Trường Sư phạm Khu Tây Nam bộ, một chặng đường vinh quang

Đến đầu xuân năm nay, Trường Sư phạm Khu Tây Nam bộ tròn 62 tuổi tính từ ngày khóa đầu tiên khai giảng. Trường có nhiều đóng góp trong sự nghiệp kháng chiến của nhân dân miền Tây nói riêng, cả nước nói chung.

Chỉ thời gian ngắn sau ngày Đồng Khởi, trong bối cảnh vùng giải phóng mới được mở nhưng còn hạn hẹp, thế giặc mạnh, hoạt động của các cơ quan kháng chiến nhiều khó khăn, đầu năm 1961, Tiểu ban Giáo dục Khu Tây Nam bộ, theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Khu mở lớp đào tạo cán bộ giáo dục. Lớp đào tạo đầu tiên này mở cho tỉnh Cà Mau cũng là để rút kinh nghiệm chung cho việc mở các khóa sau. Trong hoàn cảnh lúc đó, nếu so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch thì đây là chủ trương táo bạo nhưng sáng suốt, đúng đắn nhằm chuẩn bị lực lượng cán bộ có trình độ học vấn, nguồn nhân lực quan trọng cho yêu cầu của cách mạng giai đoạn tới.

Địa điểm lớp học được mở trong khu vực rừng đước, thuộc xã Tân An, huyện Ngọc Hiển. Lớp có khoảng 50 học viên của các huyện trong tỉnh, thời gian học khoảng 4 tháng. Đồng chí Hồ Thế Hành - cán bộ Ban Tuyên văn giáo Khu được phân công hướng dẫn và chỉ đạo lớp học. Đến điểm trường, thầy và trò cùng đốn cây, chằm lá dựng nhà và hội trường để dạy và học.

Đến cuối năm 1961, lớp thứ hai đào tạo cán bộ giáo dục được mở tại kênh Tuần Thơm, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá. Học viên của lớp gần như có đủ ở các tỉnh trong Khu. Lớp này do đồng chí Cao Thanh Viễn (Mười On) - ủy viên Ban Tuyên huấn Khu phụ trách. Nội dung chương trình học gồm đường lối cách mạng miền Nam và đường lối giáo dục kháng chiến. Ngoài ra còn có phần công tác chuyên môn như giáo dục phổ thông và bình dân học vụ, xây dựng bộ máy giáo dục, công tác đấu tranh với địch trên mặt trận giáo dục và rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng.

Giáo viên, học viên Trường Sư phạm Khu Tây Nam bộ trong lần họp mặt năm 2013 tại Bạc Liêu.

Giáo viên, học viên Trường Sư phạm Khu Tây Nam bộ trong lần họp mặt năm 2013 tại Bạc Liêu.

Từ năm 1961-1965 có 5 lớp đào tạo cán bộ giáo dục được mở, đào tạo nhiều cán bộ cho phong trào giáo dục toàn khu. Đội ngũ cán bộ này trở thành những hạt giống đầu tiên của phong trào học tập văn hóa của các cơ quan, lực lượng vũ trang và nhân dân các địạ phương toàn Khu Tây Nam bộ, bước đầu tạo các phong trào chăm lo xây dựng công tác giáo dục ở các địa bàn từng tỉnh.

Việc chỉ đạo mở trước các lớp đào tạo cán bộ giáo dục để chuẩn bị lực lượng cán bộ phong trào có kiến thức về giáo dục, cung cấp cho các địa bàn trong khu, vận động nhân dân tham gia học tập văn hóa, thể hiện tư tưởng đi trước, tầm nhìn xa, trông rộng, mang tính chiến lược lâu dài của lãnh đạo Khu ủy Khu Tây Nam bộ, bởi vấn đề cán bộ là một trong những chiến lược quan trọng nhất trong đường lối cách mạng của Đảng, không chỉ lúc này mà còn là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong toàn bộ chặng đường sự nghiệp cách mạng của Đảng ở Việt Nam trong hơn 90 năm qua.

Bước tiếp theo sau đó là mở các lớp sư phạm đào tạo đội ngũ giáo viên để đảm trách việc dạy học cho lực lượng cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân các địa bàn. Đây là bước tạo ra những cái “máy cái” theo cách nói của ngành giáo dục. Từ năm 1964, lớp sư phạm đầu tiên được mở, đào tạo giáo viên cho các tỉnh trong toàn khu. Lớp này đặt địa điểm tại xã Bảy Đồng, huyện Tư Kháng, tỉnh Cà Mau (nay thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) do đồng chí Hồ Quảng Hành (Tám Hồ) phụ trách.

