Truyền thông chính sách: Nhắm tới mục tiêu 'Dân biết - Dân hiểu'
Chiều 24/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề 'Nhận thức - Hành động - Nguồn lực'. Ngoài điểm cầu Trụ sở Chính phủ, hội nghị kết nối đến trụ sở UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Tập trung vào người dân
Báo cáo tội Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt công tác chủ động truyền thông chính sách trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương ở vị trí trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành. Được thể hiện thông qua việc các vấn đề lớn của đất nước giờ đây luôn có sự tham gia của bộ máy truyền thông - báo chí, với các kế hoạch truyền thông chi tiết, các thông điệp truyền thông cụ thể, dễ nhớ, dễ làm theo được ban hành trong từng giai đoạn hoặc với từng sự kiện.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu ví dụ, điển hình gần đây phải kể đến những thành quả rõ rệt của công tác phòng chống đại dịch Covid-19, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông chính sách ở Trung ương và các địa phương, với nhiều sáng kiến, cách làm có tính đột phá, mang lại hiệu quả ổn định xã hội, ổn định tâm lý người dân, giúp các tầng lớp nhân dân tin tưởng và ủng hộ các nỗ lực của hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả, đưa xã hội trở về trạng thái bình thường mới.
Hệ thống báo chí, truyền thông cũng góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Công tác điều tiết, định hướng truyền thông cũng có sự trợ giúp của công nghệ trong việc hỗ trợ rà quét, phân tích, điều tiết xu hướng thông tin ... Tất cả để nhằm mục tiêu "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Có đồng quan điểm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, truyền thông chính sách là công cụ góp phần thực hiện các mục tiêu điều hành chính sách, nhất là các chính sách mới, thay đổi thói quen, bảo vệ người dân, nâng cao niềm tin công chúng với việc điều hành chính sách.
Với hoạt động ngân hàng là lĩnh vực chuyên sâu, có tính đặc thù riêng và gắn với yếu tố niềm tin công chúng. So với các lĩnh vực khác, thông tin tiền tệ, ngân hàng có tính nhạy cảm, lan truyền, phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, truyền thông được coi là một trong các trụ cột chính và là kênh truyền dẫn hiệu quả chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng.
Truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.
"Chúng ta lắng nghe xem chính sách đã được chưa, còn sơ hở, vướng mắc điểm nào, làm gì để triển khai thuận lợi. Mình làm đã đúng, đã trúng, đã đạt kết quả chưa, do nguyên nhân chủ quan, khách quan nào, sắp tới mục tiêu là làm gì, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc" - Thủ tướng nêu rõ.
Tăng cường đặt hàng đối với báo chí
Theo số liệu từ Bộ TT&TT, hiện Việt Nam đang có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của quốc gia, 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí và 64 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, TP trực thuộc. Số lượng lao động trực tiếp làm báo trên toàn quốc hiện nay là hơn 60.000 người, trong đó gần 20.000 người được cấp thẻ nhà báo.
Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế báo chí khó khăn do nguồn thu quảng cáo, dịch vụ giảm mạnh. Về thu hút quảng cáo, báo chí chính thống đang mất dần ưu thế so với các nền tảng mạng xã hội khi chỉ chiếm khoảng 40% tổng doanh thu quảng cáo trên toàn thị trường. Do đó các cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách.
Theo Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của nhà đài này khi Đa phần các doanh nghiệp đều cắt giảm ngân sách dành cho quảng cáo trên truyền hình. Hơn thế nữa, thói quen của khán giả cũng đang thay đổi rất nhanh, mọi người dành nhiều thời gian cho các nền tảng số để giải trí và cập nhật tin tức thay vì báo chí.
Đối với Đài Truyền hình Việt Nam hệ thống các kênh tin tức, phổ biến giáo dục, phục vụ hoạt động truyền thông chính sách tập trung chủ yếu trên 7 kênh truyền hình quảng bá của Đài. Chi phí để đảm bảo cho hệ thống truyền thông chính sách của Đài đặc biệt lớn, gần 1.200 tỷ đồng/năm (chưa bao gồm chi phí khấu hao).
Để tận dụng tối đa sức mạnh của báo chí, đưa báo chí thành kênh thông tin chủ lực, nòng cốt thực hiện truyền thông chính sách, pháp luật đến với xã hội, người dân thì Chính phủ, Bộ, ngành, các cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu cơ chế cụ thể để cơ quan báo chí phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách pháp luật tham gia thực hiện truyền thông chính sách. Trong đó, có việc đặt hàng, giao nhiệm vụ thường xuyên, thiết lập kênh kết nối xuyên suốt và phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan để đảm bảo hoạt động này được triển khai ổn định, bền vững và có hiệu quả, ông Lê Ngọc Quang nói.
Nói về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay phần lớn các cơ quan báo chí đều là đơn vị tự chủ về tài chính và không có tiền thường xuyên từ ngân sách, cũng không có đặt hàng từ ngân sách. Các báo đài này dựa trên thị trường 100%. Và dễ có xu thế trở thành báo chí thị trường.
Nếu gộp lại cả báo đài tự chủ và chưa tự chủ tài chính thì ngân sách nhà nước chỉ chiếm 23% tổng chi thường xuyên của báo đài, 77% còn lại là do báo, đài thu từ dịch vụ. Tức là, cái “dạ dày” của báo chí đang được thị trường nuôi tới 77%.
Nhưng vấn đề hiện nay là phần thu dịch vụ của báo chí, nhất là từ quảng cáo, ngày càng bị mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới. 80% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng này, báo chí của chúng ta chỉ còn 20%. Nếu xét toàn bộ thị trường quảng cáo trên các loại phương tiện truyền thông thì báo chí của chúng ta chỉ còn 40%.
Nguồn thu đang bị suy giảm mạnh, báo chí đang khó khăn, và vì thế mà cần hơn nữa đặt hàng từ nhà nước cho báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Về việc sử dụng ngân sách đối với các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan ban hành các Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước liên quan đến hoạt động truyền thông chính sách.
Về bố trí kinh phí, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, kinh phí Ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí trong dự toán của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức đoàn thể ở trung ương, UBND các cấp theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Hoạt động truyền thông chính sách gắn liền đến các hoạt động liên quan của các đơn vị Ngân sách Nhà nước bố trí bố trí cho các nhiệm vụ này được lồng ghép trong kinh phí thực hiện các Chương trình, Đề án và hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan đơn vị lập dự toán cho hoạt động truyền thông chính sách trên cơ sở đề án đã xây dựng và được thông qua.
Hiện, Bộ Tài chính đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước và sẽ tiếp thu kiến nghị của Bộ TT&TT về việc chi ngân sách riêng cho truyền thông chính sách.
Liên quan đến đặt hàng truyền thông chính sách bằng nguồn Ngân sách Nhà nước, trên thực tế vẫn có nhưng có thể chưa đủ hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu do ngân sách Nhà nước còn eo hẹp. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT và các cơ quan truyền thông chính thống để có các giải pháp tăng nguồn ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan truyền thông chính sách của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/truyen-thong-chinh-sach-nham-toi-muc-tieu-dan-biet-dan-hieu.html