Truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử

Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết tuổi trẻ và sự năng động, sáng tạo trong nghề nghiệp, thầy giáo Lê Quang Dũng (40 tuổi, Trường Trung học Cơ sở Âu Cơ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã có nhiều sáng kiến trong dạy môn Lịch sử, được áp dụng ở nhiều trường Trung học Cơ sở trong tỉnh. Những sáng kiến của thầy đã góp phần truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.

Giờ học Lịch sử của thầy Lê Quang Dũng với học sinh với nhiều ý kiến phát biểu bài tại Trường THCS Âu Cơ, Nha Trang, Khánh Hòa.

Giờ học Lịch sử của thầy Lê Quang Dũng với học sinh với nhiều ý kiến phát biểu bài tại Trường THCS Âu Cơ, Nha Trang, Khánh Hòa.

Khơi gợi tình yêu môn Lịch sử

Giáo viên dạy môn Lịch sử các trường trong tỉnh Khánh Hòa khi sử dụng các biện pháp trong sáng kiến dạy học của thầy Dũng giảng dạy có cảm giác thoải mái, vui vẻ, hứng thú, kích thích được sự sáng tạo, năng động trong việc truyền thụ kiến thức. Học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo, vận dụng các bài học lịch sử vào cuộc sống. Từ đó, những tiết học môn Lịch sử luôn mang không khí cởi mở, nhẹ nhàng.

Một giờ học Lịch sử của lớp 8/2, Trường Trung học Cơ sở Âu Cơ. Trong bài học Cách mạng Tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII của lớp 8, bằng phương pháp dạy học tích cực, trước đó, thầy Dũng đã giao bài tập tìm hiểu bức tranh có ở trong sách, mô tả bức tranh theo nhóm vào giờ lên lớp. Khi lên lớp, các nhóm mô tả bức tranh rất sinh động, mỗi câu hỏi được thầy Dũng đưa ra, đồng loạt cả lớp đều xung phong trả lời. Kết thúc bài học trên, thầy Dũng nhấn mạnh: “Nước nào tiến hành cách mạng tư sản trước, nước đó sẽ đón đầu khoa học, kỹ thuật, phát triển hơn các nước sau. Nước Anh là nước đi đầu cách mạng công nghiệp, sau đó đến Pháp và các nước khác sẽ được học tiếp trong buổi học sau nhé”.

Theo thầy Lê Quang Dũng, dạy Lịch sử là hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu về nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử. Chỉ khi học sinh chủ động với môn học, các kiến thức mới được các em dễ dàng dung nạp. Đối với cách ghi nhớ các dữ kiện lịch sử, thầy Dũng có các câu chuyện liên quan để các em có thể hình dung.

Dương Gia Hân, học sinh lớp 8/2, Trường Trung học Cơ sở Âu Cơ cho biết, em thích học môn Lịch sử. Ở trên lớp, các kiến thức được học em gần như đã ghi nhớ hết bởi em hiểu từng nội dung. Khi về nhà, em chỉ xem lại bài cũ. Nhận xét về cách dạy học của thầy Dũng, Gia Hân cho rằng, giờ học vui nhộn, không có cảm giác buồn tẻ. Các bạn trong nhóm luôn hoạt động cùng nhau để cho ra những câu trả lời hay nhất. Gia Hân thích nhất là cách kết bài của thầy khi tiết học kết thúc, tổng kết trọn vẹn nội dung của tiết học.

Trong khi đó, Lê Ngô Bảo Anh, cùng lớp của Gia Hân cho rằng, học môn Lịch sử em được biết nhiều về thế giới đó đây với những câu chuyện hay từ thầy Dũng. Có những buổi học, thầy kể về lòng yêu nước của các anh hùng. Từ đó, em cảm thấy bản thân phải nỗ lực không chỉ chăm học môn Lịch sử mà phải giỏi để góp sức xây dựng quê hương sau này. Đó cũng là cách thể hiện lòng yêu nước Bảo Anh muốn nhắn đến các bạn học sinh khác.

Đam mê nghiên cứu, sáng tạo

Luôn tìm tòi, tạo sự hứng thú cho học sinh trong học tập môn Lịch sử, mới đây thầy Dũng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến “Một số biện pháp tạo hứng thú học tập Lịch sử cho học sinh lớp 9 theo hướng nâng cao hiệu quả bài học ở trường Trung học Cơ sở”.

Trong sáng kiến có bài học “Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (1953-1954)” chương trình lớp 9. Bài học này được thầy Dũng mở đầu bằng việc dẫn dắt khéo léo các kiến thức liên môn (Địa lý, Lịch sử, Ngữ văn) về vùng Tây Bắc, về những tấm gương anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, về Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy đã đi vào nhạc họa, thơ ca.

