Trường Quốc tế tạo môi trường làm việc lý tưởng cho GV, nhà khoa học xuất sắc

Trường Quốc tế triển khai nhiều chính sách thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi, trở thành nơi hội tụ các nhà khoa học xuất sắc, chuyên gia trong và ngoài nước.

Thực tiễn cho thấy việc thu hút giảng viên, nhà khoa học xuất sắc đã khó, nhưng giữ chân họ còn khó hơn. Chế độ đãi ngộ có tác dụng to lớn trong việc thu hút nhân tài, nhưng chỉ chế độ cao thôi vẫn chưa đủ để giữ chân.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, để thu hút được phải có cơ chế, chính sách hấp dẫn đối với các nhà khoa học và các giảng viên, thứ nhất, cần tạo không gian tự chủ, sáng tạo hay nói cách khác là sự trao quyền. Thứ hai, là không gian đóng góp, cống hiến. Các giảng viên, nhà khoa học cần được tạo cơ hội làm chủ nhiệm các đề tài, dự án nghiên cứu lớn; mở rộng mạng lưới hợp tác trong và ngoài nước; tham gia đào tạo, hướng dẫn sinh viên xuất sắc, học viên cao học, nghiên cứu sinh để hiện thực hóa khát vọng đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Thứ ba, đó là không gian phát triển và thăng tiến. Các nhà khoa học cần được xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp như kế hoạch trở thành phó giáo sư, giáo sư, trở thành nhà khoa học đầu ngành, hướng đến các giải thưởng khoa học uy tín trong và ngoài nước.

 Giảng viên Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì một phiên tại Hội thảo quốc lần thứ 9 về Mạch tích hợp, thiết kế và kiểm chứng (ICDV 2024).

Giảng viên Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì một phiên tại Hội thảo quốc lần thứ 9 về Mạch tích hợp, thiết kế và kiểm chứng (ICDV 2024).

“Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai nhiều chính sách thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi, trở thành nơi hội tụ các nhà khoa học xuất sắc và chuyên gia trong và ngoài nước. Ngoài các chính sách thu hút giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và chuyên gia đến với Trường còn bởi môi trường làm việc năng động, nhân văn, thấu hiểu và có sự chia sẻ”, Tiến sĩ Chu Đình Tới –nhà khoa học xếp hạng 66.906 trong danh sách “100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng” trên thế giới chia sẻ với phóng viên.

Tập trung phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ căn cốt

Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị giáo dục đại học phát triển theo mô hình đào tạo gắn liền với nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực; nhằm bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến các kết quả nghiên cứu có ảnh hưởng ở trong và ngoài nước.

 Trường Quốc tế đang triển khai nhiều chính sách thu hút các giảng viên, nhà khoa học giỏi.

Trường Quốc tế đang triển khai nhiều chính sách thu hút các giảng viên, nhà khoa học giỏi.

Hàng năm, Nhà trường xác định một cách chi tiết và rõ ràng các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động khoa học công nghệ và cụ thể hóa các KPI trong khung chỉ tiêu hoạt động. Các chủ trương, chính sách, cũng như các hoạt động nhằm đa dạng hóa và thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ thường xuyên được triển khai đổi mới như: chủ trì/đồng chủ trì các hội thảo khoa học quốc tế được chỉ mục trong hệ thống Scopus để tạo ra cộng đồng nghiên cứu và công bố; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, giảng viên tham gia viết bài, trình bày báo cáo tại các hội nghị khoa học quốc tế uy tín; thưởng công bố cho các nhà khoa học có năng lực công bố quốc tế tốt và hỗ trợ công bố quốc tế cho các nhà khoa học.

 Các nhà khoa học của Trường Quốc tế tham gia chương trình Trại nghiên cứu – Research Camp – một chương trình có rất nhiều ý tưởng khoa học

Các nhà khoa học của Trường Quốc tế tham gia chương trình Trại nghiên cứu – Research Camp – một chương trình có rất nhiều ý tưởng khoa học

Trường Quốc tế cũng đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu, đặc biệt là các nhóm nghiên cứu liên ngành để phát triển các hướng nghiên cứu mới, các chương trình đào tạo mới có tính ứng dụng, thực tiễn cao, hoặc có triển vọng tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ nằm trong chiến lược phát triển của mình. Các nhóm nghiên cứu được ưu tiên giao các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở để thực hiện các nghiên cứu thăm dò ban đầu, cũng như tăng cường khả năng hợp tác nghiên cứu của nhóm trong và ngoài nước hoặc mời các chuyên gia, học giả cùng tham gia vào nhóm. Trưởng các nhóm nghiên cứu là các nhà khoa học cơ hữu, có năng lực chuyên môn tốt. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tạo cơ chế, chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học bên ngoài tham gia với tư cách đồng trưởng nhóm.

Đặc biệt, từ năm 2016, với mục tiêu chiến lược trở thành Hub giáo dục quốc tế uy tín tại Việt Nam, nhà trường triển khai chương trình thu hút học giả, bao gồm cả học giả là người Việt Nam ở nước ngoài. Các học giả về dẫn dắt, chủ trì, tham gia vào các chương trình nghiên cứu giảng dạy. Thông qua chương trình này, Trường Quốc tế tạo được làn sóng chuyển dịch, “hút” “người giỏi” về làm việc và cống hiến cho đất nước.

Trong những năm qua, Trường Quốc tế đã được đón nhiều lượt học giả người nước ngoài và Việt kiều đến giảng dạy, cùng nghiên cứu hay tư vấn chính sách phát triển. Một trong số các học giả uy tín đó là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương - nhà khoa học kinh tế và tài chính hàng đầu thế giới, nhà kinh tế trẻ xuất sắc của thế giới do có ấn phẩm xuất bản nhiều nhất từ 10 năm trở lại đây.

