'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du: Lần đầu tiên lên sân khấu... ballet
Lần đầu tiên, 'Truyện Kiều' của đại thi hào Nguyễn Du sẽ được chuyển thể trên sân khấu ballet. Không tái hiện toàn bộ cuộc đời 15 năm lưu lạc của nàng Kiều, vở ballet sẽ khắc họa hình ảnh 3 lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên.
Vở diễn do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam chỉ đạo nội dung, Nghệ sĩ nhân dân Chu Thúy Quỳnh, Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh chuyển thể kịch bản và tổng đạo diễn, với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ ballet nổi tiếng Việt Nam và tập thể nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, nội dung vở ballet sẽ khắc họa lại hình ảnh 3 lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên. Để thể hiện nội dung này, diễn biến của toàn bộ vở diễn được ước lệ xoay quanh 4 lần Kiều đánh đàn.
Trong mỗi phân đoạn, tiếng đàn sẽ có lúc thì thầm, mềm mại, tha thiết, khi lại thổn thức, rạo rực, đượm nồng, có trường đoạn thì gào thét, tang thương, để rồi tan chảy, nén chịu và rồi khoan nhặt, thanh thoát đồng điệu với sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của nàng Kiều nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung. Đây cũng là tiếng lòng của chính Đại Thi hào Nguyễn Du trước sự đời éo le, đen bạc và ngang trái của xã hội đương thời.
Với 3 hồi, 15 cảnh, các nghệ sĩ sẽ đem đến không gian giàu chất thơ, trữ tình và khắc họa nét tiêu biểu, đặc trưng của các nhân vật trong "Truyện Kiều" qua ngôn ngữ ballet giàu biểu cảm.
Hình tượng nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Sư Giác Duyên... sẽ thật điển hình mà lại hàm ý được tư tưởng của Nguyễn Du. Trong những mối quan hệ ấy với tất cả hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục sẽ giúp mỗi người xem suy ngẫm đến đời sống tinh thần và nắm giữ, trân trọng vận mệnh của mình ngay ở thời hiện tại.
Đáng chú ý, vai Thúy Kiều do nghệ sĩ Trần Hoàng Yến, Kim Trọng do nghệ sĩ Đàm Đức Nhuận, Từ Hải do nghệ sĩ Hồ Phi Điệp đảm nhiệm. Đặc biệt, nghệ sĩ múa Sùng A Lùng sẽ thể hiện hai vai khác biệt là người kể chuyện - Nguyễn Du và Tú Bà, hứa hẹn đem lại nhiều thú vị cho khán giả.
Biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh, đạo diễn của vở ballet "Kiều" cho biết, khác với những tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, kịch, múa rối... ra đời trước đây, tác phẩm ballet "Kiều" được thể hiện bằng ngôn ngữ hình thể ngắn gọn, giàu biểu cảm, vì vậy sẽ không tái hiện toàn bộ cuộc đời 15 năm lưu lạc của nàng Kiều.
Ê kíp sáng tạo đã đầu tư thời gian và công sức để kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật ballet cổ điển phương Tây với phong cách múa dân gian, múa truyền thống và văn hóa, bản sắc Việt Nam trong tác phẩm này. Bên cạnh âm nhạc giao hưởng, nhạc đương đại, ballet "Kiều" còn sử dụng ca trù, hát xẩm và nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác.
Hơn thế, vì ngôn ngữ của vở là ballet nên trước hết vở cần đạt niêm luật của bộ môn ballet. Mặt khác để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình, mỗi cử chỉ, động tác của diễn viên hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, có thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn.
Ballet "Kiều" sẽ chính thức được công diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh vào tháng 6 và Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 8/2020.