Trường Quản trị doanh nghiệp VN xưng 'nhà trường': Cần rà soát tránh hiểu lầm là CSGD

Các chuyên gia cho rằng, việc tổ chức xưng là nhà trường ít nhiều làm hỗn loạn danh xưng đối với các cơ sở giáo dục chính thống, người học khó phân biệt.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải các bài viết đề cập về việc, tổ chức có tên "Trường Quản trị doanh nghiệp Việt Nam" nhiều lần sử dụng cụm từ "Nhà trường" trên website dù đại diện của tổ chức này không phải là cơ sở giáo dục.

1. "Trường quản trị doanh nghiệp VN" xưng nhà trường nhưng không phải CSGD gây băn khoăn

2. Nhân viên tư vấn thi có "chống trượt", "Trường Quản trị doanh nghiệp VN" nói gì?

Sau khi bài viết được đăng tải đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Nhiều người gửi thư về tòa soạn bày tỏ rằng, việc một tổ chức xưng "Nhà trường" như đại diện tổ chức nêu là vì mục đích đạt được hiệu quả trong quảng cáo chiêu sinh ít nhiều sẽ gây nhầm lẫn với cơ sở giáo dục quốc dân khác với tiêu chuẩn điều kiện thành lập, hoạt động khắt khe. Đồng thời, điều này còn cho thấy "lỗ hổng" rất lớn trong quy định cho phép các tổ chức được đặt tên có chữ "trường" dễ gây nhầm lẫn.

 Cụm từ "Nhà trường" được sử dụng nhiều lần trên website tổ chức tên "Trường Quản trị doanh nghiệp Việt Nam". Ảnh chụp màn hình

Cụm từ "Nhà trường" được sử dụng nhiều lần trên website tổ chức tên "Trường Quản trị doanh nghiệp Việt Nam". Ảnh chụp màn hình

Cơ quan quản lý cần rà soát tổ chức không phải cơ sở giáo dục quốc dân nhưng lại gắn với chữ "Trường"

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc làm này của các tổ chức như vậy cần được các cơ quan quản lý rà soát và chấn chỉnh.

"Việc xã hội hóa giáo dục, đào tạo nghề là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó có việc tạo điều kiện cho các tổ chức tham gia vào hoạt động trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, dạy nghề, truyền nghề, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các tổ chức không phải là cơ sở giáo dục thực sự khi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục họ cũng cần phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật. Có nghĩa là, khi đã gọi là một cơ sở giáo dục thì cần phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí cụ thể và được sự thừa nhận của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Giáo dục là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì thế không phải một tổ chức không đủ các điều kiện mà tự xưng mình là nhà trường được. Như vậy dễ gây ra sự hỗn loạn trong tên gọi của các cơ sở giáo dục", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ thêm.

 Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: NVCC

Qua đó, theo nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cũng băn khoăn, nếu một tổ chức không phải là một cơ sở giáo dục nhưng trong tên đăng ký và con dấu của tổ chức đó có chữ "trường" liệu có đúng với quy định hay không. Cách để tên dễ gây sự nhầm lẫn như vậy, nếu là một cách để "lách luật" thì cũng cần có phương án chấm dứt việc này.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho rằng, thực trạng của việc một số tổ chức có chức năng chỉ là một trung tâm hoặc công ty nhưng lại dùng các từ ngữ dễ nhầm lẫn với cơ sở giáo dục thực thụ để quảng bá chiêu sinh là không hiếm.

"Qua đó, người học cần có sự tỉnh táo khi lựa chọn các cơ sở để tham gia học tập hoặc thi cấp chứng chỉ theo nguyện vọng cá nhân. Những cơ sở nào minh bạch, rõ ràng về pháp lý thì mới cân nhắc, lựa chọn, còn những nơi nào có sự mập mờ thì nên xem xét kỹ", Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, những tổ chức không phải là cơ sở giáo dục được cơ quan quản lý công nhận nhưng có hành vi dùng những từ ngữ dễ gây hiểu nhầm khi quảng bá hình ảnh, khiến đối tượng tiếp cận nhầm tưởng đó là trường học, cơ sở giáo dục cũng cần rà soát, xử lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ: "Đối với trường hợp không phải cơ sở giáo dục đã được báo chí phản ánh, các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương nơi các tổ chức này có trụ sở hoạt động cũng nên vào cuộc để chấn chỉnh. Những động thái kịp thời để yêu cầu các tổ chức này hoạt động nghiêm túc ngăn chặn sự hỗn loạn danh xưng trường học.

