Truy trách nhiệm cá nhân để dự án bị đội vốn, chậm tiến độ, làm khổ người dân
Để phát triển hạ tầng, mỗi năm TP Hồ Chí Minh phải giải ngân số tiền lên đến vài chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công cho các dự án từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Song, tình trạng một loạt các công trình, dự án quan trọng bị chậm tiến độ, đội vốn, gây lãng phí đã và đang xảy ra nhưng chưa có đơn vị, cá nhân nào chịu trách nhiệm…
Những năm qua, người dân từ hướng trung tâm thành phố muốn đi sang quận 7, huyện Nhà Bè hay Cần Giờ và ngược lại đều buộc phải tập trung về hướng cầu Tân Thuận hoặc cầu Kênh Tẻ. Hàng ngày, vào giờ cao điểm 2 cây cầu nối từ quận 4 sang quận 7 trên đều kẹt cứng phương tiện. Các loại ô tô xe máy xếp hàng dài, chen chúc từng mét, kéo theo đó là hàng nghìn người đi đường phải trân mình hít khói xe. Ông Trung, một người dân quận 7 làm việc tại trung tâm thành phố hàng ngày phải hứng chịu cảnh này chia sẻ, lo lắng về nguy hiểm luôn rình rập người đi đường tại các điểm nóng kẹt xe trên vào giờ cao điểm.
Để giảm tải điểm nóng kẹt xe cho khu vực này, ngay từ năm 2016 UBND thành phố đã có chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái, nối quận 1, quận 4 và quận 7 để tạo thêm một hướng kết nối liên quận. Tháng 10/2017, Sở GTVT đã quyết định đầu tư dự án nhưng rơi vào tình trạng bế tắc, không thể triển khai nên đến tháng 12/2023 HĐND thành phố đã phải ra Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Thực chất ngoài việc điều chỉnh cục bộ dự án, còn lại chủ yếu vẫn là điều chỉnh tăng mức vốn đầu tư từ ngân sách cho dự án này. Đến khi điều chỉnh, tổng vốn đầu tư cho dự án đã tăng lên 3.725 tỷ đồng, kéo theo thời gian đầu tư dự án cũng được giãn thành 12 năm, từ năm 2016-2028.
Dự án hoàn thành chậm ngày nào, người dân khổ sở ngày đấy, nhưng báo cáo về tiến độ thực hiện dự án vào ngày 5/11 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng ban điều hành Dự án đường bộ 4 - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) vẫn liệt kê ra một loạt bước triển khai hồ sơ pháp lý tại các Sở ngành, địa phương liên quan. Ngay cả việc giải tỏa, thu hồi đất phục vụ dự án hiện cũng chỉ đang ở bước hoàn thiện phương án bồi thường.
![Ô tô nối dài trên một tuyến đường chờ qua nút giao thông An Phú.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2024_12_06_5_50914853/259a89167c599507cc48.jpg)
Ô tô nối dài trên một tuyến đường chờ qua nút giao thông An Phú.
Không chỉ là nỗi ám ảnh về vấn nạn kẹt xe container, xe tải tại khu vực giao cắt giữa đường Nguyễn Thị Định và đường Vành đai 2 (nút giao thông Mỹ Thủy) ở TP Thủ Đức hàng chục năm qua, mà không ít người dân khi đi xe hơi, xe máy qua lại tuyến đường này đều không khỏi căng thẳng, lo sợ xe container. Bởi chỉ riêng với tuyến đường Nguyễn Thị Định, hàng ngày đã có trên dưới 30 nghìn xe tải lớn, xe container các loại ra vào cảng Cát Lái.
Để xóa điểm nóng về ùn tắc giao thông cho tuyến vận tải hàng hóa trên, từ năm 2015 TP Hồ Chí Minh đã quyết định chi ngân sách để đầu tư Dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy với số vốn đầu tư ban đầu là 1.826 tỷ đồng. Dự án có quy mô 3 tầng, gồm hầm chui, cầu vượt và các cầu Mỹ Thủy 3, cầu Kỳ Hà 3. Đến năm 2021, dự án đã phải dừng triển khai trong thời gian dài để chờ được điều chỉnh tổng vốn và kéo dài thời gian hoàn thành. Sau khi được HĐND thành phố ra Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 7/2022, đến tháng 8/2023 dự án mới được UBND thành phố ra quyết định đầu tư và mức tiền đã 3.600 tỷ đồng.
