TS. Nguyễn Đình Cung: 'Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh đang rất cấp thiết'

Nói về tình hình khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp từ đầu năm đến nay, trả lời phỏng vấn của NB&CL, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, để tháo gỡ những khó khăn, ách tắc đó, cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng quá trình này còn rất khó khăn, nhiều khi mới chỉ dừng lại ở việc điểm danh các việc phải làm.

+ Đã qua nửa năm tình hình sản xuất kinh doanh đang cho thấy rõ ràng là xu hướng xấu đi ngày càng rõ, những ảnh hưởng xấu từ tình hình thế giới đang càng ngấm sâu hơn vào kinh tế trong nước. Khi được hỏi dự cảm về những tháng tới, phần đông các doanh nghiệp cho rằng “vẫn xấu”. Ông nhìn về triển vọng tăng trưởng và khả năng phục hồi thế nào?

- Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp chưa kịp phục hồi sau cú shock đại dịch COVID-19 thì chịu ngay tác động bất lợi từ cú shock thứ hai - cú shock sụt giảm nhanh cầu nhập khẩu và lạm phát từ bên ngoài, nhất là từ các bạn hàng thương mại chủ yếu… Hệ quả, như chúng ta đã biết. Các động lực tăng trưởng (sản xuất công nghiệp, xuất khẩu) liên tục suy giảm. Nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản, số còn lại cũng bị yếu đi sau đại dịch và đang phải phục hồi. Thực trạng doanh nghiệp nói chung có thể còn bi đát hơn con số rút khỏi thị trường.

Cả nền kinh tế và doanh nghiệp có thể mất nhiều năm mới có thể phục hồi lại nhịp độ phát triển như thời kỳ trước đại dịch. Thực trạng này đe dọa các mục tiêu phát triển kinh tế. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2023 thì áp lực của 3 quý còn lại rất lớn. Tôi thấy, việc đạt các mục tiêu kinh tế của kế hoạch kinh tế - xã hội 2023, và kế hoạch 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn và thách thức, có thể trở nên bất khả thi.

Mục tiêu và khát vọng đang xa ra. Tăng trưởng kinh tế đang suy giảm nhanh chóng. Cứ 10 năm tăng trưởng GDP trung bình giảm hơn 0,5 điểm %. Như vậy, thời gian tăng trưởng cao là quá ngắn, không đủ để có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Trong khi nhìn cả dài hạn và ngắn hạn trước mắt, nền kinh tế nước ta đang đều có xu hướng suy giảm.

+ Trong những lần tiếp xúc với doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp thì dường như niềm tin đang giảm sút, tâm trạng kinh doanh đang bất an và họ cho rằng môi trường kinh doanh đang xấu đi?

- Đây là thực trạng buồn, rất đáng lo, là vấn đề phải trăn trở. Thực trạng suy giảm kinh tế đe dọa các mục tiêu phát triển kinh tế đặt ra yếu cầu cấp bách đối với cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Cải cách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh là nhân tố cần thiết, không thể thiếu để phục hồi kinh tế, tạo dựng những động lực tăng trưởng mới bù đắp sự suy giảm liên tục của các động lực tăng trưởng truyền thống và để chống chọi với những yếu tố bất lợi từ bên ngoài.

Kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước cho thấy cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh là hỗ trợ thiết thực, giá trị nhất đối với doanh nghiệp trong thời kỳ sau khủng hoảng.

Thế nhưng cải cách cải thiện môi trường kinh doanh đang không được quan tâm đúng mức mà đã chùng lại, yếu đi nhiều so với trước và còn xa mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.

