Truyện ngắn của Việt Anh: Chè vằng một thuở

Túi quà tặng đại biểu dự buổi lễ được tổ chức trọng thể nhân kỷ niệm 50 năm ngày Quảng Trị giải phóng có một thứ làm Hoàng cứ bần thần. Đó là hộp Cao chè Vằng có hình thức khá bắt mắt. Món quà nhỏ khiến bao kỷ niệm lại ùa về…

 Minh họa: LÊ DUY

Minh họa: LÊ DUY

Đó là một chuyến công tác, cũng nhân dịp kỷ niệm ngày Quảng Trị giải phóng. Hoàng lúc ấy đã là Phó Tổng biên tập của một tờ báo lớn, đưa một đoàn công tác vào Quảng Trị để thực hiện đợt tuyên truyền về Quảng Trị sau 30 năm giải phóng. Đó là việc công. Còn với Hoàng, đây là chuyến đi đưa anh trở lại chiến trường xưa một thời bom đạn. Hơn thế nữa, đó cũng là nơi anh có những nếm trải một mối tình, hơi ngang trái. Đã hơn hai chục năm, dù vẫn canh cánh bên lòng một nỗi nhớ, đây là lần đầu tiên anh trở lại vùng đất xưa, với mong muốn tìm gặp được người một thuở ngày nào.

Công việc xong xuôi, Hoàng bảo chú lái xe đưa mình về một thôn ven sông Hiếu, gần thị trấn Cam Lộ. Xe chạy từ từ trên con đường đất pha cát rợp bóng cây men theo dòng sông. Đã thấy ngôi đình làng, cây đa cổ thụ…và đây rồi, lối ngõ quen thuộc dẫn vào khu vườn sát bờ sông mà ngày nào Hoàng cùng đồng đội đơn vị công binh neo giấu phao thuyền, đào hầm trú quân. Đó là những ngày gian khổ nhưng cũng thật đáng nhớ.

Bảo cậu lái dừng xe, Hoàng đưa bước vào ngõ, lòng rộn lên những cảm xúc khó tả. Căn nhà cũ chắc đã bị phá bởi bom đạn, một căn nhà mới được dựng lên, khá khiêm tốn chứng tỏ cuộc sống không mấy dư dả của gia chủ. Trên mảnh sân gạch, những vạt trà Vằng đang được nắng, cái nắng hè Quảng Trị. Bên hè, một người phụ nữ dáng tần tảo hí húi nhặt rau, chắc chuẩn bị bữa trưa. Như có thần giao cách cảm, người phụ nữ ngẩng đầu lên đúng lúc Hoàng bước vào. Trong một giây, ánh mắt họ chạm nhau, gần như cả hai cùng lúc thảng thốt:

- Chị Thủy!

- Chú Hoàng…

Có lẽ họ nhận ra nhau nhờ ánh mắt cùng những tình cảm chứa đựng trong đó hơn là vẻ bề ngoài. Sau hơn 20 năm, công việc, cuộc sống đã làm Hoàng không còn là chú lính Hà Nội trắng trẻo, thư sinh ngày nào. Mái tóc đã hơi điểm bạc. Vóc dáng đã hơi đẫy ra. Còn chị, dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy, Hoàng cũng không ngờ đến sự thay đổi đến vậy nơi người phụ nữ đã cho mình những rung động khác giới đầu đời hai mươi năm trước. Chỉ mới ngoài 40, nhưng vẻ lam lũ đã in trên gương mặt và cả trên vóc dáng o Thủy trẻ đẹp ngày nào.

Có lẽ quá bất ngờ, chị cuống quýt gọi chồng đang ở bên hàng xóm. Thấy có khách lạ, ba bốn đứa trẻ đang chơi ngoài vườn sau nhà cũng chạy về. Cậu lái xe biết ý, mang gói quà đặt trên bàn nước rồi chia kẹo cho lũ trẻ…

Dường như đã trấn tĩnh, chị Thủy rót nước từ chiếc bình nhựa ra chiếc cốc thủy tinh mời khách: Chú uống đi. Chè vằng đó…

Anh chồng cũng đã từ bên hàng xóm chạy về, khoác vội tấm áo lính đã bạc màu.

-Ông xã tui đó. Ngày chú ở đây anh ấy đang ở tận Cần Thơ, lính Quân đoàn Bốn.

