Trường PTDT nội trú của huyện sẽ ra sao khi sáp nhập xã, bỏ cấp huyện?

Sứ mệnh của trường dân tộc nội trú huyện vẫn còn nguyên giá trị, nhưng cần được điều chỉnh về phạm vi hoạt động, cơ cấu tổ chức và đơn vị quản lý.

Trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện tới đây sẽ hoạt động và chịu sự quản lý Nhà nước ra sao là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Tạp chí xin chia sẻ bài viết của thầy Nguyễn Văn Lam - Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa, Quảng Trị về nội dung này.

Trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện hiện nay được lập ra để giáo dục, phục vụ học sinh dân tộc thiểu số từ các xã thuộc một huyện.

Trường có vai trò, chức năng nhiệm vụ giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Từ khi ra đời cho đến nay, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú huyện trong toàn quốc đã thực hiện tốt sứ mệnh giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi và vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời góp phần thực hiện chính sách tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội miền núi, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập xã, bỏ cấp huyện, một số địa phương sáp nhập tỉnh.

Trong bối cảnh đó, về phân cấp quản lí, một số trường phổ thông dân tộc nội trú huyện được cấp tỉnh quản lí, nhưng đại đa số trường phổ thông dân tộc nội trú huyện thuộc huyện quản lí.

 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh minh họa: website nhà trường

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh minh họa: website nhà trường

Trong công văn số 1581 của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh vào tháng 4 vừa qua, Bộ đề nghị các địa phương giữ nguyên đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lí Nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non.

Riêng hệ thống Trường chuyên biệt phổ thông dân tộc nội trú huyện chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể.

Như vậy, trước mắt, theo công văn hướng dẫn thì trường phổ thông dân tộc nội trú huyện (cũ) sẽ chịu quản lí của chính quyền cấp xã.

Tuy nhiên, với hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú huyện từ trước đến nay có đối tượng tuyển sinh là tất cả các học sinh trong toàn huyện.

Vậy khi khi cấp huyện bị xóa bỏ, đối tượng tuyển sinh đối với trường phổ thông dân tộc nội trú chỉ một xã hay là liên xã? Đối tượng tuyển sinh 01 xã liệu có đủ học sinh để duy trì việc dạy học của một trường phổ thông dân tộc nội trú hay không?

Nếu tuyển sinh học sinh liên xã sẽ vướng mắc về cơ chế quản lí, các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Vấn đề này khiến không ít cán bộ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lí đang công tác giảng dạy ở những ngôi trường này tâm tư và phụ huynh có con em đang học tập ở Trường nội trú không ít rất băn khoăn.

Theo người viết, về phân cấp quản lí nên để trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện được chuyển giao lên cấp tỉnh quản lý, hoạt động như một cơ sở giáo dục chuyên biệt có nội trú cho vùng dân tộc, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính cũ.

Ngoài ra, trường có thể phát triển thành trường liên cấp II - III thuộc tỉnh để thực hiện sứ mệnh giáo dục học sinh dân tộc, tạo điều kiện học tập cho các em học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, đồng thời tiếp tục đào tạo nguồn học sinh đã được học tập 04 năm ở cấp trung học cơ sở.

Bên cạnh đó, với hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện… ở địa bàn thuận lợi thường có kết nối hạ tầng tốt hơn, nên việc xây dựng và nâng cấp phòng học, ký túc xá, phòng thí nghiệm, thư viện… thuận tiện và chất lượng hơn.

Hơn nữa, trường phổ thông dân tộc nội trú huyện đang đóng ở địa bàn trung tâm dễ tiếp cận nguồn điện, nước sạch, internet,… giúp học sinh học tập và sinh hoạt trong điều kiện đảm bảo hơn.

Học sinh và giáo viên được chăm sóc sức khỏe tốt hơn nhờ gần các cơ sở y tế, phòng khám, bệnh viện. Khi có tình huống khẩn cấp, việc xử lý sẽ nhanh và hiệu quả hơn

Với những vai trò, vị trí, tầm quan trọng của hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú huyện khi bỏ cấp huyện và sáp nhập tỉnh trong chiến lược phát triển đất nước, xây dựng con người mới, thực hiện công bằng trong giáo dục, làm đà để phát triển kinh tế - xã hội thì giáo dục dân tộc có vai trò ý nghĩa quan trọng.

Vì vậy, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú huyện vẫn rất cần thiết, vì chúng vẫn đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo quyền học tập cho học sinh dân tộc ở vùng sâu vùng xa.

Song để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mới chúng ta cần xây dựng chính sách chuyển đổi phù hợp, đảm bảo: Không để học sinh bị gián đoạn học tập; Giữ lại những trường có vị trí chiến lược, điều kiện tốt đồng thời tái cấu trúc theo mô hình trường nội trú liên xã cấp II-III.

Có như thế, Trường dân tộc nội trú có thể được tái định vị với sứ mệnh phục vụ học sinh thuộc nhiều xã và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bất kể ranh giới huyện trước đây.

Tóm lại, với mô hình chính quyền 2 cấp (xã – tỉnh), sứ mệnh của trường dân tộc nội trú huyện vẫn còn nguyên giá trị, nhưng cần được điều chỉnh về phạm vi hoạt động, cơ cấu tổ chức và đơn vị quản lý. Việc tái cơ cấu cần dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền học tập, bình đẳng và phát triển toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số – vốn là mục tiêu cốt lõi của hệ thống trường nội trú.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Văn Lam - Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-ptdt-noi-tru-cua-huyen-se-ra-sao-khi-sap-nhap-xa-bo-cap-huyen-post251389.gd