Trường THPT Hoàng Văn Thụ - điểm sáng dạy tốt, học tốt

Nằm trên địa bàn huyện thuần nông, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh, nhưng với quyết tâm cao, tinh thần vượt khó vươn lên, thầy và trò Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản) đã khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, đưa nhà trường trở thành đơn vị có kết quả giáo dục đứng trong tốp đầu các trường THPT của tỉnh. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Nằm trên địa bàn huyện thuần nông, điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của tỉnh, nhưng với quyết tâm cao, tinh thần vượt khó vươn lên, thầy và trò Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản) đã khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, đưa nhà trường trở thành đơn vị có kết quả giáo dục đứng trong tốp đầu các trường THPT của tỉnh. Kết quả đỗ tốt nghiệp THPT của trường hàng năm đạt 100%; kết quả thi học sinh giỏi (HSG) các môn văn hóa liên tục xếp thứ hạng cao trong tỉnh; tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng đạt 70-75%.

Một giờ học ở Trường THPT Hoàng Văn Thụ.

Một giờ học ở Trường THPT Hoàng Văn Thụ.

Nhà giáo Hoàng Trung Sâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy và học, nhiều chủ trương, biện pháp đã được Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo thực hiện. Trường có 30 lớp với tổng số 1.186 học sinh, 81 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn, 10% trên chuẩn. Hiện tại, trường có cơ sở vật chất khang trang trên tổng diện tích hơn 17 nghìn m2 với 30 phòng học sạch, đẹp và hệ thống phòng làm việc, phòng chức năng, khu tập luyện thể thao rộng rãi, đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu dạy và học. Tập thể lãnh đạo quản lý nhà trường luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ nhà giáo; chú trọng xây dựng đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, phương pháp sư phạm vững vàng, tận tâm với nghề, đồng thời tăng cường nền nếp, kỷ cương và chất lượng, hiệu quả trong mọi lĩnh vực công tác. Trường chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành GD và ĐT phát động. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức đánh giá học sinh phù hợp với định hướng dạy học tích cực nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và rèn luyện ý thức, phương pháp tự học của học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Tập trung nâng cao năng lực của giáo viên chủ nhiệm lớp, của các tổ chức Đoàn, Hội, gia đình và cộng đồng trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho học sinh...

Đặc biệt, nhà trường chú trọng đổi mới cơ chế quản lý, bồi dưỡng, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn. Trong phân công nhiệm vụ, coi trọng việc phân công theo năng lực, trình độ: đội ngũ giáo viên trên chuẩn, kinh nghiệm giảng dạy tốt luôn là lực lượng cốt cán và được giao các nhiệm vụ chủ chốt về chuyên môn. Qua đó năng lực sư phạm và ý thức nghề nghiệp của đội ngũ được nâng lên rõ rệt. Nhà trường căn cứ kết quả những năm học trước (kết quả các hoạt động mũi nhọn như: hội thi giáo viên dạy giỏi, làm chuyên đề, viết sáng kiến kinh nghiệm, bồi dưỡng HSG, phụ đạo học sinh yếu) để phân công cụ thể những giáo viên giỏi trong tổ, nhóm chuyên môn kèm cặp giúp đỡ giáo viên yếu hơn. Yêu cầu các tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên đổi mới phương thức tổ chức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh với nhiều giải pháp: Xây dựng hệ thống đề kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực học sinh nhằm nâng cao kết quả kiểm tra thường xuyên và định kỳ; xây dựng ma trận và biên soạn đề thi, kiểm tra theo định hướng đề khảo sát tốt nghiệp THPT... Triển khai thực hiện việc đánh giá thường xuyên kết quả dạy học, giáo dục học sinh qua các hình thức mới: hoạt động trên lớp; hồ sơ học tập, chấm vở; kết quả thực hành, thí nghiệm; bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập; tăng cường kiểm tra các năng lực môn học: kỹ năng nghe, nói đối với môn Ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng máy tính trong giải Toán, năng lực sáng tạo trong trả lời các dạng câu hỏi mở, giải quyết tình huống thực tiễn… Tổ chức các kỳ kiểm tra định kỳ chung để khảo sát chất lượng dạy học và đánh giá năng lực học sinh. Qua việc phân tích kết quả, nhà trường có điều chỉnh các định hướng đối với công tác giảng dạy và kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao năng lực cho học sinh. Đặc biệt, đối với khối cuối cấp, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp điều kiện thực tiễn, trong đó chú trọng đến việc củng cố, nắm vững kiến thức gốc chương trình lớp 12, bổ sung các chủ đề nâng cao để học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; định hướng kiến thức và kỹ năng cho học sinh có thể tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ban Giám hiệu tăng cường kiểm tra, đôn đốc quá trình chuẩn bị giáo án, kế hoạch dạy học và việc lên lớp của thầy cô, việc học tập của học sinh; tổ chức khảo sát, thi thử, nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm; xen kẽ việc ra đề theo định hướng kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy. Giáo viên ôn thi phải phân loại đối tượng học sinh, xác định rõ mục tiêu đối với từng nhóm học sinh để lên kế hoạch ôn tập: Nhóm tránh điểm “liệt”, nhóm đạt 5 điểm, nhóm đạt 7-8 điểm; nhóm đạt 9-10 điểm; Phân loại đối tượng học sinh theo mục tiêu (tốt nghiệp, đại học, xét tuyển, tránh điểm “liệt”…) để tập trung ôn tập, rèn kỹ năng, đảm bảo tính vừa sức; dạy kèm thật sát sao, hiệu quả cho đối tượng học sinh yếu...

