Truyện ngắn Giai điệu đất nước
Những vần thơ viết về đất nước mình luôn là những vần thơ đẹp nhất.
Mỗi lần giảng đến trích đoạn “Đất nước” (trích từ trường ca “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm, tôi đều dẫn vào bài bằng ca khúc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn - lời Tạ Hữu Yên, do ca sĩ Trọng Tấn thể hiện. Bài hát “Đất nước tôi”: “Đất nước tôi đất nước tôi đất nước tôi/Từ thuở còn nằm nôi/Sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa/Lao xao trưa Hè một giọng ca dao/Lao xao trưa Hè một giọng ca dao…”.
Thầy cô trong tổ Văn bảo tôi sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, giúp học sinh có cảm xúc chân thật, tự hào khi học một trong những trích đoạn hay viết về đề tài Tổ quốc trong thơ ca Việt Nam.
Bản thân tôi, mỗi khi khúc hát ấy vang lên, tiếng nhốn nháo trong lớp học lặn xuống, tâm hồn bay bổng cùng giai điệu hào hùng và ca từ mỹ lệ về đất nước mình, tôi thấy tim rung lên trong lồng ngực. Tôi nói với học trò:
- Những vần thơ viết về đất nước mình luôn là những vần thơ đẹp nhất. Có lẽ bây giờ các em chưa đủ chiều sâu và vốn sống để thấu cảm những điều nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết, nhưng sau này, khi lớn lên, đọc qua những trang sử sách của dân tộc… các em sẽ hiểu một cách trọn vẹn nhất!
Có đôi lần, học trò than vãn với tôi về độ dài của đất nước, sự sâu sắc trong ý thơ, các em không thể hiểu tường tận. Tôi thấu được cảm giác của những gương mặt non tơ ấy.
Ngày còn là cậu học trò, tôi cũng từng như thế, có khác gì đâu. Cho đến khi tôi đọc qua và bị cuốn hút bởi những trang sử vẻ vang của dân tộc. Cho đến khi ông nội dẫn tôi vào căn phòng của mình, ở góc trang trọng nhất trưng bày những tấm huân chương, áo lính bạc màu, mũ có hình ngôi sao vốn là biểu tượng đẹp của người lính cách mạng. Và chiếc chân giả ông mang. “Còn cái chân thật của ông?” - Tôi hỏi, ngày còn bé. “Nó nằm ở chiến trường hồi chống Mỹ rồi!” - Ông đáp gọn, xoa xoa cái chân giả.
Thuở ấy tôi phì cười. Giờ nghĩ lại, tim tôi thắt nghẹt.
***
Ông nội đã từng là người lính trong hai cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc, chống Pháp và chống Mỹ. Ông như quyển-lịch-sử-sống để mỗi khi tôi hỏi về trận đánh hay một sự kiện nào đó, ông trả lời rành rọt.
Tuy đã lớn tuổi nhưng trí nhớ của ông rất tốt. Như thể ông thuộc lòng cả quyển lịch sử dày cộm mà học trò thường lo lắng, than vãn. Ông thích trồng cây, yêu những sớm mai cầm vòi nước tắm tưới cho giàn lan, giàn hoa sử quân tử, mấy cây hạnh, cây mai trong khu vườn nhỏ trước sân nhà.
Từ hồi dọn về thành phố sống, ông nội đã bắt đầu “quy hoạch” khu vườn, nay đã xum xuê lá cành, đến mùa hoa nở, cảnh trí tuyệt đẹp chẳng khác gì khu vườn trù phú chốn quê nhà.
Bà đã đi trong một chiều nắng đẹp. Nhưng với ông tôi, bà như vẫn sống đâu đó trong ngôi nhà này, thoảng lại vá áo cho ông, dù ba mẹ tôi chẳng bao giờ để áo ông phải rách.
Đêm ông thường ra vườn trò chuyện với bà tôi dưới trăng. Tất nhiên là trò chuyện một mình vì bà đã về bên kia thế giới. Có lần, đêm khuya, ngồi soạn giáo án mỏi lưng, tôi bỏ bàn làm việc ra sân hóng gió. Ngang qua phòng ông, tôi nghe ông khe khẽ nói:
- Bà ơi! Tôi muốn ra Hà Nội. Tôi muốn đến Quảng trường Ba Đình, nơi Hồ Chủ tịch đã từng đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm ấy. Cũng ngày đó, tôi gặp bà. Nước nhà được khai sinh, tình yêu của tôi với bà cũng chớm nở. Ở Sài Gòn lâu ngày tôi nhớ cái không khí của Hà Nội, nhất là những ngày cờ hoa rộn ràng… Bà ơi!…
Đó là lần đầu tiên tôi thấy tự xấu hổ với chính mình khi đã lén nghe chuyện nhưng cũng vì thế mà tôi hiểu thêm cái khát khao cháy bỏng ở độ tuổi xế chiều của ông.
