Truyện 'Nguồn suối' vào đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn

Truyện 'Nguồn suối' của nhà văn Nguyễn Minh Châu được một trường trung học phổ thông ở tỉnh Hải Dương dùng làm ngữ liệu cho đề thi thử tốt nghiệp môn Ngữ văn.

Gợi ý đọc hiểu truyện "Nguồn suối"

Câu 1. Người kể chuyện xưng "tôi", trực tiếp xuất hiện trong đoạn trích và kể lại câu chuyện là cơ sở để xác định ngôi kể thứ nhất của đoạn trích.

Câu 2. Những từ ngữ miêu tả tính cách của nhân vật Ngạn: lạnh lùng, không thích bắt tay, không thích mời mọc, xã giao.

Câu 3. Biện pháp tu từ liệt kê: đánh Pháp, đánh phỉ, nắm dân, tìm đất... Tác dụng: Tăng giá trị biểu đạt, làm cho cách diễn đạt trở nên cụ thể, tác động trực tiếp vào nhận thức của người đọc. Diễn tả chi tiết, cụ thể, đầy đủ những công việc khác nhau mà Ngạn đã làm trong suốt hai mươi năm lăn lộn ở mảnh đất Pa- Khen. Từ đó cho thấy sự gắn bó giữa Ngạn và nơi đây, đồng thời khẳng định nhân vật Ngạn là người dũng cảm, có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Thể hiện thái độ khâm phục, ngưỡng mộ, ngợi ca nhân vật Ngạn của tác giả, đề cao những việc mà Ngạn đã làm cho mảnh đất Pa- khen.

Câu 4. Ông già Lào trao tất cả cho Ngạn, với một lời dặn:"Mảnh đất này là đất Việt Nam. Anh là người chiến sĩ bộ đội Việt Nam, anh hãy giữ lấy". Ý nghĩa của câu văn: Khẳng định mảnh đất Pa-khen là của Việt Nam mặc dù trước đó, mảnh đất này đã bị thực dân Pháp nhập vào đất Lào và mọi giấy tờ địa chính cũ bị Pháp hủy hết. Thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối, lòng yêu quý của ông già Lào đối với Ngạn.

Bởi vì, tờ giấy mà ông già Lào đưa cho Ngạn là một trong những tư liệu hiếm hoi, quý giá còn sót lại, là minh chứng xác thực đất Pa- khen là đất Việt Nam. Tuy nhiên, việc giữ lại tờ giấy này là vô cùng nguy hiểm bởi thực dân Pháp đã đưa ra cáo thị "nhà ai còn thu giấu sẽ bị đem xử bắn".

Tin tưởng Ngạn và đồng đội sẽ giữ vững được mảnh đất Pa- khen, không để mảnh đất này rơi vào tay kẻ thù. Thể hiện tính cách trung thực và lòng tự trọng dân tộc của ông già Lào, thể hiện tình bạn đẹp giữa hai nước Việt Nam- Lào.

Nhân vật Ngạn trong đoạn trích là một người chiến sĩ: yêu nước, gan góc, quả cảm, quyết bám đất, bám dân, chiến đấu với kẻ thù...để bảo vệ từng tấc đất cha, ông để lại.

Câu 5. Học sinh vận dụng, nêu những phẩm chất cần có để trở thành công dân yêu nước hiện nay. Ví dụ: Có lòng tự hào, tự tôn dân tộc; trung thành với Tổ quốc; biết ơn thế hệ cha anh đi trước.

Phân tích ngôi kể, điểm nhìn trần thuật trong đoạn trích "Nguồn suối"

Ngôi kể, điểm nhìn trần thuật của đoạn trích "Nguồn suối" ở phần Đọc hiểu được thể hiện ở một số phương diện sau:

Lựa chọn ngôi kể: Ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện trực tiếp xuất hiện trong đoạn trích và kể lại câu chuyện về nhân vật Ngạn: là người vùng xuôi, giáp biển; gần 20 năm lăn lộn ở vùng biên giới; chiến đấu bảo vệ vùng đất Pa – khen, có công đưa vùng đất Pa-khen bị sát nhập vào đất Lào trở về với bản đồ của Tổ quốc.