Chúng ta đã chứng kiến hàng loạt các sự việc và hiện tượng làm môi trường kinh doanh xấu đi. Xuất hiện nhiều quy định tạo ra rào cản mới gây thêm khó khăn và tăng thêm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Ba năm qua đã có hàng loạt sự việc xảy ra mà nguyên nhân chủ yếu là sự yếu kém, thiếu kinh nghiệm quản lý của các cơ quan nhà nước có liên quan. Đó là đến thị trường chứng khoán sụt giảm nhanh và mạnh với tốc độ nhất thế giới, thị trường trái phiếu đứt gãy, mất thanh khoản. Và sự đứt gãy nghiêm trọng và kéo dài chưa từng có của thị trường xăng dầu. Rồi cuộc khủng hoảng dịch vụ kiểm định xe cơ giới…

Thực tiễn cũng cho thấy thái độ đồng hành, chia sẻ, cảm thông đối với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp đã mất dần. Thay vào đó là thái độ thờ ơ, bàng quan trước khó khăn của người dân và doanh nghiệp.

Cách thức làm việc theo tư tưởng kiến tạo, tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp bị thay thế bởi cách thức làm thiên về kiểm tra, kiểm soát, can thiệp hành chính chủ quan, coi doanh nghiệp là đối tượng quản lý…

Thực tế nói trên đang làm giảm dần niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với chính sách, luật pháp và hiệu lực quản lý của cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Hậu quả là các doanh nghiệp có xu hướng trì hoãn đầu tư mở rộng quy mô, ngành nghề kinh doanh.

 Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: L.T

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: L.T

+ Nhưng như ông nói, cải cách đang chùng xuống, yếu đi. Để tạo luồng sinh khí mới trong môi trường kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế chúng ta cần làm gì?

- Tôi không tập trung vào “phải làm gì” như thông lệ. Bởi phải làm gì đã rất rõ. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã xác định mục tiêu và định hướng về cải thiện môi trường kinh doanh đã rất rõ.

Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta là quá trình cực kỳ khó khăn. Quá trình đó mới chỉ dừng lại ở điểm danh các việc phải làm. Còn ai làm, làm thế nào và làm khi nào, thì hầu như còn bỏ ngỏ.

Vấn đề là ai làm. “Ai làm cải cách” là yếu tố quyết định thành bại của quá trình cải cách.

+ Vậy, theo ông ai làm, làm thế nào và khi nào?

- Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là cấp thiết để phục hồi kinh tế sau khi bị tác động liên tiếp của hai cú shocks. Lâu nay, chúng ta dựa vào bộ máy hành chính, chủ yếu là các bộ ngành để thực hiện cải cách. Cách này đã chứng tỏ là không phù hợp bởi vì bộ máy hành chính không làm gì một cách thực chất hoặc chỉ là theo cách mà không ảnh hưởng đến vai trò, chức năng, quyền và lợi của họ.

Thực tế cũng cho thấy, những cải cách được đề xuất bởi cơ quan độc lập, trung tính không có chức năng quản lý nhà nước đều mang lại kết quả tích cực, có tác động lớn đối với phát triển kinh tế đất nước.

Vậy ai sẽ đưa sáng kiến và làm các đề án cải cách? Tôi kiến nghị Chính phủ nên lập một “quốc vụ khanh” hay bộ trưởng không bộ chuyên trách và Văn phòng cải cách với một nhóm chuyên gia xuất sắc độc lập.

Văn phòng này đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, đề xuất sáng kiến, soạn thảo các đề án cải cách, báo cáo trực tiếp với Thủ tướng. Văn phòng cũng có chức năng theo dõi, đánh giá và giám sát kết quả thực hiện các chương trình, đề án cải cách cụ thể.

Tôi kiến nghị Chính phủ sớm khôi phục lại chương trình cải thiện môi trường kinh doanh liên tục và toàn diện bằng một nghị quyết riêng, hàng năm của Chính phủ.

Chương trình này bám sát mục tiêu và định hướng cải thiện môi trường kinh doanh đã xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, với các nhiệm vụ: Thu hẹp tối đa phạm vi ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh bất hợp lý; Xóa bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh; Giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp; Xóa bỏ rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân… Và phát triển đầy đủ, đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất… huy động, phân bố và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo nguyên tắc thị trường.

+ Xin cảm ơn ông!

Hà Linh (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ts-nguyen-dinh-cung-cai-cach-the-che-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-dang-rat-cap-thiet-post252469.html