TS Lê Đăng Doanh: Đảng bộ Bộ Công Thương 'góp sức' vào tăng trưởng kinh tế
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2025 có đóng góp tích cực của ngành Công Thương, điển hình là sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ Bộ Công Thương.
Ngành Công Thương đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19 và xung đột thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2025 vẫn gặt hái được những kết quả tích cực. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2025 có sự đóng góp tích cực của ngành Công Thương, cụ thể là Đảng bộ Bộ Công Thương.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh đánh giá cao đóng góp của Đảng bộ Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Quốc Chuyển
- Nhiệm kỳ 2020-2025 ghi nhận nhiều kết quả nổi bật trong công nghiệp, xuất khẩu, thị trường nội địa. Theo ông, đâu là dấu ấn quan trọng nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Bộ Công Thương trong giai đoạn này?
TS Lê Đăng Doanh: Giai đoạn 2020-2025, kinh tế Việt Nam chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, xung đột địa chính trị và chiến tranh thương mại leo thang, quá trình toàn cầu hóa bị chậm lại, trong đó năm 2021 và 2023 là các năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất dẫn đến sụt giảm kinh tế nghiêm trọng toàn cầu, khu vực và Việt Nam. Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, quyết tâm vượt khó của doanh nghiệp, nền kinh tế nói chung và ngành Công Thương nói riêng, nền kinh tế Việt Nam từng bước được phục hồi và đạt kết quả tích cực.
Các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Công Thương cơ bản được duy trì khá tích cực, một số chỉ tiêu tăng trưởng như xuất nhập khẩu và năng lượng đạt và vượt mức kế hoạch giao, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp luôn chiếm tỷ trọng trên 30% trong cơ cấu GDP, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng chính của ngành (chiếm tỷ trọng trên 80%), từng bước khẳng định là một trong những trung tâm sản xuất của châu Á, được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đưa vào nhóm các nền kinh tế công nghiệp thu nhập trung bình.
Ngành điện cơ bản đáp ứng mục tiêu bảo đảm điện cho phát triển kinh tế - xã hội; chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi đạt kết quả tích cực với tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới điện quốc gia đạt trên 99%, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN (sau Indonesia) và đứng thứ 30 trên thế giới vào năm 2024 về mức độ phát triển của hạ tầng ngành điện.
Ngành dầu khí phát triển ngày càng đồng bộ từ hạ nguồn đến thượng nguồn, sản lượng xăng dầu đáp ứng khoảng 60% nhu cầu trong nước; sản lượng khí (bao gồm khí trong nước và LNG) đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất điện và các ngành công nghiệp. Các tập đoàn tư nhân như Hòa Phát, Vingroup… cũng đóng góp tích cực vào sản xuất và kinh doanh trên thị trường.
Nhiệm kỳ 2020-2025 cũng ghi dấu ấn trong lĩnh vực xuất khẩu, cụ thể xuất khẩu đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP (tỷ lệ xuất khẩu/GDP tăng từ 72,7% năm 2021 lên khoảng 85% năm 2025) với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10% và bước vào nhóm 20 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới; kim ngạch xuất khẩu vượt mức trên 800 tỷ USD vào năm 2024, thặng dư thương mại được duy trì liên tục ở mức cao và đạt mức kỷ lục vào năm 2024 (đạt 25 tỷ USD), tạo nguồn ngoại tệ ổn định, giảm áp lực tỷ giá và hỗ trợ dự trữ ngoại hối.
Thị trường trong nước tiếp tục là bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là khi có các biến động lớn từ thị trường bên ngoài, thuộc nhóm các quốc gia có thị trường nội địa lớn và tăng trưởng nhanh, được củng cố bởi thị trường hơn 100 triệu dân và sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, đặc biệt trong các lĩnh vực như thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh và thương mại điện tử. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá cao, ước tăng khoảng 7% mỗi năm.
Thương mại điện tử tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm và đạt mốc 25 tỷ USD vào năm 2024, chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước và xấp xỉ 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam; xếp hạng top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Xuất khẩu để lại dấu ấn đậm nét trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2020-2025. Ảnh minh họa
Đảng bộ Bộ Công Thương phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong nhiệm kỳ mới
- Xuất khẩu được đánh giá là một “điểm sáng” của bức tranh kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2025, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
TS Lê Đăng Doanh: Có thể nói, xuất khẩu đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP (tỷ lệ xuất khẩu/GDP tăng từ 72,7% năm 2021 lên khoảng 85% năm 2025) với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10% và bước vào nhóm 20 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới; kim ngạch xuất khẩu vượt mức trên 800 tỷ USD vào năm 2024, thặng dư thương mại được duy trì liên tục ở mức cao và đạt mức kỷ lục vào năm 2024 (đạt 25 tỷ USD), tạo nguồn ngoại tệ ổn định, giảm áp lực tỷ giá và hỗ trợ dự trữ ngoại hối.
6 tháng đầu năm 2025, theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 17,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD. Trong đó, về xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 72,3%).
Kết quả xuất khẩu đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025 và cơ hội hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025. Để có được kết quả đó, tôi đánh giá cao công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã rất nỗ lực trong xây dựng chính sách, tìm các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp hoạt động, tận dụng tối đa những lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết và kết thúc đầm phán, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất - nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng. Ảnh minh họa
- Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 sắp diễn ra, với cương vị là một chuyên gia kinh tế, ông kỳ vọng gì vào Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ tới?
TS Lê Đăng Doanh: Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra trong thời điểm rất đặc biệt, khi đất nước đã trải qua 40 năm đổi mới với nhiều thành tựu toàn diện, đồng thời đứng trước những yêu cầu rất cao về phát triển nhanh, bền vững, thích ứng với xu thế chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, vận hành kinh tế số, doanh nghiệp số, Chính phủ điện tử, tiếp tục hội nhập sâu rộng. Thị trường trong nước cũng đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trong nước với những sản phẩm nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Bộ Công Thương càng trở nên then chốt trong việc định hình chiến lược phát triển ngành, đảm bảo cho Công Thương tiếp tục là trụ cột trong tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngành Công Thương cần hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia trong nước và ngoài nước để thúc đẩy đổi mới khoa học, công nghệ trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tôi kỳ vọng Đảng bộ Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động đổi mới tư duy lãnh đạo, nâng cao năng lực hoạch định chính sách, đặc biệt là ở các lĩnh vực then chốt như phát triển công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo an ninh năng lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu và hỗ trợ hiệu quả khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số trong điều hành để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng vào việc Đảng bộ Bộ Công Thương sẽ tiếp tục khơi dậy và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành, tạo nên sức mạnh tập thể, lan tỏa tinh thần dấn thân, trách nhiệm, đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là động lực để ngành Công Thương thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ mới, góp phần cùng cả nước hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và 2 con số giai đoạn 2026-2030, từ đó hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nhiệm kỳ 2020-2025, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Công Thương cơ bản được duy trì khá tích cực, một số chỉ tiêu tăng trưởng như xuất nhập khẩu và năng lượng đạt và vượt mức kế hoạch giao, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.