêu đề ra. Trong đó nhiều đơn vị có số lượng đăng ký đạt trên dưới 100% chỉ tiêu.

>

Năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 2,5 triệu người. Trong đó CĐ là 260.000 người; trung cấp là 340.000 người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1,9 triệu người. (Thống kê từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Sở LĐ-TB&XH TP.HCM)

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/truong-nghe-tung-chieu-hut-thi-sinh-973909.html