Lớp thứ hai mở từ năm 1965-1966 tại Nhà Hội xã Tân An (Tam Giang) huyện Duyên Hải, hiệu trưởng là thầy Mai Văn Giai (Bảy Tân) phụ trách. Tiếp theo đó là các lớp mở ra ở các địa bàn khác của tỉnh Cà Mau hay Rạch Giá để đào tạo nhiều giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu phong trào của các tỉnh trong vùng.

Từ năm 1966 đến ngày toàn thắng 30-4-1975, Tiểu ban Giáo dục Khu Tây Nam bộ mở song hành các lớp đào tạo cán bộ giáo dục và giáo viên đứng lớp giảng dạy cho người lớn và trẻ em. Việc chuyển địa điểm mở lớp đào tạo suốt 14 năm, từ năm 1961 đến năm 1975 là do tình hình chiến trường Khu Tây Nam bộ có lúc diễn ra ác liệt nên có lúc trường đóng ở khu vực đồng bằng, có lúc phải trở lại rừng đước Cà Mau hay vào rừng U Minh Hạ nhằm đảm bảo an toàn cho thầy và trò.

Tuy vậy, có lần địch đổ quân gần địa điểm của trường như lớp năm 1968-1969 tại lung Cá Trê, rạch Bông Súng, xã Tân An do thầy Nguyễn Hoàng Minh (Bảy Minh) phụ trách, gây khó khăn lớn cho thầy trò và cán bộ, nhân viên do phải nhanh di chuyển để tránh bom đạn và bộ binh địch càn quét, lùng sục, đánh phá.

14 năm tồn tại và hoạt động, Trường Sư phạm Khu Tây Nam bộ mở 14 lớp, trong đó có 7 lớp đào tạo cán bộ giáo dục và 7 lớp đào tạo giáo viên với khoảng 600 học viên. Không thể kể hết những gian khổ, hiểm nguy đội ngũ thầy trò và cán bộ, nhân viên của trường trải qua trong những năm tháng ấy. Cả thầy lẫn trò, dù nhiệm vụ chính là dạy và học nhưng lúc nào cũng trong tư thế tay sách, tay súng, sẵn sàng di chuyển, sẵn sàng chống địch càn quét vào căn cứ.

Chỉ có thể dùng hình ảnh và ngôn ngữ thầy giáo chiến sĩ mới chính xác cho quá trình dạy và học của thầy trò Trường Sư phạm Khu Tây Nam bộ trong chặng đường 14 năm gian khổ, hy sinh của chiến trường miền Tây trong giai đoạn ấy. Nhiều lúc thầy và trò trở thành những chiến sĩ thực thụ khi chỉ mấy phút trước thầy còn đứng trên bục giảng, trò nghiêm trang nghe thầy cô giảng bài nhưng mấy phút sau phải nắm chắc tay súng dưới công sự chờ giặc tới.

Qua những lớp sư phạm, dù là đào tạo cán bộ giáo dục hay đào tạo giáo viên, đội ngũ này đều trở thành những cán bộ nòng cốt của phong trào giáo dục các địa phương trong khu. Hơn thế nữa, đội ngũ này lại tiếp bước tổ chức đào tạo giáo viên cho các địa bàn huyện, xã trong từng tỉnh, tạo ra hình thái phát triển rộng mở ở các địa bàn, góp phần đắc lực trong việc nâng cao lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc và trình độ học vấn cho cán bộ, bộ đội và nhân dân, góp phần nâng hiệu quả công tác và hiệu suất chiến đấu trên chiến trường cho bộ đội.

Nhiều cán bộ giáo dục và giáo viên Trường Sư phạm Khu Tây Nam bộ nhanh chóng trưởng thành qua thực tiễn chiến trường và phong trào, trở thành cán bộ quan trọng ở các ngành, địa phương thời gian này và về sau, kể cả sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Có thể mạnh dạn khẳng định tự hào rằng truyền thống của Trường Sư phạm Khu Tây Nam bộ là trang vàng trong lịch sử của ngành giáo dục kháng chiến miền Nam và của đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

Cuộc họp mặt lần thứ 7 này ở thành phố biển Rạch Giá là một hoạt động cụ thể, nằm trong mục tiêu củng cố, phát huy, nhân rộng truyền thống tốt đẹp của ngôi trường sư phạm kháng chiến một thời hoa lửa mà hào hùng, lan tỏa tư tưởng và tinh thần chỉ đạo của Đảng mà Bác Hồ kính yêu đã dặn trong Di chúc trước lúc Người đi xa: “Làm cho nhân dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...”.

Xin chúc các nhà giáo Trường Sư phạm Khu Tây Nam bộ tiếp tục giương cao hơn nữa ngọn đuốc sư phạm vinh quang, ngọn đuốc Bác Hồ kính yêu, thầy giáo Nguyễn Tất Thành luôn giương cao trong suốt cuộc đời vĩ đại của Người.

VIỆT THANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//giao-duc/truong-su-pham-khu-tay-nam-bo-mot-chang-duong-vinh-quang-13307.html