Bà đã về với mây gió thanh yên. Ông ở lại trong miên man nỗi nhớ: Nỗi nhớ bà, nhớ những năm tháng xa xưa, nhớ về Hà Nội - nơi gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc.
Hà Nội mùa nào cũng đẹp. Tôi còn trẻ, muốn đi chỉ việc sắp xếp công việc ở trường, book vé máy bay và đi. Còn ông tôi tuổi đã cao, sức đã yếu, ngồi máy bay ở độ cao khỏi tầng mây chắc gì ông tôi chịu nổi.
Nhiều lần ông nội nói với ba tôi:
- Ba muốn đi Hà Nội. Con không sắp xếp đưa ba đi được thì ba đi một mình.
Ba tôi dùng dằng:
- Ba lớn tuổi rồi, đi một mình sao được. Với con lo cho sức khỏe của ba. Khi nào thong thả, sức khỏe ba ổn định, con đưa ba đi thăm Hà Nội, thăm lăng Bác, thăm quảng trường Ba Đình… hay bất cứ nơi nào ba muốn, một chuyến.
Ông nội không nói gì thêm nữa mà bước ra khu vườn nhỏ vặt mấy chiếc lá bị sâu ăn, nhổ mấy bụi cỏ dại mọc dưới gốc cây hạnh, sợ cỏ hút hết chất dinh dưỡng cây hạnh không phát triển được.
Tôi nhìn theo bờ lưng khom khom cùng cái chân còn lại run lẩy bẩy của ông, thương đứt ruột. Nếu ba đồng ý, tôi có thể đưa ông đi một chuyến. Đi với người già thường rất vất vả, nhưng tôi có thể làm được.
Thời gian trôi qua, lời hứa của ba cũng mờ nhòe dần. Có lẽ vì công việc nhiều quá nên ba quên mất rằng ông nội vẫn chờ đợi ba đưa ông về Hà Nội dấu yêu. Ông cũng không muốn làm phiền ba tôi, bạn chiến đấu năm xưa của ông hầu hết cư ngụ ở miền Bắc. Ông chỉ còn biết ôn lại kỷ niệm xưa cùng những hiện vật đã theo ông suốt một thời chiến chinh gian khó.
Cái khao khát được ra Hà Nội, ông đem tâm sự với bà. Không biết bà có thực sự nghe thấy hay không, hay như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết, nhắm mắt xuôi tay là “về làm hạt bụi” chứ không còn lưu luyến trần gian. Ông vẫn tin bà nghe được. Đó là cách duy nhất để ông nội giãi bày những ước ao trong sâu thẳm tâm hồn…
***
Tôi đem câu chuyện nghe được trong đêm đi ngang qua phòng ông nội nói với ba. Ba giật mình, mắt đẫm nước.
“Chắc ba đã để ông nội con đơn độc quá lâu. Ba bận quá nên không thể tâm sự với ông, không thể gần gũi để biết rằng ở cái tuổi xế chiều này ông nội con muốn gì…”, ba từ tốn nói.
Tôi thấy sống mũi mình cũng cay cay. Khi đó, những bông hoa sữa đâu đó cuối con đường nở rộ, hương thơm thoang thoảng, báo hiệu mùa Thu đã trở về.
Ở miền Nam không có mùa Thu, hoặc cũng không hiện về rõ như đất Bắc. Tôi nhớ da diết về một buổi sáng chớm lạnh, tôi nắm tay ba đi trên những cung đường yên ắng, nghe hương hoa sữa phả vào trong gió.
Những buổi sáng tháng Tám, tháng Chín, Hà Nội rợp sắc cờ hoa và âm vang hào hùng chào mừng Cách mạng tháng Tám thành công và ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi ấy, gia đình tôi còn ở Hà Nội, ông nội thường đạp xe trên đường từ nhà đến lăng Bác.
Xa Hà Nội đã lâu, tôi nhớ. Hà Nội là Thủ đô yêu dấu trong tâm tưởng, là khoảng trời bình yên mà gia đình tôi đã từng sống. Với ông tôi, Hà Nội còn là nơi lưu giữ ký ức về một thời chiến chinh, một thời nhiệt huyết, máu lửa. Đó cũng là nơi mở đầu cho mối tình xuôi dọc đời người của ông bà tôi.