Sau nhiều năm triển khai, báo cáo về tiến độ dự án với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GTVT vào tháng 11 vừa qua, ông Phạm Trường Giang, Phó trưởng Ban điều hành dự án đường bộ 2 - Ban Giao thông đã thông tin rằng, các bước điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công trong giai đoạn 3 của dự án kéo dài từ năm 2021 đến năm 2024. Chỉ riêng với nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ sau khi Luật đấu thầu năm 2023 có hiệu lực đã phải có hàng chục văn bản của UBND thành phố, Sở GTVT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ trong vòng nửa năm qua. Tình trạng trên khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Để dự án chậm tiến độ và đội vốn như vậy, trách nhiệm của đơn vị, cá nhân nào?
Kể từ khi hạng mục đầu tiên của dự án này được khởi công vào năm 2016, phải hơn 9 năm sau, tháng 12/2025 dự án mới dự kiến hoàn thành. Nhưng đến nay gói thầu thi công hầm chui và hệ thống thoát nước trên đường Vành đai 2 mới đạt 15% khối lượng và đang phải tạm ngưng do vướng mặt bằng. Gói thầu xây dựng cầu Kỳ Hà 4 và tuyến nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ cũng mới chỉ được khởi công vào tháng 4 vừa qua. Nguy cơ khiến dự án này tiếp tục chậm tiến độ còn do Dự án thành phần 2 - giải phóng mặt bằng do UBND TP Thủ Đức làm chủ đầu tư với tổng số tiền lên đến 1.217 tỷ đồng, dù được triển khai từ năm 2016, nhưng đến tháng 10 vừa qua mới chỉ bàn giao được 1 trong số 195 trường hợp cần giải tỏa trong phạm vi có thể tập kết, thi công.
Theo ông Phạm Trường Giang, để không gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án, UBND TP Thủ Đức cần bàn giao mặt bằng trước ngày 31/12 năm nay, thế nhưng đến nay việc này xem ra khó khả thi. Các gói thầu trên chậm tiến độ, nên cả năm nay dự án chỉ giải ngân được hơn 9,5 tỷ đồng trong số vốn hơn 757 tỷ đồng được bố trí.
Là điểm đầu vào tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nút giao thông An Phú ở TP Thủ Đức còn giao cắt với một loạt tuyến đường lớn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Đặc biệt là tuyến vận tải hàng hóa ra vào cảng Cát Lái nên thường xuyên ùn ứ phương tiện, kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm những năm qua. Do đó, tháng 4/2021 HĐND TP Hồ Chí Minh đã ra Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nút giao thông An Phú. Dự án được xác định là một trong những công trình quan trọng với tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2021 - 2025.
Thông tin về tiến độ thực hiện Dự án xây dựng nút giao thông an Phú vào cuối tháng 10 vừa qua, ông Phạm Trường Giang đã phải thừa nhận tiến độ triển khai thủ tục đầu tư chậm so với mục tiêu đề ra do quá trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu kéo dài hơn so với dự kiến. Dự án được chia ra thành 23 gói thầu, nhưng đến nay còn đến 8 gói thầu chưa thực hiện và hầu hết các gói thầu còn lại mới chỉ được triển khai trong các năm 2023 và 2024. Trong 12 gói thầu đã triển khai, các gói thầu di dời đường ống cấp nước, di dời hệ thống điện, cây xanh, xây dựng hầm chui xây dựng cầu vượt và nhánh cầu vượt cùng các cây cầu như Bà Dạt, Giồng Ông Tố cũng chậm tiến độ. Ông Giang cho rằng, chậm là do việc giải phóng mặt bằng khi dự án phải giải tỏa đến 30,6 ha, trong đó có 2,2 ha đất thuộc Khu đô thị phát triển phường An Phú và 2.229 m2 đất quy hoạch công viên cây xanh. Dự án triển khai chậm, nên việc giải ngân vốn đầu tư công đối với dự án này đến hết năm nay mới đạt 43% tổng vốn đầu tư.
Vì vậy, ngoài việc phải có biện pháp hiệu quả để đảm bảo tiến độ, chống tình trạng “tái đội vốn” dự án, TP Hồ Chí Minh cần có chế tài trách nhiệm cụ thể với từng cá nhân, tổ chức được giao làm chủ đầu tư dự án.