Truyện ngắn 'Chỗ nào cũng nắng' của Nguyễn Ngọc Tư vào đề Ngữ văn
Truyện ngắn 'Chỗ nào cũng nắng' của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được dùng làm ngữ liệu đọc hiểu đề khảo sát tốt nghiệp môn Ngữ văn của một trường trung học phổ thông.
Gợi ý đáp án
ĐỌC HIỂU
Câu 1. Ngôi kể thứ ba. Dấu hiệu: Người kể chuyện không xuất hiện trực tiếp - người kể chuyện giấu mình.
Câu 2. Điều làm cho nhân vật anh háo hức mỗi lần mẹ lên thăm: những câu chuyện của quê nhà.
Câu 3. Biện pháp tu từ liệt kê: là cái góc bếp bị dột, cô bạn bên xóm vừa làm sui đầu tay, con lộ bê tông mới toanh phóng qua trước nhà. Nhấn mạnh: những mẩu chuyện ở quê nhà giản dị, gần gũi qua lời kể của mẹ. Tăng sự sinh động hấp dẫn, tạo nhịp điệu hài hòa cho câu văn.
Câu 4. Những câu chuyện của chị Hai lại khác với những câu chuyện của mẹ vì: Cuộc sống nông thôn đã thay đổi theo thời gian. Những câu chuyện của chị Hai lại mang đầy sự căng thẳng, gay gắt và bạo lực. Những mối quan hệ cộng đồng không còn êm ả như xưa, thay vào đó là những tin tức tiêu cực, những xung đột căng thẳng và các bi kịch của đời sống hiện đại.
Câu 5. Từ tâm trạng của nhân vật anh khi nghe những câu chuyện của quê nhà, thí sinh bày tỏ suy nghĩ về vai trò của quê hương đối với mỗi người. Có thể theo hướng: quê hương bồi đắp cho tâm hồn mỗi người những tình cảm đẹp như tình yêu gia đình, yêu xóm làng, yêu thiên nhiên, lòng tự hào về văn hóa truyền thống. Quê hương là điểm tựa trong cuộc sống của mỗi người để con người khi đi xa luôn tìm về.
LÀM VĂN
Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích sự thay đổi trong cảm nhận về quê hương của nhân vật "anh" trước và sau khi mẹ qua đời trong đoạn trích ở phần đọc hiểu.
- Cảm nhận về quê hương của nhân vật anh khi mẹ còn sống: Quê hương hiện lên qua những câu chuyện bình dị về cuộc sống thường nhật: cái góc bếp, cô bạn bên xóm, con lộ bê tông, cái cô dâu phóng cái xuồng, bà thầy bói. Quê hương như sợi dây vô hình đã buộc anh vào quê nhà, trở thành bóng mát che chở anh khỏi sự mệt mỏi xa lại nơi thành thị
- Cảm nhận về quê hương khi mẹ qua đời: Quê hương hiện lên với biết bao sự đổi thay trong cơn đảo điên của đời sống mang màu sắc bạo lực và đau đớn: những độ nhậu nhóm, ba mẹ con bên xóm tự vẫn, mấy vụ đâm xe máy, thằng nhỏ trộm chó, một cuộc ẩu đả. Quê hương qua những câu chuyện của chị Hai: gọi cho anh cảm giác lạc lõng, xa cách và mất mát đớn đau
Câu 2. Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ quan điểm của anh/chị về vấn đề: Tuổi trẻ cần có sự trải nghiệm.
- Giải thích: Trải nghiệm là quá trình tìm tòi, khám phá và trải qua những điều mới mẻ
- Bình luận: Trải nghiệm là điều cần thiết trong cuộc sống nhất là với tuổi trẻ. Trải nghiệm đem lại nhiều ý nghĩa với tuổi trẻ: Trải nghiệm đem lại hiểu biết và kinh nghiệm thực tế. Trải nghiệm giúp mỗi người khám phá chính mình để có những lựa chọn đúng đắn và sáng suốt cho tương lai. Trải nghiệm giúp mỗi người dấn thân, thử nghiệm để sáng tạo; biết cách vượt qua những trở ngại khó khăn, tôi luyện bản lĩnh, ý chí để thành công.
- Mở rộng vấn đề: Để sự trải nghiệm của con người là đúng đắn và ý nghĩa cần: Gắn với ước mơ, lý tưởng, hoài bão của mỗi con người Nếu không có trải nghiệm sẽ không có kinh nghiệm.