Dường như cả hai người đàn ông đều khó xử trong hoàn cảnh của cuộc gặp gỡ này. Hoàng ngại ngần không chỉ vì những hồi ức một thời, mà còn vì hình thức bên ngoài của mình, khác xa với người đối diện. Còn Trưởng, chồng của Thủy, dường như lại lúng túng vì bộ dạng lúi xùi và gia cảnh của mình. Câu chuyện của họ dù rời rạc nhưng Hoàng cũng được biết sau ngày đất nước thống nhất, là hạ sĩ nên Trưởng chỉ phải đi học tập ít ngày. Và họ đã kịp có thêm 4 đứa con, tổng cộng là 6 đứa. Từng ấy con trong hoàn cảnh hậu chiến cam go, trên mảnh đất nghèo này thì làm sao mà dư dật. Chẳng trách Thủy lại thay đổi đến thế.

Tâm trạng nặng nề khiến Hoàng nhanh chóng tìm cớ kiếu từ, dù hai vợ chồng cứ nhiệt tình mời ở lại dùng bữa. Giữ mãi không được, chị Thủy vội vàng lấy chiếc bao tải xác rắn, thứ bao ngày trước lính Sài Gòn hay dùng đổ đất để đắp công sự, vơ vội những lá chè vằng đang phơi trên sân: Chú mang về cho cô. Thứ này là tốt cho phụ nữ lắm đó.

Hoàng cố lắm mới cầm được nước mắt. Anh đỡ nhanh bao chè, bước vội ra ngõ. Vậy là anh đã không kịp ra thăm lại bến sông xưa, chỗ có gốc sung cổ thụ vươn bóng che cả một khoảng sông, nơi hai người đã có những phút thầm kín…

***

Đó là mùa hè đỏ lửa năm 1972. Hôm đó, Hoàng vừa cùng đồng đội bảo dưỡng phao thuyền dưới bờ sông lên. Mới tháng Tư mà trời đã nắng gắt. Thủy cố ý ngồi bên cậu lính trẻ, quạt mát cho Hoàng rồi đưa ca nhôm của lính cho anh:

-Lá vằng đó. Cái ni uống mát lắm. Chú uống riết là nghiện đó.

Nhấp một ngụm nhỏ, Hoàng cảm nhận vị đăng đắng, nhần nhận của bát nước. Vị đắng ban đầu dần chuyển thành vị ngọt nhè nhẹ, thanh thanh và cơn khát dường như tan biến.

Quả thật, Hoàng đã nghiện. Cơ mà không phải là nghiện thứ nước lá vằng đó, mà anh dần dà đã nghiện cái giọng nói nhẹ nhàng của người đàn bà này, từ lúc anh cùng tiểu đội đào hầm, làm nhà trú trong khu vườn sát bờ sông của gia đình o Thủy. Năm ấy Hoàng 18, Thủy hơn anh 2 tuổi, nhưng đã là một người đàn bà hai con. Người ta nói gái một con trông mòn con mắt, nhưng o Thủy dù 2 con, nét đẹp vẫn lồ lộ bởi làn da trắng hồng, đôi mắt to đen dưới hàng mi rợp, đượm buồn. Vẻ đẹp ấy lại được tôn thêm trong chiếc áo vải sợi tổng hợp cắt khéo, chiếc quần sa tanh ni lon bóng láng. Một vẻ đẹp có thể nói hơi hiếm, nó như càng nổi bật trong khung cảnh vùng đất miền Trung nắng gió cùng bom đạn tơi bời những ngày ấy.

Đám lính Hà Nội, nơi con gái sớm cũng phải ngoài 20 mới lấy chồng thấy Thủy ở tuổi đó mà đã có hai con thì rất lạ. Hỏi thì cha Thủy giải thích: Nó đẹp quá, gả chồng sớm cho khỏi bị nhòm ngó. Chồng nó cũng là lính Quân đoàn 4, đóng mãi Cần Thơ.

Thì ra là vậy. Nghe chuyện Thủy là vợ lính cộng hòa, anh nào cũng lè lưỡi. Kỷ luật quân đội, kỷ luật thời chiến không phải chuyện đùa. Nhưng con tim có lý lẽ của nó. Không hiểu tại sao, trong hơn chục chàng lính ở tiểu đội, Thủy có sự đặc biệt quan tâm đến Hoàng. Anh là người duy nhất o tin tưởng gửi trông thằng cu Duy mỗi khi có việc gì đó chạy đi chốc lát. Có lẽ vì tính Hoàng nhỏ nhẹ, anh lại biết kể chuyện cho hai đứa nhỏ nghe. Về phần mình, Thủy cũng hay quan tâm đến Hoàng. Bữa nào tiểu đội không phải đi công tác, nấu cơm xong cô hay mang ra vườn sau một tô canh nho nhỏ. Hôm thì canh cá nấu măng, lúc là canh rau láo nháo…

