Truy quét gỡ bỏ hơn 17 ngàn sản phẩm thực phẩm trôi nổi trên thương mại điện tử

Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị này đã thực hiện gỡ bỏ hơn 17 ngàn sản phẩm, thực phẩm chức năng trôi nổi, không đảm bảo an toàn được bán trên các sàn thương mại điện tử.

Ngày 17-7, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT - Cục TMĐT và Kinh tế số, thông tin về tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm trên môi trường TMĐT

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT - Cục TMĐT và Kinh tế số, thông tin về tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm trên môi trường TMĐT

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) - Cục TMĐT và Kinh tế số, cho biết năm 2023, cơ quan này đã yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện (đặc biệt đối với các sàn có kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia) và một số sản phẩm theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Cụ thể, rà soát việc bán các sản phẩm Diệp Bảo - Kem trẻ em; sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hypercare, L²: SkinCollagen, Bình Vị Quản, Viên Uống Bách Antri và Nano Fucoidan; và các loại bánh trung thu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Kết quả đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan này tiếp tục yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm là thực phẩm bổ sung Sure Asia Gold do Công ty TNHH Nuôi dưỡng lòng biết ơn quốc tế Asia sản xuất.

Ngoài ra, cơ quan này đã yêu cầu nhiều sàn giao dịch TMĐT, website TMĐT bán hàng phối hợp, rà soát các sản phẩm Đông y không rõ nguồn và mỹ phẩm được phân phối bởi Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế STBE và Công ty TNHH thương mại quốc tế KARITA như Melasma TCA (serum phân giải sắc tố), Repair Factor Enyzm Peptide (siêu phục hồi – làm dịu da tổn thương), Nano Detox (tinh chất đào thải sắc tố da)...

Kết quả, các sàn đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và đã gỡ gần 400 sản phẩm.

Để kiểm soát tình trạng này, Cục TMĐT và Kinh tế số đề xuất Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu về TMĐT tại hệ thống Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị liên quan như thuế, công an phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và các đơn vị liên quan như Tổng cục Quản lý thị trường, Cơ quan Công an, Cục An toàn thực phẩm... về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam, đơn vị này chỉ phân phối sản phẩm chính thức và duy nhất thông qua những thành viên độc lập (Thành viên). Mọi kênh bán hàng khác đều không được phép và hàng hóa bán trên các kênh này đều không đảm bảo xuất xứ và chất lượng.

Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/truy-quet-go-bo-hon-17-ngan-san-pham-thuc-pham-troi-noi-tren-thuong-mai-dien-tu-196240717133855574.htm