Ba tôi đến gõ cửa phòng, ông nội vẫn chưa ngủ. Người già thường thức rất khuya. Chắc vì để nhớ lại chuyện cũ người xưa - niềm vui duy nhất của họ. Như cách ông vẫn thường nhắc đến bà, nhắc về cái thời cầm súng chiến đấu, tự nguyện hiến dâng bầu máu nóng của mình cho Tổ quốc mến yêu, nhắc về ngày Hà Nội rộn rã cờ hoa, đất nước sang trang mới.
“Xin hát về người đất nước ơi!/Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi, mấy mùa không ngủ/Ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc/Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con…”.
- Ba ơi, mình ra Hà Nội nhé! Ba xa Hà Nội quá lâu rồi! Con sẽ đưa ba về Hà Nội, bây giờ nơi ấy vào Thu. Ba con mình sẽ đi trong Thủ đô rợp bóng cờ hoa chào mừng ngày Cách mạng tháng Tám thành công và ngày Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn Độc lập”.
Tôi đứng ở cạnh cửa phòng, hai tay xoa xoa lại. Ông nội im lặng hồi lâu, nghẹn ngào:
- Ôi, thật sao con?! Ba và con sẽ về thăm Hà Nội… Con biết không, Hà Nội luôn ở trong tim ba…
- Chúng con vô tâm quá! - Ba tôi nói tiếp - Chúng con quên mất rằng ba cần được trở về với những hồi ức hào hùng và vinh quang của một người lính…
Khoảnh khắc đó, tôi thấy ông đứng dậy, đi đến tủ gỗ trưng bày những huân chương, món đồ ông vẫn còn giữ lại từ thời chinh chiến: Áo lính, mũ, bi đông, đôi giày, vài ba vỏ đạn…
Tuổi trẻ của ông bà tôi đã sống hết mình vì đất nước, để khi về già, sống trong không khí ấm áp, hạnh phúc của thời bình, ông lại khôn nguôi nhớ về năm tháng ấy. Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Thanh Thảo mà tôi từng giảng cho học trò trên lớp: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”… Câu thơ dung dị mà xúc động, thấm thía biết bao.
***
Chúng tôi đưa nhau về Hà Nội.
Ông nội đi máy bay khỏe lắm. Chắc vì ông đã từng trèo non, lội suối, đi hết những cung đường khúc khuỷu quanh co, những cung đường đạn lửa chông gai…
- Giờ đất nước mình phát triển, đi từ Nam ra Bắc nhanh như chim bay, không như thời ba còn trẻ
Ông tôi nói với ba, khi đang ngồi trên máy bay, cạnh cửa sổ, hướng nhìn ra cánh máy bay trên tầng mây trắng.
Ông tôi khỏe lắm! Được trở về với Hà Nội, với những ký ức hào hùng nên ông tôi hứng khởi vô cùng. Tôi thấy đâu đó là phẩm chất của người lính năm nào, can trường, dũng cảm, đêm ngày lắng lo cho đất nước.
Hà Nội mùa Thu, bầu trời trong xanh, nắng vàng ngập lối. Những con phố êm đềm ngày thường bỗng trở nên huyên náo và đẹp hơn. Cờ bay phấp phới. Tiếng nhạc vang vang - những khúc ca ngợi ca Tổ quốc máu xương, ngợi ca hình tượng người lính đã từng chiến đấu vì đất Mẹ yêu thương.
Ông tôi trở lại thăm quảng trường Ba Đình lịch sử. Mùa Thu, nắng ươm vàng lăng Bác. Ông ngả mũ nghiêm trang chào cờ, tôi và ba cũng làm theo, như cách những người lính thường làm. Trước mắt mình là hồn thiêng đất nước, là hình hài Tổ quốc, là niềm tự hào dâng lên trong mỗi trái tim. Giây phút đó, trong tim tôi (và tôi nghĩ trong tim ông và ba tôi nữa) có hình ảnh của Bác Hồ đáng kính, bên tai văng vẳng âm giọng đầy tự hào, tưởng chừng mình đang ngược thời gian sống giữa mùa Thu năm 1945 lịch sử:
“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống lại phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”…
Đó cũng là tác phẩm mà tôi đã giảng cho học sinh ở trường THPT bằng niềm tự hào thiết tha. Và giờ đây tôi có thêm một góc nhìn sâu và mới…
Mùa Thu năm ấy. Mùa Thu năm này. Một chặng đường dài mà dân tộc đã đi qua.
Thế hệ tôi luôn nhìn về quá khứ bằng một niềm kính ngưỡng. Trong nắng Thu dịu nhẹ, tôi khẽ hát về Người - Mẹ Việt Nam ơi:
“Xin hát về người đất nước ơi!
Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi…”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngan-giai-dieu-dat-nuoc-post652886.html