Trượt nguyện vọng tuyển sinh: Cơ hội nào dành cho teen 2K6 nếu không học cấp 3 công lập?
Trải qua đợt xét tuyển đầy cam go, nhiều bạn học sinh đã kém may mắn khi trượt cả ba nguyện vọng vào các trường cấp 3 công lập. Tuy nhiên, thi trượt hay lựa chọn không học lớp 10 công lập không có nghĩa là đã 'hết đường'.
Phụ huynh nên động viên, đồng hành cùng học sinh
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, có 83.324 thí sinh đăng ký xét tuyển vào lớp 10 công lập trong khi chỉ tiêu của các trường công lập chỉ lấy khoảng 68.189 học sinh (tính cả lớp 10 chuyên và tích hợp). Đồng nghĩa với việc, sẽ có ít nhất 15.000 học sinh trượt cấp 3 công lập năm nay.
Sau khi điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 được công bố, nhiều thí sinh đã không tránh khỏi thất vọng vì trượt nguyện vọng yêu thích, hay thậm chí là không đậu cả 3 nguyện vọng. Do số lượng học sinh có tổng điểm cách nhau 0.1 rất đông, từ 400 đến hơn 900 bạn nên dẫn đến mức điểm chuẩn cũng chênh lệch so với dự kiến. Điều này khiến nhiều phụ huynh, thầy cô bất ngờ khi teen nhận được kết quả ngoài ý muốn.
Bạn Lê Thùy Linh (TP.HCM) chia sẻ: “Em họ của mình không may rớt cấp 3, bị gia đình la mắng rất nhiều. Đợt này thành phố còn giãn cách, mình cũng không thể động viên em ấy được”.
Khoảng thời gian này là lúc các bạn học sinh dễ mất tinh thần, chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe. Cô Nguyễn Thị Thanh Hương (giáo viên trường THPT Tân Bình, Q.Tân Phú) khẳng định: “Thi trượt hay lựa chọn không học lớp 10 công lập không có nghĩa là đã “hết đường”. Các bạn học sinh có thể chọn học trường tư, giáo dục thường xuyên hoặc rẽ hướng sang học nghề. Tuy nhiên phụ huynh, học sinh nên cân nhắc khả năng, định hướng để lựa chọn con đường phù hợp với bản thân”.
Chỉ trượt công lập mới học trường tư?
Trường tư thục hay các trường quốc tế đã không còn là một lựa chọn quá xa vời đối với nhiều phụ huynh, học sinh. Do cơ sở vật chất được chú trọng, mức học phí cũng thường cao hơn so với trường công lập nên nhiều teen bị gắn mác là “rich kid” (con nhà giàu) khi theo học trường tư thục. Một vài người còn nhận định rằng: Chỉ trượt công lập mới học trường tư.
Bạn Đinh Văn Tiến (ĐH Văn Lang TP.HCM) đưa ra quan điểm của mình: “Có nhiều bạn bè, người quen của mình học trường tư nhưng vẫn đạt giải học sinh giỏi, thậm chí là á khoa, thủ khoa đại học. Không phải rớt công lập mới theo học tư thục, nhiều người muốn đầu tư vào trường tư, trường chuẩn quốc tế vì chất lượng, cơ sở vật chất tốt”.
Khi được hỏi về trải nghiệm học tập, bạn Mai Liêu (trường BVIS TP.HCM) tiết lộ bản thân được tiếp xúc với chương trình giáo dục quốc tế. Học sinh của trường còn được "bỏ túi" nhiều kỹ năng mềm, vốn ngoại ngữ để có thể đi du học.
“Mặc dù học phí trường quốc tế đúng là sẽ cao hơn so với trường công nhưng vẫn có những chính sách học bổng, hỗ trợ tài chính. Trường của mình mỗi năm đều có học bổng từ 20%, 30% hay thậm chí là học bổng toàn phần dành cho những bạn học sinh tài năng. Tiêu chí để xét học bổng không chỉ là điểm học bạ, học lực giỏi mà còn phụ thuộc vào các hoạt động xã hội mà tụi mình tham gia”, Mai Liêu chia sẻ.
Một số trường tư thục, trường quốc tế vẫn còn nhận hồ sơ đăng ký nhập học từ các bạn học sinh. Nếu phù hợp với mức tài chính của gia đình, đây là cơ hội mà các teen 2K6 không nên bỏ qua để trải nghiệm một môi trường học năng động, sáng tạo.
Học nghề để tăng kỹ năng "thực chiến"
Những năm gần đây, trường nghề đã trở thành lựa chọn của nhiều học sinh để được tiếp cận với những thông tin về ngành học từ sớm. Chương trình học nghề được Bộ GD&ĐT quy định, học sinh vừa được học nghề, vừa được học theo chương trình lớp 10, 11 và 12. Sau khi tốt nghiệp, các teen sẽ được nhận bằng trung cấp chính quy và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông. Cánh cửa đại học vẫn rộng mở đối với những bạn theo học nghề có ý định phát huy, mở rộng kiến thức chuyên ngành của mình.
Bạn Quốc Hòa (TP.HCM) hiện đang theo học trung cấp nghề về kỹ thuật điện tử chia sẻ: “Do đặt nguyện vọng không hợp lý, mình đã trượt cả 3 nguyện vọng công lập. Sau đó mình có hỏi ý kiến người nhà và quyết định học nghề từ sớm. Đối với mình, đây là quyết định đúng đắn vì mình được dạy rất nhiều thứ bổ ích. Mình dự định sẽ ôn thi đại học hoặc cao đẳng rồi mới bắt đầu xin việc sau”.
Thầy Trịnh Văn Khoát (giáo viên trường THPT Võ Văn Kiệt, TP.HCM) cho rằng, các bạn học sinh có thể lựa chọn học nghề để phù hợp với thế mạnh và khả năng của mình. “Nếu học sinh không phù hợp với chương trình phổ thông cấp 3 thì nên thử sức với cách học khác. Học nghề thiên về thực hành, kiến thức thực tế nhiều có thể giúp các bạn tích lũy kinh nghiệm, cơ hội vào đại học cũng không hề thua kém so với các trường công lập."