Truyện đường rừng gợi mở những quan niệm nghệ thuật mới

Mỗi câu chuyện trong 'Truyện đường rừng' của Lan Khai là một bức tranh hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và kỳ ảo về miền núi, hàm lượng hư thực khác nhau nhằm hướng tới nhu cầu giải trí. Đây là một thể tài đã có nguồn gốc trong văn học dân gian và văn học trung đại, văn học phương Tây nhưng chưa có nhiều thành tựu mới trong văn học hiện đại Việt Nam. Lan Khai là cây bút đã kế thừa và sáng tạo các yếu tố hoang đường kỳ ảo của văn học dân tộc và văn học nước ngoài, tạo nên cái tên gọi 'Chuyện lạ đường rừng' thuở đó đã thu hút nhiều bạn đọc...

“Truyện đường rừng” của nhà văn Lan Khai

Bức tranh hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và kỳ ảo: trong thực có hư, trong hư có thực

Là một cây bút nổi tiếng trên văn đàn cả nước những năm ba mươi đầu thế kỷ XX, các sáng tác của Lan Khai (Lâm Tuyền Khách) đã sớm xuất hiện trên các tờ báo: Loa , Ngọ Báo, Đông pháp, Đông Phương, Rạng Đông, Tiểu thuyết thứ Bảy, Ích Hữu, Phổ thông bán nguyệt san…

Đồng hành với những cuốn tiểu thuyết về đường rừng, về tâm lý – xã hội và lịch sử, tác phẩm lý luận phê bình, các bài ký, các công trình sưu tầm văn học dân gian, những bản dịch, những tác phẩm hội họa, còn xuất hiện hàng loạt những truyện ngắn truyền kỳ và truyện cổ tích thần kỳ của Nhà văn đường rừng (tên gọi do các văn nghệ sĩ Bắc Hà đương thời dành cho Lan Khai) với các chủ đề và kiểu dạng khác nhau, đã góp phần vào cuộc cách tân thể loại văn học, để lại ấn tượng sâu đậm trong bạn đọc hơn tám thập niên qua.

Truyện kỳ ảo có tên Chuyện lạ đường rừng của Lan Khai ra đời từ đầu những năm 30, sau được tuyển lại trong tập Truyện đường rừng (1940) gồm 9 câu chuyện tiêu biểu: Người Lạ, Ma thuồng luồng, Con thuồng luồng nhà họ Ma, Con bò dưới Thủy tề, Đôi vịt con, Mũi tên dẹp loạn, Người hóa Hổ, Tiền mất lực, Gò Thần, đương thời được nhà văn Hoàng Tích Chu đánh giá cao về quan niệm nghệ thuật mới.

Mỗi câu chuyện trong Truyện đường rừng của Lan Khai là một bức tranh hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và kỳ ảo về miền núi, hàm lượng hư thực khác nhau nhằm hướng tới nhu cầu giải trí. Đây là một thể tài đã có nguồn gốc trong văn học dân gian và văn học trung đại, văn học phương Tây nhưng chưa có nhiều thành tựu mới trong văn học hiện đại Việt Nam. Lan Khai là cây bút đã kế thừa và sáng tạo các yếu tố hoang đường kỳ ảo của văn học dân tộc và văn học nước ngoài, tạo nên cái tên gọi Chuyện lạ đường rừng thuở đó đã thu hút nhiều bạn đọc.

“Nền trời xanh biếc gác lên những dãy núi xa. Rừng cây chạy tun hút lên tầng không, vươn những cánh tay gân guốc in bóng xuống mặt nước ngòi phẳng lặng. Những tiếng giun tiếng dế, những tiếng ve cuối mùa họp thành một thứ ngân vang của tịch mịch. Chị chàng ngẩn ngơ nhìn: quanh mình chị chỉ có ánh sáng và bóng mát. Trước cái vẻ nghiêm tĩnh ấy, chị không thể tưởng tượng sẽ có xảy ra một tấn náo kịch phi thường, nó là cơ còn mất của cái phúc an nhàn mà chị vừa được biết.

Cả cái dòng ngòi rực rỡ đang khẽ tung những mảnh vàng vụn nát lên sườn gành đá mốc, chị thấy nó cũng hững hờ với nỗi bồi hồi trong lòng chị… Rồi, người đàn bà cô độc nọ bỗng như sượng sùng bẽ thẹn trước cái vẻ lãnh đạm của thiên nhiên; và, lần ấy chị bắt đầu nhận thấy rõ cái vực sâu ngăn cách tạo vật với người. Chị toan xách dao trở về. Thốt nhiên dưới dòng nước trong, chị thoáng thấy vệt cát lầm… Chị vội chạy lên đám gành đá, cúi nhìn, thì quả nhiên mặt nước đã đục ngầu…

Chị cầm lăm lăm con dao trong tay, đem hết sức mắt soi xuống dòng ngòi… Trong đám nước bùn hiện ra hai khúc dài, một đen một trắng, vẫy vùng quằn quại, lăn lộn, xoắn xuýt lấy nhau. Đích rồi! Cuộc chiến của đôi giao long quả nhiên dữ dội, tàn khốc, chí mệnh…” ( Trích Con thuồng luồng nhà họ Ma)