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương – nhà khoa học lọt top các nhà khoa học kinh tế và tài chính hàng đầu thế giới.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương – nhà khoa học lọt top các nhà khoa học kinh tế và tài chính hàng đầu thế giới.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương là chuyên gia tư vấn chính sách phát triển của Nhà trường, là người kết nối nhiều học giả lớn đến làm việc tại Trường Quốc tế. Nhờ “đứng trên vai những người khổng lồ", thu hút nguồn lực bên ngoài, nhà trường đã tạo ra những cú huých từ nội lực.

“Đất lành chim đậu”

Thực tiễn cho thấy việc thu hút nhà nghiên cứu, giảng viên giỏi đã khó, nhưng giữ chân họ còn khó hơn. Chế độ đãi ngộ có tác dụng to lớn trong việc thu hút người giỏi, nhưng chỉ chế độ cao thôi vẫn chưa đủ để giữ chân. Trong quá trình làm việc, việc giữ chân chuyên gia, giảng viên giỏi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như cách sử dụng, quản lý, môi trường làm việc, điều kiện làm việc để kích thích sự sáng tạo, khát khao cống hiến, tạo dựng sự gắn bó với cơ quan, tổ chức…

Tiến sĩ Chu Đình Tới – Trưởng Khoa Các khoa học ứng dụng/ Giám đốc Trung tâm Y sinh và Sức khỏe cộng đồng cho rằng: “Chính sách thu hút và môi trường làm việc của Trường Quốc tế được tạo ra trên nên tảng chiến lược rõ ràng và là sự quyết tâm cao của Đảng ủy, Ban lãnh đạo và toàn thể giảng viên, cán bộ để nhằm tạo ra môi trường giáo dục đại học chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, vì người học và lấy người học làm trung tâm, lấy sự đáp ứng nhu cầu xã hội là thước đo và tiêu chí phát triển".

 Tiến sĩ Chu Đình Tới –nhà khoa học xếp hạng 66.906 trong danh sách “100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng”.

Tiến sĩ Chu Đình Tới –nhà khoa học xếp hạng 66.906 trong danh sách “100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng”.

Còn theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Quang Tuyến – nhà khoa dẫn đầu về công bố quốc tế trong Đại học Quốc gia Hà Nội 3 năm liên tiếp đánh giá cao về môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ của nhà trường. “Trường Quốc tế luôn tôn trọng sự khác biệt, là nơi nuôi dưỡng đam mê của các nhà nghiên cứu, giảng viên. Nhà trường luôn lấy hiệu quả công việc làm tiêu chí chính, có nhiều đãi ngộ tốt, tôn trọng sự tự do trong công việc và biết cách khuyến khích sáng tạo. Một điểm đặc biệt khác Trường là nơi quy tụ nhiều giảng viên, nhà khoa học tốt nghiệp từ nhiều các trường đại học hàng đầu thế giới nên tại đây có môi trường làm việc đa văn hóa, hội nhập, cởi mở và thân thiện”, Tiến sĩ Trần Quang Tuyến bày tỏ.

 TS Trần Quang Tuyến – nhà khoa dẫn đầu về công bố quốc tế trong Đại học Quốc gia Hà Nội 3 năm liên tiếp.

TS Trần Quang Tuyến – nhà khoa dẫn đầu về công bố quốc tế trong Đại học Quốc gia Hà Nội 3 năm liên tiếp.

Theo các giảng viên, nhà khoa học trẻ của Trường Quốc tế, mặc dù quy mô còn hạn chế, nhưng nhà trường đã thu hút được khá nhiều các học giả nổi bật trong nhiều lĩnh vực (từ kinh tế đến khoa học ứng dụng).

“Trong lĩnh vực kinh tế, ai cũng biết đến hai nhà khoa học là Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường và Tiến sĩ Trần Quang Tuyến. Và hai “cây đa cây đề” ấy đang làm việc tại Trường Quốc tế, điều này giúp những nhà khoa học trẻ như chúng tôi có cơ hội và môi trường để gặp gỡ trao đổi về vấn đề học thuật. Ngoài ra, về tài chính, điều ấn tượng là đến nay sau gần 2 năm công tác, tôi không có hoặc hiếm khi thấy các thầy/cô phải chật vật với các nguồn thu nhập phi chính thức. Nói cách khác, thì sự minh bạch của Nhà trường trong lương thưởng khiến cho công việc làm nghiên cứu rõ ràng hơn và đỡ "tốn" thời gian vào các việc hành chính hơn”, Thạc sĩ Lê Văn Đạo - nhà khoa dẫn đầu về công bố quốc tế trong Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023, cho hay.

 Thạc sĩ Lê Văn Đạo – nhà khoa học trẻ dẫn đầu về công bố quốc tế trong Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023.

Thạc sĩ Lê Văn Đạo – nhà khoa học trẻ dẫn đầu về công bố quốc tế trong Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2023.

Được biết, Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang đạt được nhiều thành tựu, kết quả ấn tượng trên các mặt hoạt động, với những chỉ số thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của các cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên. Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, nhà trường bắt đầu bước sang một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải có nhiều thay đổi, đột phá hơn trên các lĩnh vực hoạt động. Và việc thu hút và “giữ chân” giảng viên, nhà khọc giỏi vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong chiến lược phát triển của nhà trường.

Thùy Lâm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-quoc-te-tao-moi-truong-lam-viec-ly-tuong-cho-gv-nha-khoa-hoc-xuat-sac-post244502.gd