Thầy Lê Quang Dũng chia sẻ, dạy môn Lịch sử, ngoài các kiến thức có ở trong sách giáo khoa, sách tham khảo, giáo viên cần chủ động tìm các tư liệu để minh họa cho các bài học dễ nhớ, dễ thu hút học sinh lắng nghe. Muốn tìm hiểu các tư liệu chính thống, bản thân giáo viên cần có nguồn thông tin, tư liệu chuẩn từ sách báo, internet… Đôi khi, thầy sử dụng các mẫu chuyện lịch sử, có khi tổ chức các trò chơi học tập, như: Điền sơ đồ trống, giải ô chữ lịch sử, giải mật mã lịch sử, theo dòng lịch sử, thi tìm hiểu các sự kiện, nhân vật, địa danh lịch sử…

Các tư liệu được thầy nghiên cứu, sưu tầm, sắp xếp trật tự, liên hệ thực tế và rút ra bài học, kết hợp với các phương tiện dạy học hiện đại và tích hợp những kiến thức liên môn giúp cho các bài giảng thêm sinh động. Từ đó, trong mỗi giờ học, giáo viên gợi mở để học sinh thi nhau phán đoán, suy luận, phát triển tư duy độc lập, không khí lớp học vì thế trở nên sôi nổi, khơi gợi những cảm xúc hào hứng cho học sinh.

Sáng kiến “Một số biện pháp tạo hứng thú học tập Lịch sử cho học sinh lớp 9 theo hướng nâng cao hiệu quả bài học ở trường Trung học Cơ sở” của thầy Dũng đã được áp dụng hiệu quả không chỉ tại Trường Trung học Cơ sở Âu Cơ mà còn được nhân rộng tại các Trường Trung học Cơ sở: Cao Bá Quát, Trần Nhật Duật (thành phố Nha Trang), Trần Quốc Toản, Nguyễn Trung Trực (thị xã Ninh Hòa).

Theo Hội đồng cấp tỉnh đánh giá sáng kiến, từ những kết quả của thực tiễn, sáng kiến của thầy Lê Quang Dũng phù hợp với viện đổi mới phương pháp dạy học lịch sử hiện nay, có tiềm năng mở rộng phạm vi ảnh hưởng cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng học tập bộ môn Lịch sử 9 và môn Lịch sử và Địa lý 6,7,8. Hiệu quả áp dụng sáng kiến phù hợp với đặc trưng của bộ môn, đối tượng học sinh, thực tiễn của nhà trường, đạt hiệu quả cao trong dạy học môn Lịch sử, giáo viên vận dụng phương pháp dạy học hấp dẫn, học sinh quan tâm và hứng thú học tập môn Lịch sử. Từ đó, kết quả học tập được nâng cao.

Với khả năng của mình và lòng đam mê nghề nghiệp, thầy Lê Quang Dũng được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nha Trang cử tham gia bồi dưỡng Đội tuyển môn Lịch sử lớp 9 của thành phố, tham dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Riêng với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 9 môn Lịch sử tại Trường Trung học Cơ sở Âu Cơ, năm học 2022 - 2023, học sinh đoạt 2 giải Ba, 4 giải Khuyến khích cấp thành phố và 1 giải Nhì cấp tỉnh.

Cùng với đam mê môn Lịch sử, thầy Dũng còn là giáo viên đi đầu trong phong trào nghiên cứu khoa học của trường. Thầy đã hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều dự án dự thi khoa học - kỹ thuật các cấp, trong đó có dự án “Các giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc sách cho học sinh Trung học Cơ sở thời đại 4.0” do Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức, đạt giải Tư; Dự án “Bộ truyện tranh tuyên truyền bảo vệ môi trường” đạt giải Ba cấp thành phố và giải Tư cấp tỉnh; Dự án “Mô hình hệ thống hồ cá cảnh lọc vách ngoài trời” thuộc lĩnh vực kỹ thuật môi trường đạt giải Nhì cấp trường, giải Tư cấp thành phố. Hằng năm, thầy nhiệt tình tham gia cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử E-learning do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Cô Trần Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Âu Cơ đánh giá, thầy Dũng nhiệt huyết, yêu nghề, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, luôn chủ động phát triển bản thân, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi. Không chỉ có sáng kiến cấp tỉnh, nhiều năm liền, thầy Dũng đều hướng dẫn học sinh tham gia sáng kiến khoa học kỹ thuật cấp thành phố, tỉnh…Bên cạnh đó, thầy tham gia tích cực các phong trào, hoạt động của trường, được học sinh yêu mến, đồng nghiệp tín nhiệm và nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp.

Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/truyen-cam-hung-cho-hoc-sinh-yeu-thich-mon-lich-su-20230927082333483.htm