Nếu tổ chức đó là một trung tâm hoặc một công ty thì cũng cần giới thiệu rõ trên website của tổ chức đó là như thế, không thể để tồn tại sự nhập nhèm, làm người học dễ hiểu lầm".

 Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Bên cạnh đó, vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, cơ quan liên quan cần rà soát nếu hiện tại quy định có kẽ hở để tổ chức, công ty...có thể đăng ký tên đơn vị gắn với chữ "trường" thì cơ quan quản lý cần bổ sung thêm các quy định trong việc khống chế các tổ chức, đơn vị đặt tên gọi của mình để thể hiện đúng bản chất về chức năng của các tổ chức đó.

Theo vị đại biểu này, việc hỗn loạn danh xưng "nhà trường" ít nhiều làm ảnh hưởng đến các cơ sở giáo dục chính thống, vì thế cần bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý tên gọi khi đăng ký thành lập của một số tổ chức, công ty.

Dễ gây nhầm lẫn là cơ sở giáo dục

Trao đổi về sự việc này dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cũng đã nêu ra một số quan điểm.

Theo Luật sư Long, việc các tổ chức không phải là cơ sở giáo dục mà “tự xưng” là trường học, nhiều lần sử dụng cụm từ “Nhà trường” là việc sử dụng sai khái niệm, gây nhầm lẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục.

Hệ quả của hành vi này đến các cơ sở giáo dục thực sự có thể kể đến như sau: môi trường cạnh tranh không lành mạnh; giảm uy tín của các cơ sở giáo dục có chuyên môn, chất lượng cao khi bị nhầm lẫn; gây mất niềm tin cho các nhà đầu tư trong việc đầu tư phát triển giáo dục, chuyên môn.

 Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Đối với việc tổ chức tư nhân, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục để kinh doanh, thực hiện các hoạt động chuyên môn thì cần xin các giấy phép kinh doanh và các giấy phép con chứng minh năng lực hoạt động,.. Bên cạnh đó, việc tổ chức đó có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ hay không còn phải đáp ứng yêu cầu của từng lĩnh vực, ngành nghề; không phải tổ chức, cơ sở giáo dục nào cũng được phép cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ.

Luật sư Long cũng bày tỏ quan điểm rằng, việc các tổ chức dùng từ ngữ dễ gây nhầm lẫn với một cơ sở giáo dục dẫn đến tâm lý hoang mang cho đối tượng tìm hiểu khi không biết đơn vị nào mới là cơ sở giáo dục đã được cấp phép, đơn vị nào có chương trình giảng dạy, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ đúng theo quy định pháp luật. Việc người tìm hiểu hoang mang không biết đâu là đơn vị uy tín dẫn đến việc mất niềm tin, e ngại bỏ chi phí đăng ký tham gia học tập.

Qua đó, vị Luật sư này khuyến nghị người học cần tìm đến các cơ sở giáo dục được cấp phép, được liệt kê trong danh sách cơ sở giáo dục công bố tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan.

Ngoài ra, trước khi đăng ký tham dự các khóa học có thể yêu cầu các đơn vị là cơ sở giáo dục cung cấp hồ sơ năng lực để nắm rõ đâu là đơn vị có năng lực được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ; tìm đến các cơ sở học tập có địa chỉ rõ ràng, không nên tin tưởng các khóa học online, cấp chứng chỉ online mà các khóa học này không được cung cấp bởi các đơn vị giáo dục uy tín.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-quan-tri-doanh-nghiep-vn-xung-nha-truong-can-ra-soat-tranh-hieu-lam-la-csgd-post252805.gd