Trường THPT Chuyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) tiếp nhận phòng thí nghiệm STEM
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều nước đưa trí tuệ nhân tạo (AI) thành môn học bắt buộc từ bậc trung học, hoặc tích hợp vào môn Tin học.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng thăm phòng thực hành giáo dục STEM của Trường THPT Chuyên (Tường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Ngày 19/5, Trường THPT Chuyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) tổ chức Lễ công bố Quyết định và gắn biển Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Trong khuôn khổ của buổi lễ, nhà trường cũng tiếp nhận phòng thí nghiệm STEM từ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng.
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, một số nước đã đưa AI thành môn học bắt buộc từ THPT, hoặc tích hợp vào môn tin học, hoặc chương trình STEM, hoặc kỹ năng số.
Không dạy nặng về thuật toán, lập trình, họ tập trung vào khái niệm, vai trò của AI trong cuộc sống, ứng dụng trong học tập, phân biệt thật - giả, không lạm dụng hoặc bị lạm dụng, dạy tư duy về đạo đức AI, quyền riêng tư, sự thiên vị của thuật toán. Hiểu công nghệ AI, làm chủ công nghệ AI để không bị nó biến mình thành thụ động.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại chương trình.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, STEM là cách kết hợp giáo dục tích hợp liên ngành và dựa vào thực hành, giải quyết vấn đề của thực tiễn. Học sinh phải làm việc nhóm, sáng tạo giải pháp, vận dụng kiến thức để thiết kế thực hành về trình bày, phản biện. Các em học được tư duy thử nghiệm, hành động và giải quyết vấn đề.
“Hỏi - Thử - Sai - Cải tiến chính là học hỏi và học hành” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ và cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu phát triển các hệ thống STEM phục vụ giáo dục.
Chia sẻ tại buổi lễ, TS.NGƯT Vũ Văn Tiến – Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho hay, trải qua 59 năm hình thành và phát triển, từ một khối chuyên đơn môn, nay trường có đầy đủ các lớp chuyên với quy mô gần 2.000 học sinh.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Nhà trường chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong giảng dạy. Cùng với đó, giáo dục STEM và khoa học công nghệ đã được đưa vào chương trình giảng dạy và hoạt động ngoại khóa.
Trường đã thành lập các Câu lạc bộ STEM, Robocom, AI, tổ chức các buổi học trải nghiệm, thực hành nghiên cứu khoa học – công nghệ cho học sinh. Nhiều dự án nghiên cứu của học sinh đã đạt giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế.
Mới đây, học sinh của trường phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phân tích dữ liệu học tập, xây dựng robot tự động cho các cuộc thi Robocon học sinh – những thành tựu bước đầu nhưng đầy triển vọng.

Bộ Khoa học và Công nghệ tặng phòng giáo dục STEM cho Trường THPT Chuyên (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Cũng theo TS. NGƯT Vũ Văn Tiến, nhà trường tích cực kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp công nghệ, nhằm đưa thực tiễn vào bài học, tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với xu hướng khoa học kỹ thuật hiện đại của thế giới.
Phát triển STEM là hướng đi tích cực cho giáo dục, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH phạm Hà Nội nhìn nhận và cho rằng, để có nguồn lực STEM chất lượng cao trong tương lai, cần bắt đầu từ giáo dục phổ thông.
“Khi học sinh được nuôi dưỡng niềm đam mê STEM từ sớm, biến STEM trở thành một phần không thể thiếu trong học tập, đó sẽ là động lực mạnh mẽ để các em phát triển thành những chuyên gia trong lĩnh vực này” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn trao đổi.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH phạm Hà Nội chia sẻ tại buổi lễ.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy STEM cho các trường phổ thông. PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho hay, nhà trường tập trung đào tạo STEM bài bản, có hệ thống.
Những năm gần đây, nhà trường triển khai chương trình đào tạo giáo viên Khoa học tự nhiên, trong đó tích hợp định hướng và phương pháp STEM vào nội dung giảng dạy. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn xây dựng phòng Lab STEM dành cho học sinh THPT thuộc nhà trường, đồng thời tạo điều kiện để các em trải nghiệm và thực hành kiến thức khoa học, công nghệ.