Mỗi khi mang qua, nếu có Hoàng thì cô đưa tận tay. Nếu anh không có đó, khi nào cô cũng nói gửi cho eng Hoàng. Vì thế nên đám lính dù chia nhau chén sạch tô canh, nhưng cứ xúm lại trêu chọc, gán ghép. Những lúc như vậy, Hoàng đỏ dừ hai vành tai mà chống chế. Trong khi đó, người đàn bà hai con là Thủy lại như không hề muốn giấu giếm tình cảm của mình. Có lần, không biết vô tình hay hữu ý, cô hồn nhiên cho con bú ngay trước mặt Hoàng lúc chỉ có hai người, để lộ cả một mảng ngực mịn màng với đầu nhũ hoa nhỏ hồng hồng như gái mới lớn, làm Hoàng bối rối đưa mắt nhìn đi chỗ khác…

Rồi đơn vị cầu phà của Hoàng vào chiến dịch. Dường như để chuẩn bị cho những kế hoạch sau khi Hiệp định Paris được ký kết, từng đoàn xe chở quân trang, quân dụng, lính tráng vào chiến trường. Bến phà dã chiến dưới chân cầu Đuồi, một cây cầu sắt bị bom đánh sập mỗi đêm có hàng chục chuyến xe qua lại. Trong một đêm như thế, Hoàng bị thương vì bom loạt bom tọa độ của tốp AD6. Vết thương không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng Hoàng vẫn phải đi viện.

Không ngờ chuyện Hoàng bị thương lại là giọt nước tràn li. Sau gần tháng nằm viện điều trị vết thương, Hoàng trở lại đơn vị, lúc ấy vẫn đóng sau vườn nhà Thủy. Buổi tối đầu tiên anh trở về, cả trung đội đi tác nghiệp. Hoàng nhớ dòng sông, anh ra cái bến có gốc sung già. Châm điếu thuốc, Hoàng ngắm dòng sông trôi lững lờ dưới ánh trăng mờ ảo. Chợt anh cảm nhận một mùi hương quen thuộc rồi một vòng tay ôm riết từ phía sau, ghì mái đầu trai trẻ của Hoàng vào bộ ngực căng nhức. Dường như Thủy lo sợ lại một lần nữa bom đạn sẽ lôi tuột người con trai cô quý mến khỏi vòng tay mình…Hai người cứ lặng im như vậy cho đến khi một chiếc phản lực sẹt qua, ném một dây pháo sáng trên dòng sông đang lặng lẽ xuôi về Cửa Việt.

Truyện cũng chỉ đến vậy. Do yếu sức khỏe nên Hoàng được đơn vị cho ra Bắc để đi học. Cuộc sống cứ thế cuốn đi. Những năm du học ở một nước Đông Âu, đôi lúc anh cũng nghĩ tới người con gái đã cho anh cái cảm giác đầu đời ấy, đến cái mùi sữa hoi hoi nơi bầu ngực người đàn bà vừa qua độ nuôi con nhỏ…

***

Chiếc bao tải xác rắn đựng lá chè vằng cứ nằm trong cốp xe suốt đợt công tác. Về đến Hà Nội thì dường như Hoàng đã quên nó, cậu lái xe phải nhắc thì anh mới nhớ. Anh lặng lẽ mang về nhà vào một lần vợ đi công tác, lặng lẽ cất vào chỗ chứa những thứ đồ lặt vặt không dùng đến ở tầng hầm ngôi biệt thự của gia đình. Anh không biết kể với vợ thế nào, dù câu chuyện xảy ra từ cái thời anh còn là một chàng trai trẻ, mới bước vào đời. Cái chính là anh sẽ nói sao với vợ, khi hai chục năm sau lại trở về chốn cũ. Liệu vợ anh, một phụ nữ chỉ có anh là mối tình đầu, duy nhất, một cô gái phố cổ, có hiểu được rằng có những kỷ niệm chỉ thoáng qua, nhưng lại hằn mãi trong ký ức, dù đôi lúc nhãng đi vì cuộc sống bận rộn.

Hoàng lặng lẽ pha một cốc trà vằng theo hướng dẫn. Hương trà rưng rưng sự nhớ tiếc, pha chút gì đó như ân hận. Từ dạo ấy, anh không quay trở lại thăm gia đình Thủy, dù năm nào cũng về Quảng Trị, đã cùng đồng nghiệp giúp đỡ bao cảnh ngộ khó khăn. Nhưng anh không đủ sức để làm điều đó với người xưa, cũng như buổi trưa hôm ấy, anh đã ngập ngừng mãi rồi không dám đưa phong bì tiền mà chú lái xe hiểu ý sếp đã chuẩn bị cho Thủy. Có một cái gì đó rất mong manh ngăn anh lại, dù đến tận bây giờ anh vẫn chẳng biết mình đúng hay sai…

Hà Nội, hè 2022

Việt Anh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=168746&title=truyen-ngan-cua-viet-anh-che-vang-mot-thuo