Lựa chọn ngôi kể thứ nhất, nhân vật "tôi" là người trực tiếp chứng kiến, theo chân Ngạn lên mảnh đất Pa-khen và được nghe Ngạn kể lại những ngày đầu kháng chiến, Ngạn hoạt động ở mảnh đất Pa-khen... khiến nhân vật Ngạn hiện lên cụ thể, chân thực, khách quan.

Điểm nhìn trần thuật: Sử dụng điểm nhìn của người kể chuyện "nhân vật tôi". Điểm nhìn của người kể chuyện chủ yếu là điểm nhìn bên ngoài: kể về tính cách của Ngạn (lạnh lùng), công lao to lớn của anh với vùng đất Pa – khen (đánh Pháp, đánh phỉ, nắm dân…bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân), đưa vùng đất Pa – khen trở về với bản đồ của Tổ quốc.

Lựa chọn ngôi kể và điểm nhìn trần thuật như trên giúp câu chuyện được kể linh hoạt, đồng thời, người kể chuyện có thể đan xen vào đó những cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân.

Ý nghĩa của việc lựa chọn ngôi kể và điểm nhìn trần thuật trong đoạn trích: Tạo nên sự sinh động, hấp dẫn cho câu chuyện. Ngôi kể và điểm nhìn góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Người đọc hình dung được về tính cách, cuộc đời, những việc làm và đóng góp của nhân vật Ngạn với mảnh đất Pa-khen.

Cách trần thuật thể hiện thái độ của khâm phục, ngưỡng mộ, ngợi ca tự hào của người kể chuyện với nhân vật Ngạn. Khơi dậy trong lòng bạn đọc tình yêu, tinh thần cống hiến cho Tổ quốc.

Cơ hội như một chuyến tàu

Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.

Thân bài:

Giải thích: Tuổi trẻ: Chỉ một giai đoạn trong cuộc đời của mỗi người, đây thường là giai đoạn mà mỗi người có sức khỏe, thời gian, có khát vọng, ước mơ, hoài bão lớn lao. Cơ hội chính là một thời điểm hội tụ những điều kiện lí tưởng, hoàn cảnh thuận lợi để mỗi người tận dụng thực hiện mục tiêu, lý tưởng của mình làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Trong cuộc đời mỗi con người, cơ hội không phải lúc nào cũng đến với chúng ta. Cơ hội chỉ đến một vài lần trong đời và thường đến bất chợt, nếu ta không nhận ra, không kịp thời nắm bắt, tận dụng thì cơ hội sẽ trôi qua rất nhanh, để lại những nuối tiếc.

Bàn luận: Tuổi trẻ vốn nhiều ước mơ, hoài bão, khát khao... vì thế, bên cạnh những năng lực tự có thì việc nắm bắt cơ hội đúng thời điểm là điều cần thiết để đạt được thành công.

Tuy nhiên, do còn trẻ tuổi, ít kinh nghiệm nên những người trẻ tuổi có thể chưa nhận ra cơ hội hoặc để cơ hội vụt qua một cách nuối tiếc.

Ý nghĩa của việc nắm bắt cơ hội trong cuộc sống đối với những người trẻ tuổi nói riêng và mọi người nói chung:

Biết tận dụng cơ hội, cho con người con đường ngắn nhất để đi tới thành công so với số đông- thứ mà nhiều người hay lầm tưởng là do may mắn. Cơ hội để đạt được mục tiêu sẽ lớn hơn rất nhiều. Tiết kiệm được thời gian, công sức.

Biết nắm bắt cơ hội chúng ta sẽ được tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống: ta sẽ luôn cảm thấy có động lực mạnh mẽ để cố gắng, sẽ luôn cảm thấy cuộc sống tràn đầy ý nghĩa, tràn đầy sự hứng khởi. Sẽ tránh khỏi cảm giác nuối tiếc, dằn vặt.

Phê phán: Những kẻ lười biếng, không biết tận dụng cơ hội. Những kẻ chỉ chăm chăm chờ đợi cơ hội mà không chịu nỗ lực, tự tạo ra cơ hội cho chính mình.

Bài học: Hãy trân trọng và tận dụng mọi cơ hội đến với bản thân, hơn thế nữa phải tích cực trau dồi kiến thức kỹ năng, kiến thức để tìm kiếm và tự tạo ra những cơ hội cho mình.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/truyen-nguon-suoi-vao-de-thi-thu-tot-nghiep-mon-ngu-van-17925040915420645.htm