Truyện Kiều trở lại sân khấu ballet
Vở ballet 'Kiều' của HBSO thể hiện sự kết hợp giữa những thành tựu nghệ thuật ballet kinh điển của thế giới với những giá trị tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Vở ballet “Kiều”, được chuyển thể từ truyện thơ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du - một kiệt tác văn học Việt Nam - sẽ được công diễn vào các ngày 23 - 24/3 tại Nhà hát Giao hưởng vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO).
Ballet “Kiều” là một trong những vở diễn thành công nhất của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh. Vở diễn thể hiện sự kết hợp giữa những thành tựu nghệ thuật ballet kinh điển của thế giới với những giá trị tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Ballet “Kiều” không lựa chọn kể lại toàn bộ tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du mà dẫn dắt khán giả qua những hành trình đầy hạnh phúc ngọt ngào xen lẫn bao đắng cay, tủi hờn, những thách thức tinh thần và cuộc sống đến tột cùng của nàng Kiều.
Vở ballet được xây dựng với 15 cảnh, thể hiện những sắc thái tâm lý, sự tiếp nối và tương phản của các bức tranh làm nên sự lôi cuốn, bất ngờ qua từng khoảnh khắc.
Đặc biệt, vở diễn còn sử dụng một số hiệu ứng sân khấu đặc biệt về ánh sáng, hologam và trình diễn trên cao để mở rộng không gian và gây ấn tượng mạnh về thị giác.
Tác phẩm được dàn dựng bởi thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, đồng thời, chị đảm nhiệm nhiều vai trò khác như tổng đạo diễn, tác giả kịch bản, biên đạo múa.
Thạc sĩ Tuyết Minh nổi tiếng với 18 tác phẩm múa, các vở kịch, nhạc kịch và gần 40 chương trình nghệ thuật, chương trình kỷ niệm được giới chuyên môn đánh giá cao. Năm 1998, chị là giảng viên tại Học viện Múa Việt Nam, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Múa Việt Nam vào năm 2020.
Phần âm nhạc trong tác phẩm cũng là một điểm nhấn đặc biệt, có được từ sự kết hợp của hai phong cách âm nhạc rất khác nhau của nhạc sĩ nổi tiếng Vũ Việt Anh và nghệ sĩ Chinh Ba.
Việt Anh nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành sáng tác tại Đại học Waikato (New Zealand), sáng tác các bản nhạc pop, hòa tấu, nhạc phim, và tất nhiên không thể không nhắc đến các bản nhạc cho vở múa.
Trong khi đó, Chinh Ba là một nghệ sĩ đa năng với các tác phẩm thơ ca, âm nhạc, sân khấu. Là người sáng lập không gian nghệ thuật CAB của TP Hội An, anh đặc biệt chú trọng đến các làn điệu dân ca truyền thống Việt Nam, điều này cũng được anh thể nghiệm trong Kiều.
Vai chính Kiều sẽ do Thạch Hiểu Lăng đảm nhiệm. Cô gái Sài thành bắt đầu học múa từ năm 4 tuổi. Sau khi tốt nghiệp, Thạch Hiểu Lăng bắt đầu cộng tác với Nhà hát Giao hưởng vũ kịch TP Hồ Chí Minh trong một số vở ballet, như Cinderella, Carmen, Giselle, Nutcracker, Coppelia.
Tham gia vở diễn còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ tài năng được đánh giá cao: NSƯT Đàm Đức Nhuận trong vai Kim Trọng, Phạm Minh Tuấn hóa thân trong vai Từ Hải, Đỗ Hoàng Khang Ninh vai Thúy Vân…
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truyen-kieu-tro-lai-san-khau-ballet-post288751.html