Với những giải pháp đó, phong trào “Dạy tốt - Học tốt” của nhà trường phát triển thiết thực, có chiều sâu, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên. Nhiều năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của nhà trường luôn đạt 100%, nằm trong tốp đầu các trường THPT của tỉnh. Điểm bình quân thi tốt nghiệp THPT: năm 2019 đứng thứ 3; năm 2021 đứng thứ 2; riêng năm 2022 đứng thứ 2 toàn tỉnh, chỉ sau Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Trong kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh năm 2019 và năm 2021, đội tuyển của trường đạt giải Nhì toàn đoàn; năm 2022 giải Nhất toàn đoàn. Nhiều thầy, cô tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã đạt được những thành tích đáng tự hào: Năm 2022, thầy Phạm Văn Bảo, bồi dưỡng đội tuyển HSG Vật lý 12 đứng thứ Nhất tỉnh; cô Phan Thị Tin, bồi dưỡng đội tuyển HSG Ngữ văn 11 đứng thứ Nhì tỉnh; thầy Ngô Mạnh Hùng, bồi dưỡng đội tuyển HSG Hóa học 12 đứng thứ Tư tỉnh; cô Vũ Thị Thanh Nhàn, đội tuyển Toán 11 và cô Tống Thị Thúy đội tuyển Toán 12 đứng thứ Năm tỉnh... Dưới sự dìu dắt của các thầy, cô, nhiều học sinh đã đạt thành tích cao, như: Em Trần Thành Luân (tốt nghiệp năm 2020) và em Hoàng Nhật Minh (tốt nghiệp năm 2021) đã đỗ vào lớp Cử nhân tài năng Khoa học máy tính - Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2022, trong kỳ thi HSG tỉnh, em Nguyễn Minh Hiếu lớp 12A1 đã đạt giải Nhất môn Vật lý; em Trần Hoàng Anh lớp 12A1 giải Nhất môn Hóa học; em Phạm Thùy Linh lớp 11A5 giải Nhất môn Ngữ văn lớp 11; em Nguyễn Gia Phương lớp 11A1 giải Nhất môn Toán 11... Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhà trường có 12 em đạt trên 28 điểm các khối thi truyền thống. Đặc biệt, nhiều em đạt điểm rất cao trong kỳ thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức như: Em Phạm Thị Thùy Linh 120 điểm, em Đỗ Quang Minh 119 điểm, em Trần Tuấn Kiệt 118 điểm…

Thành công những năm học vừa qua của Trường THPT Hoàng Văn Thụ đã khẳng định các giải pháp đúng hướng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học của trường. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để nhà trường giữ vững vị thế “điểm sáng” của ngành GD và ĐT tỉnh nhiều năm liền. Nhiều năm liên tục, trường được các cấp khen thưởng: Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ GD và ĐT và của UBND tỉnh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202208/truong-thpt-hoang-van-thu-diem-sang-day-tot-hoc-tot-2552561/