Truyền dạy văn hóa truyền thống ở Kon Tum: Khơi dậy niềm đam mê

6 tháng qua, lớp dạy nghề truyền thống của dân tộc Jrai tại xã Ya Ly (huyện Sa Thầy, Kon Tum) luôn nhộn nhịp, rộn rã tiếng nói cười của các học viên.

Những lớp truyền dạy giúp học viên lưu giữ văn hóa truyền thống và có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Những lớp truyền dạy giúp học viên lưu giữ văn hóa truyền thống và có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Không muốn văn hóa truyền thống bị mai một, thời gian qua nhiều lớp truyền dạy được mở ra ở huyện Sa Thầy (Kon Tum) thu hút đông đảo học viên từ già đến trẻ tham dự.

Phát huy giá trị nghề truyền thống

6 tháng qua, lớp dạy nghề truyền thống của dân tộc Jrai tại xã Ya Ly (huyện Sa Thầy, Kon Tum) luôn nhộn nhịp, rộn rã tiếng nói cười của các học viên.

Những ngày đầu mới theo học ở lớp dệt thổ cẩm chị Y Lan (26 tuổi, ở làng Chứ, xã Ya Ly) thấy khá khó khăn vì đôi tay thô ráp, không uyển chuyển theo được những đường chỉ… Sau một thời gian, đến nay chị Y Lan có thể hoàn thiện một chiếc túi cho riêng mình.

“Muốn dệt được một tấm vải đẹp, một chiếc khăn, hay áo đẹp cần phải có đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Nay biết dệt tôi rất thích, ngày nào cũng muốn đến lớp để được nghệ nhân dạy thêm nhiều hoa văn đẹp mắt”, chị Y Lan bày tỏ.

Đứng lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho học viên, nghệ nhân Y Tuổi (ở làng Chứ) bộc bạch: Trước kia, thổ cẩm được dệt hoàn toàn từ “lộc rừng”. Khoảng tháng 5, khi quả bông gòn nở bung, trắng xóa giữa đại ngàn, những người phụ nữ thu hái đem về. Người thì gánh nước, số còn lại tách hạt bông rồi đem phơi khô để quay thành sợi.

Để tạo màu cho sợi, thiếu nữ lại vào rừng lấy lá, hoa rừng, rau, củ đem giã rồi ngâm với sợi trong chum. Khi sợi nhuốm màu sẽ mang ra nắng phơi để tạo hương thơm và độ bền. Từ những sợi màu sặc sỡ… qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Jrai sẽ thành những tấm áo, cái khăn bền, đẹp.

Nghệ nhân Y Tuổi bảo rằng, từ xa xưa mỗi người phụ nữ đều có sẵn niềm đam mê dệt thổ cẩm. Do đó, việc truyền dạy không mấy khó khăn nếu họ quyết tâm và cố gắng vượt qua những ngày đầu. Mỗi học viên cần khoảng 15 ngày học ở lớp có thể tự dệt nên những sản phẩm đầu tiên với họa tiết giản đơn.

“35 học viên của lớp đều biết dệt thổ cẩm. Những người học chăm, khéo tay đã tạo nên những sản phẩm cầu kì, bắt mắt, số còn lại cũng dệt được ví, túi thổ cẩm. Tôi rất vui khi có thể trao truyền nghề truyền thống cho bà con Jrai để tránh bị mai một. Thời gian tới, tôi và các nghệ nhân trong làng sẽ tiếp tục mở thêm nhiều lớp truyền dạy cho thanh, thiếu niên và những người mong muốn học dệt thổ cẩm”, bà Y Tuổi nói.

Ông A Chuých, cán bộ phụ trách Văn hóa – Thông tin xã Ya Ly cho biết, thông qua các lớp truyền dạy văn hóa, học viên có thể lưu giữ nghề truyền thống của cha ông từ xa xưa. Sau một thời gian học tập, học viên có thể tạo ra những sản phẩm thổ cẩm, đan lát đẹp mắt, mang lại giá trị kinh tế.

“Trên địa bàn xã hiện có hơn 20 người thu nhập từ nghề truyền thống. Chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, hỗ trợ, đào tạo nghề cho người dân trong xã nên thu hút nhiều học viên tham gia. Qua đó, nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của dân tộc”, ông A Chuých chia sẻ.

Nghệ nhân tận tình hướng dẫn cho học viên dệt thổ cẩm truyền thống.

Nghệ nhân tận tình hướng dẫn cho học viên dệt thổ cẩm truyền thống.

Sức hút của âm nhạc dân tộc

Tối thứ 7 hàng tuần, 25 học viên luôn có mặt đông đủ để tham gia lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, xoang và sử dụng nhạc cụ truyền thống ở nhà rông làng Ba Rgốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy). Nhiều người dân cũng góp mặt để cổ vũ, động viên và chứng kiến con, em mình trình diễn những nét đẹp văn hóa, nhạc cụ dân tộc.

Học viên A Hiếu (làng Ba Rgốc) tâm sự, hay tin xã mở lớp trao truyền văn hóa thanh, thiếu niên trong làng rất phấn khởi. Không chỉ được các nghệ nhân tận tình chỉ dạy, mọi người cũng có không gian giao lưu văn hóa, chia sẻ về những vui buồn trong cuộc sống.

“Trước kia, khi không biết đánh cồng chiêng, tôi nghĩ loại nhạc cụ này rất khó học. Thế nhưng sau một thời gian được chỉ dạy, tôi nhận thấy chỉ cần yêu thích và chăm chỉ thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Giờ đây, tôi đã đánh được những điệu chiêng cơ bản trong nghi lễ mừng lúa mới, đón khách hay ngày hội ở làng”, A Hiếu bộc bạch.

Thời gian đầu, khi mới đảm nhận dạy học viên, nghệ nhân A Sứp - già làng Ba Rgốc chứng kiến nhiều người bỡ ngỡ, loay hoay khi cầm vào nhạc cụ. Thế nhưng khi nắm vững lý thuyết, thực hành đánh chiêng, chỉnh nhịp, hòa âm trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh việc học cồng chiêng, học viên cũng tiếp cận với chế tác nhạc cụ truyền thống, biểu diễn đàn T’rưng, Klông Pút.

Ông Trần Văn Tiên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sa Thầy cho biết, để bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc, năm 2023 đơn vị phối hợp với các xã tổ chức 5 lớp truyền dạy văn hóa cho hơn 200 học viên là thanh, thiếu niên người địa phương.

Những lớp truyền dạy được mở ra tạo cơ hội cho người dân, nhất là thế hệ thanh, thiếu niên tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc. Qua đó, khơi gợi niềm đam mê và tạo ra các sân chơi lành mạnh giúp người trẻ tiếp nối, lưu giữ di sản văn hóa.

“Niềm vui, sự thành công của những lớp truyền dạy là thu hút đông đảo học viên tham gia. Trải qua một thời gian, đa số học viên đều biết chơi các bài chiêng cơ bản, chế tác một số nhạc cụ truyền thống, dệt được hoa văn thổ cẩm đặc trưng và biết đan vật dụng sinh hoạt trong gia đình….

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục mở thêm 4 - 5 lớp truyền dạy văn hóa dân tộc nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn”, ông Tiên cho hay.

Dung Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-day-van-hoa-truyen-thong-o-kon-tum-khoi-day-niem-dam-me-post683597.html