Truyền thông Trung Quốc nói về điện đàm giữa ông Tập và ông Zelensky
Ông Tập Cận Bình đã đề cập đến 'lối thoát duy nhất' cho xung đột Nga-Ukraine và khẳng định Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn…
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 26/4 đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi chiến sự nổ ra ở đất nước Đông Âu.
Theo tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily) - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập nói với ông Zelensky rằng Trung Quốc không tạo ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cũng không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng. Ông khẳng định với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) và là một nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn, không thêm dầu vào lửa, và cùng không lợi dụng tình hình để trục lợi.
“Lối thoát duy nhất”
Tất cả mọi thứ Trung Quốc làm đều thẳng thắn, ông Tập nói trong cuộc điện đàm, nhắc lại rằng Trung Quốc vẫn cam kết tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình và sẽ nỗ lực để sớm ngừng bắn và khôi phục hòa bình.
Theo Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, ông Tập đã nói với ông Zelensky rằng “đối thoại và đàm phán” là “lối thoát duy nhất” của cuộc khủng hoảng.
“Về vấn đề khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc luôn đứng về phía hòa bình và lập trường cốt lõi của Bắc Kinh là thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”, CCTV dẫn lời ông Tập nói.
Ông Tập Cận Bình cho biết trong cuộc điện đàm rằng Trung Quốc sẽ cử một đại diện đặc biệt của chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu đến Ukraine và các nước khác để tiến hành trao đổi sâu sắc với tất cả các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, theo Tân Hoa Xã (Xinhua).
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) - một nhật báo khổ nhỏ được quản lý bởi Nhân dân Nhật báo, trong cuộc hội đàm, ông Zelensky đã chúc mừng Chủ tịch Tập tái đắc cử và khen ngợi Trung Quốc vì những thành tựu đáng kể.
Nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ giải quyết thành công nhiều thách thức và tiếp tục tiến lên phía trước. Trung Quốc duy trì các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) trong các vấn đề quốc tế và có ảnh hưởng đáng kể trên trường quốc tế.
Phía Ukraine cam kết thực hiện chính sách một Trung Quốc và hy vọng thúc đẩy hợp tác song phương toàn diện với Trung Quốc, mở ra một chương mới trong quan hệ Ukraine-Trung Quốc và cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định thế giới, ông Zelensky nói.
Ngoài ra, Tổng thống Zelensky cũng đã chia sẻ quan điểm của mình về tình hình hiện tại ở Ukraine với Chủ tịch Tập. Ông cảm ơn Trung Quốc đã hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine và hoan nghênh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc khôi phục hòa bình và tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Sau cuộc điện đàm hôm 26/4, ông Zelensky đã bổ nhiệm ông Pavel Ryabikin, người từng đứng đầu Bộ Công nghiệp Chiến lược của Ukraine, làm đặc phái viên mới của Kiev tại Trung Quốc, theo một sắc lệnh trên trang web của Tổng thống Ukraine. Quốc gia Đông Âu đã không có Đại sứ tại Trung Quốc kể từ tháng 2/2021.
Nhà trung gian hòa giải
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng nước này sẽ tham gia nhiều hơn trên mặt trận ngoại giao để góp phần tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine và vai trò mà Bắc Kinh có thể đảm nhận đã được cả Kiev và Moscow chân thành hoan nghênh, bất chấp một số tiếng nói khác ở phương Tây.
Ông Wang Xiaoquan, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 26/4 rằng cuộc điện đàm theo lời mời của phía Ukraine chứng tỏ rằng quốc gia Đông Âu rất coi trọng mối quan hệ của mình với Trung Quốc và công nhận vai trò chính của Bắc Kinh trong việc giải quyết cuộc xung đột.
“Trung Quốc đã trở thành một trung gian hòa giải có ảnh hưởng được Ukraine và Nga cũng như Pháp và Đức công nhận, có nghĩa là lập trường của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng là công bằng và khách quan và Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm không tìm kiếm lợi ích cá nhân”, ông Wang lưu ý.
Ngoại giao giữa các Nguyên thủ Quốc gia là cách để mở kênh đối thoại, tạo không khí rồi định hướng, còn nhiều vấn đề cụ thể cần tháo gỡ, như vai trò của Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, ông Cui Hongjian, Giám đốc Khoa Nghiên cứu châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 26/4.
Đặc phái viên của phía Trung Quốc sẽ giải quyết các vấn đề theo hướng này và điều này sẽ khiến Bắc Kinh hiểu rõ hơn về tình hình một cách cụ thể và toàn diện hơn, giúp Bắc Kinh thúc đẩy tốt hơn các giải pháp chính trị, ông Cui lưu ý. “Tôi nghĩ rằng sẽ có những biện pháp cụ thể hơn trong kế hoạch trong tương lai”, ông nói.
Hồi tháng 3, Trung Quốc đã hòa giải thành công căng thẳng giữa Ả Rập Xê-út và Iran, làm trung gian cho một thỏa thuận giữa hai quốc gia Trung Đông trước đây là thù địch, cho phép nối lại quan hệ ngoại giao song phương.
