Trường THCS Lê Ngọc Hân tiếp tục nỗ lực để đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2

Chiều 31-7, tiếp tục chương trình khảo sát chuyên đề, Đoàn khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang do đồng chí Tạ Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn khảo sát có buổi làm việc với Trường Trung học cơ sở (THCS) Lê Ngọc Hân (TP. Mỹ Tho) về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang'.

Tham gia Đoàn khảo sát có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.

Đồng chí Tạ Minh Tâm phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Tạ Minh Tâm phát biểu tại buổi làm việc.

Trường THCS Lê Ngọc Hân là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP. Mỹ Tho, chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Mỹ Tho.

Quy mô phát triển của đơn vị thuộc trường loại 1 với biên chế 79 lớp. Hiện nay, trường có 160 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó viên chức 150 người, lao động hợp đồng 10 người; trình độ đại học và trên đại học có 135 giáo viên.

Theo Ban Giám hiệu nhà trường, thời gian qua, thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhà trường đã xây dựng Đề án vị trí việc làm và ban hành Quyết định số 180/QĐ-THCSLNH ngày 13-6-2024 về việc phân công nhiệm vụ viên chức vào vị trí việc làm theo danh mục Đề án vị trí việc làm của UBND TP. Mỹ Tho. Đơn vị thực hiện việc sử dụng viên chức theo quy định của pháp luật; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức hằng năm; thực hiện việc sắp xếp, bố trí viên chức theo Đề án vị trí việc làm.

Đối với việc thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21- 6-2021 của Chính phủ Quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Trường THCS Lê Ngọc Hân thuộc nhóm 4. Đơn vị đã chủ động xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ; quản lý và sử dụng tài sản công phù hợp và đúng theo quy định; thực hiện công khai, minh bạch về tài chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về điện, nước, điện thoại, công tác phí, văn phòng phẩm, hội họp, từ đó nâng cao chất lượng đời sống của cán bộ, viên chức, nhân viên.

Bên cạnh đó, nhà trường đã thực hiện Đề án cho thuê tài sản công (mặt bằng bán căng tin, mặt bằng giữ xe, mặt bằng bán văn phòng phẩm) sau khi đã được phê duyệt của UBND tỉnh Tiền Giang. Từ khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, quy trình xử lý công việc từng bước được đơn giản, quy định rõ trách nhiệm từng bộ phận, cá nhân, nhờ đó chất lượng, hiệu quả công việc tại các bộ phận tăng lên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị về cơ bản đáp ứng yêu cầu của công việc chuyên môn...

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Trong những năm qua, tập thể cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường đã hoàn thành suất xắc các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được giao phó; 100% học sinh có hạnh kiểm tốt/khá, 99,88% xếp loại về học lực từ trung bình trở lên, trong đó học sinh giỏi/tốt chiếm 66,1%, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên qua từng năm...

Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường, tháng 10-2023, Đoàn đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo về kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả Trường THCS Lê Ngọc Hân đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 1. So với đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 (trường chuẩn Quốc gia mức độ 1) thì nhà trường không đạt ở 2 tiêu chí 1.5 (Lớp học) và 2.3 (Đối với nhân viên) của Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT về kiểm định chất lượng, công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường THCS.

Lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho phát biểu tại buổi làm việc.

Lãnh đạo UBND TP. Mỹ Tho phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát, lãnh đạo nhà trường, các sở, ban, ngành liên quan đã làm rõ thêm một số vấn đề nhà trường còn gặp khó khăn như: Những bất cập trong việc quy định quy mô trường lớp, yêu cầu ngày càng giảm biên chế trong khi số lượng học sinh ngày càng tăng, không chỉ học sinh ở TP. Mỹ Tho, mà còn giải quyết nhu cầu của học sinh các địa phương lân cận, gây khó khăn cho nhà trường trong việc đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo; vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, một số bộ môn thiếu giáo viên.

Trường THCS Lê Ngọc Hân là một trường THCS có quy mô trường lớp tương đối lớn, số lượng học sinh đông, trường hiện có 2 cơ sở. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 120/2020/NĐ-CP và Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT, nhà trường vẫn chỉ được biên chế hai phó hiệu trưởng, nên công tác quản lý còn gặp khó khăn... Ngoài ta, theo Đề án vị trí việc làm được phê duyệt, trường còn thiếu nhân viên thiết bị trường học, đang phân công giáo viên kiêm nhiệm.

Lãnh đạo Trường THCS Lê Ngọc Hân trả lời làm rõ các vấn đề đại biểu đặt ra.

Lãnh đạo Trường THCS Lê Ngọc Hân trả lời làm rõ các vấn đề đại biểu đặt ra.

Đoàn khảo sát ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo nhà trường. Trên cơ sở đó, Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp và xem xét chuyển ý kiến, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền của Trung ương và địa phương để có giải pháp tháo gỡ những bất cập, hạn chế, nhất là những bất cập về mặt cơ chế, chính sách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới…

THU HOÀI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202407/truong-thcs-le-ngoc-han-tiep-tuc-no-luc-de-dat-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-cap-do-2-1017124/