Trường THPT Tứ Kỳ: Cái nôi đào tạo học sinh giỏi
Chỉ tính 5 năm học gần nhất, đội tuyển học sinh giỏi Trường THPT Tứ Kỳ đã có tới 3năm xếp thứ nhất toàn tỉnh.
Bề dày truyền thống
Xét về điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, Trường THPT Tứ Kỳ không có gì nổi trội so với nhiều trường khác trong tỉnh. Nhưng nếu nhắc tới thành tích, chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn thì đây là một trong những cơ sở giáo dục có bề dày truyền thống.
Chỉ tính từ năm học 2015-2016 đến nay, trường đã có 3 năm xếp thứ nhất toàn tỉnh về thi học sinh giỏi. 5 học sinh giỏi của trường từng tham dự chương trình Đường lên đỉnh Olympia, trong đó có 1 em lọt vào vòng thi quý. Hầu hết học sinh giỏi của trường trúng tuyển vào các trường đại học tốp đầu với số điểm cao. Năm học 2018-2019, em Nguyễn Thu Uyên, lớp 12A là thủ khoa khối D của tỉnh, đứng thứ 16 toàn quốc. Năm học 2019-2020, em Trịnh Văn Chiến, học sinh lớp 12A là thủ khoa khối D của tỉnh. Cũng trong năm học này, trường được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (điểm trung bình các môn thi cao nhất tỉnh).
Trải qua 57 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THPT Tứ Kỳ luôn tự hào là cơ sở có chất lượng giáo dục hàng đầu. Chỉ trong 5 năm qua, trường vinh dự 4 lần được nhận cờ thi đua, 5 danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, gần 20 bằng khen của Chính phủ, các bộ, ngành, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Tâm huyết, công phu
5 năm gần nhất, đội tuyển học sinh giỏi môn ngữ văn Trường THPT Tứ Kỳ có 2 năm xếp thứ nhất tỉnh. Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hồng, giáo viên phụ trách bồi dưỡng đội tuyển, để có được thành tích này, trước hết phải chọn được những học sinh yêu môn văn, có kỹ năng viết, cảm thụ văn học tốt và đặc biệt là phải biết vận dụng thực tiễn cuộc sống vào trong bài viết. Ngoài truyền đạt kiến thức, cô thường xuyên ra đề kiểm tra, đánh giá, sửa chữa kỹ lưỡng sản phẩm của học sinh để kịp thời uốn nắn cách viết câu theo chủ đề, các bước diễn đạt, liên hệ thực tiễn...
Đội tuyển học sinh giỏi môn vật lý Trường THPT Tứ Kỳ cũng đã giành nhiều thành tích trong những năm gần đây. Thầy giáo Nguyễn Văn Phúc phụ trách đội tuyển này cho biết môn lý có nhiều ma trận đề. Do đó cần dành rất nhiều thời gian để sưu tầm tài liệu trên mạng, sách giáo khoa, từ các đề thi để xâu chuỗi thành một hệ thống kiến thức bài giảng có chất lượng. Chú trọng rèn kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, phát triển vấn đề. Khi có vướng mắc thì thầy trò cùng trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ. Điều này giúp học sinh hình thành và ghi nhớ kiến thức tốt hơn.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kỳ Vũ Văn Sáng, một trong những nguyên nhân làm nên sự thành công của các đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường là do có tính kế thừa truyền thống. Đa số giáo viên đang làm nhiệm vụ hướng dẫn học sinh giỏi của trường đều từng là học sinh của trường, tốt nghiệp đại học lại về trường công tác. Họ cũng từng một thời là thành viên các đội tuyển học sinh giỏi của trường nên hơn ai hết, những giáo viên này hiểu được truyền thống và luôn cố gắng, tâm huyết hết mình vì học trò, nhà trường.
Giáo viên tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi được nhà trường lựa chọn, đánh giá khách quan. Những ai được chọn sẽ được trường ưu tiên đánh giá thi đua cuối năm, xét nâng lương trước thời hạn. Mỗi giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi được trường động viên 4 triệu đồng, nếu học sinh đoạt giải sẽ được thưởng thêm, cao nhất 3 triệu đồng.
Việc lựa chọn học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi cũng được làm chặt chẽ, thông qua nhiều bước từ khảo sát năng lực, sở trường ngay từ khi các em vào học lớp 10 cho đến tổ chức kỳ thi riêng để lựa chọn những cá nhân xuất sắc.
Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được thực hiện bài bản. Nhà trường thường xuyên kiểm tra các đội tuyển trong quá trình ôn luyện, tổ chức khảo sát theo từng đợt để có đánh giá chính xác, khách quan. Trong cùng một đội tuyển, trường thường bố trí 2 giáo viên tham gia giảng dạy. Giáo viên nhiều kinh nghiệm chịu trách nhiệm chính, đồng thời bồi dưỡng cho giáo viên ít kinh nghiệm hơn. Điều này sẽ tạo ra một đội ngũ vững vàng trong giai đoạn tiếp theo.