Hồi tháng 2, vào dịp xung đột quân sự Nga-Ukraine cán mốc một năm, Trung Quốc đã công bố một tài liệu gồm 12 điểm có tựa đề “Lập trường của Trung Quốc về giải quyết chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”, trong đó nhấn mạnh lời kêu gọi ngừng chiến sự và nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.
Các chuyên gia cho rằng, Đại diện đặc biệt của Chính phủ Trung Quốc có thể mang lại bước đột phá quan trọng cho một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng có tâm điểm nằm ở châu Âu.
“Cả Ukraine và Nga đều hoan nghênh nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy ngừng bắn và một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Trung Quốc không đổ thêm dầu vào lửa, cung cấp vũ khí cho bên nào hoặc tấn công họ, đó là lý do tại sao Trung Quốc có thể đối thoại với cả Nga và Ukraine”, Zhang Hong, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết.
Ông Zhang cho biết thêm rằng Bắc Kinh là một trung gian hòa giải đủ điều kiện trong trường hợp này, nhưng khẳng định nó khó khăn và phức tạp hơn so với hòa giải Iran và Ả Rập Xê-út, bởi vì hai quốc gia Trung Đông không trực tiếp chiến đấu với nhau, và Riyadh và Teheran có quyền tự chủ chiến lược và có thể đưa ra các quyết định chiến lược độc lập.
Do đó, có thể còn quá sớm để đặt kỳ vọng cao vào một giải pháp hòa bình ngay lập tức cho xung đột Nga-Ukraine và toàn bộ tiến trình hòa bình sẽ cần thời gian, các chuyên gia cho biết.
Ông Li Haidong, giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 26/4 rằng kể từ năm 2022, nhiều quốc gia bao gồm Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng hòa giải xung đột giữa Nga và Ukraine, nhưng những nỗ lực này đã không đạt được những kết quả có ý nghĩa, và cuộc xung đột vẫn còn lâu mới kết thúc.
Điều này khiến cả Kiev và Moscow, cũng như các bên khác liên quan đến cuộc khủng hoảng, tìm kiếm hy vọng từ một nhà trung gian hòa giải khác có ảnh hưởng đáng tin cậy và sự chân thành.
Phản ứng của các bên
Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Ukraine Zelensky viết trên Twitter: “Tôi đã có một cuộc điện đàm dài và đầy ý nghĩa với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi tin rằng cuộc điện đàm này, cũng như việc bổ nhiệm Đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương”.
Còn trong bài phát biểu video trước toàn quốc hàng đêm hôm 26/4, ông Zelensky cho biết có “một cơ hội sử dụng quyền lực chính trị của Trung Quốc để củng cố các nguyên tắc và quy tắc mà trên đó hòa bình nên được xây dựng”.
“Ukraine và Trung Quốc, giống như tuyệt đại đa số của thế giới, đều có mối quan tâm như nhau đối với sức mạnh chủ quyền của các quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”, nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Ông cũng cho biết ông Tập đã bày tỏ ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc giữa Nga và Ukraine từ các cảng ở Biển Đen. Trước đó, Moscow cho biết thỏa thuận sẽ không được gia hạn sau ngày 18/5 trừ khi phương Tây dỡ bỏ những trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.
Phản ứng với cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Ukraine và Trung Quốc, Nhà Trắng hôm 26/4 bày tỏ hoan nghênh động thái đối thoại này, nhưng cho biết còn quá sớm để nói liệu nó có dẫn đến một thỏa thuận hòa bình hay không.
Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, trong chuyến công du Bắc Kinh hồi đầu tháng này, nhà lãnh đạo Pháp đã thúc đẩy ông Tập Cận Bình thực hiện cuộc điện đàm với ông Zelensky.
Cuộc chiến kéo dài 14 tháng đang ở thời điểm then chốt, với việc Ukraine chuẩn bị phát động một cuộc phản công sau cuộc tấn công mùa đông của Nga, trong khi giao tranh vẫn không ngừng tăng nhiệt ở Donbass, đặc biệt là điểm nóng Bakhmut.
Không có cuộc đàm phán hòa bình nào trước mắt, với việc Kiev yêu cầu Nga rút quân trong khi Moscow khẳng định Ukraine phải chấp nhận “thực tế” lãnh thổ đối với các khu vực họ đã sáp nhập.
“Không thể có hòa bình nếu đánh đổi bằng các thỏa hiệp về lãnh thổ”, ông Zelensky viết trên Twitter hôm 26/4.
Sau cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Zelensky, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong một cuộc họp báo hôm 26/4: “Chúng tôi ghi nhận sự sẵn sàng của phía Trung Quốc trong nỗ lực thiết lập một quá trình đàm phán”.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga cũng lưu ý rằng trong điều kiện hiện tại, các cuộc đàm phán khó có thể xảy ra, và đổ lỗi cho Kiev vì đã từ chối các sáng kiến của Moscow.
Minh Đức (Theo People’s Daily, Global Times, Reuters)