Trong tập Truyện đường rừng, ngoài câu chuyện Ma thuồng luồng gợi cảm giác về cuộc sống hỗn mang giữa người và thú thời cổ đại, các câu chuyện như Người Lạ - dựa vào tâm lý hoang tưởng về ma quỷ chốn sơn lâm, người viết dẫn người đọc đi xa hơn trong tưởng tượng; Người hóa Hổ vẽ ra cảnh hoang sơ thần thoại; Đôi vịt con nói về giai thoại yểm bùa kỳ lạ; Con thuồng luồng nhà họ Ma kể về lòng tốt của con người khiến loài vật biết đền ơn trả nghĩa; Con bò dưới Thủy tề cảnh báo về sức mạnh tiềm ẩn của thiên nhiên; Mũi tên dẹp loạn vẽ ra cảnh hoang sơ man rợ trong xứ sở sương mù; Tiền mất lực kể về bi kịch tình yêu nơi rừng thẳm; Gò Thần là câu chuyện tín ngưỡng mang tính ngụ ngôn: Ai coi thường cái thiêng liêng đều thất bại!

Bên cạnh hình tượng kỳ bí là những bức tranh sinh động về phong tục tập quán miền rừng; những tai họa từ thiên nhiên do con người gây ra gợi lên các vấn đề thiện – ác, tình yêu, hạnh phúc và phẩm giá con người…

Gợi mở những quan niệm nghệ thuật mới

Tại tọa đàm “Vẻ đẹp văn học kỳ ảo Việt Nam qua Truyện đường rừng và những truyện khác” diễn ra vào sáng 29/10 tại NXB Kim Đồng, nhà văn Di Li nhận định: Những tác phẩm như Truyện đường rừng là một đặc sản của Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945.

“Trước đây Việt Nam có rất nhiều rừng, con người sống hài hòa với thiên nhiên, tạo điều kiện cho dòng văn học này phát triển. Trong những tiểu thuyết kỳ ảo kinh dị ấy, thần hổ xuất hiện rất nhiều, phản ánh nỗi sợ của con người ngày xưa. Ngày nay đã khác trước, con người hiện đại, đặc biệt là người thành phố, không còn được tiếp xúc nhiều với những cảnh quan hoang dã, khi đọc được những tác phẩm quý ở thời ấy, sẽ thấy trân trọng hơn những giá trị văn hóa của một thời đại”, nữ nhà văn trinh thám cho biết.

Vừa dựa vào truyền tích dân gian vừa khéo léo tạo ra những cốt truyện gần gũi dân gian, những bức tranh vui chơi, ca hát, săn bắn, lao động, tình yêu, những trắc trở chia ly… với những điều kỳ bí của núi rừng, những góc khuất của tâm lý con người, Lan Khai đã dựng lên thế giới hình tượng: có nhân vật người thực, có nhân vật là thú hay nửa người nửa ma, nửa người nửa thú, thể hiện bằng bút pháp liên tưởng và gợi tả, so sánh ví von; sử dụng các yếu tố thời gian, không gian linh hoạt cùng ngôn ngữ địa phương có tạo hình biểu cảm, gợi những hình tượng hư hư thực thực; trong thực có hư trong hư có thực để chinh phục người đọc bằng tưởng tượng. Sự hòa trộn giữa tự nhiên với bất ngờ, bình thường với phi thường, khơi gợi trí tưởng tượng và tính hiếu kì của độc giả.

Bên cạnh nhà văn Di Li, Tiến sĩ Nguyễn Thị Năm Hoàng có cảm nhận: “Văn học đường rừng hay văn học kỳ ảo vừa có tính dân tộc, vừa có tính nhân loại. Nó chạm vào phần sâu kín nhất trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của chúng ta. Chúng ta tin vào những điều làm cho con người ‘người’ hơn và nếu chúng ta lảng tránh nó, tức là chúng ta đã tước đi cơ hội cho văn học khám phá con người một cách toàn diện và sâu sắc.

Những tác phẩm như Truyện đường rừng khiến cho con người ta thêm trân trọng thế giới thiên nhiên kỳ bí, nhất là trong thời điểm môi trường và hệ sinh thái của con người đang bị đe dọa như hiện nay. Nhu cầu tìm kiếm vẻ đẹp thiên nhiên đang trở nên thiết yếu, lớp người trẻ cũng đang hướng đến cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và những tác phẩm văn học đường rừng như “chạm đến cái phần nhân bản của chúng ta”.

Đọc Truyện đường rừng của Lan Khai cho ta thấy, sau những lời thuật lạnh lùng là một bầu tâm sự chứa chất những nỗi niềm căm uất khôn nguôi đối với cái ác, cái xấu và nỗi niềm thương cảm vô tận trước cái đẹp và cái thiện bị vùi dập. Mỗi câu chuyện ít nhiều đều để lại ấn tượng khó quên trong lòng bạn đọc. Một tập truyện sẽ đem đến những cảm nhận mới về một phần thành tựu sáng tác của một tài năng lớn đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Theo Arttimes

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoc-nghe-thuat/truyen-duong-rung-goi-mo-nhung-quan-niem-nghe-thuat-moi/188379.htm