TS.Nguyễn Đình Cung: 'Chi mạnh tay hơn để cứu trợ nền kinh tế'

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nếu không có chương trình phục hồi tăng trưởng với tốc độ được đẩy nhanh thì có nguy cơ về 'viễn cảnh không tươi sáng'.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 1/10 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Mở cửa theo lộ trình an toàn

Tại hội nghị, ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, Việt Nam cần đưa ra một lộ trình chắc chắn và an toàn để doanh nghiệp chủ động mở cửa trở lại.

Về trung hạn, đại diện ADB khuyến nghị các ngân hàng tại Việt Nam cần cẩn trọng khi tỉ lệ nợ xấu có thể gia tăng. Đối với những nhân tố khách quan, chi phí logistics toàn cầu cũng như tại Việt Nam đang tăng mạnh, Việt Nam cần chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển lĩnh vực vận tải đa phương tiện…

Đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam nên nới lỏng các điều kiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt để giảm khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Cũng theo tổ chức này, trong khi ngân sách Trung ương có thặng dư thì ngân sách địa phương lại thâm hụt, cần có chính sách về mặt tài khóa để khắc phục.

Về thu ngân sách, đại diện IMF khuyến nghị thay vì tập trung vào miễn giảm hoãn thuế, cần hướng đến giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, cụ thể là chuyển khoản lỗ của doanh nghiệp về các năm trước.

Hội nghị tham vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chuẩn bị xây dựng chương trình phục hồi kinh tế (Ảnh: MPI).

Hội nghị tham vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chuẩn bị xây dựng chương trình phục hồi kinh tế (Ảnh: MPI).

Muốn phục hồi nhanh thì chi mạnh tay hơn

Cũng tại hội nghị, TS.Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, Việt Nam vẫn còn những dư địa để phục hồi kinh tế trong các năm tới. Đó là tỉ lệ lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ ổn định, hệ thống tài chính ổn định, đặc biệt là tỉ lệ bội chi ngân sách còn thấp.

Ông Cung cho rằng, cần đánh giá thực chất hơn, thẳng thắn hơn khi đây là năm thứ 2 không đạt mục tiêu phát triển được đề ra trong kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Tăng trưởng năm nay cũng chỉ có thể đạt khoảng 3%, tức là để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 5 năm (2021-2025) thì 4 năm sắp tới tăng trưởng phải ở mức 7-7,5%. "Đây là một mục tiêu rất cao. Nếu chúng ta vẫn giữ mục tiêu thì nhất thiết phải tăng tốc ở những năm 2022-2023-2024", ông Cung nhận định.

Lý giải vì sao các nước phát triển phục hồi với tốc độ nhanh, ông Cung cho biết tăng trưởng GDP của họ có giảm nhưng thu nhập bình quân vẫn cao, cầu bùng nổ sau đại dịch. Còn ở Việt Nam lại khác. Ông Cung cho biết, chúng ta bị tổn thất rất nhiều do dịch bệnh, cầu giảm rất mạnh.

Năng lực phục hồi cả ở cung lẫn cầu yếu, các doanh nghiệp gặp điểm nghẽn về nguồn lực khi cả trăm nghìn lao động về quê tránh dịch khó quay trở lại làm việc trong thời gian ngắn. Nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn. Do vậy, theo ông Cung, nếu chúng ta không có chương trình phục hồi tăng trưởng với tốc độ được đẩy nhanh thì có nguy cơ về "viễn cảnh không tươi sáng".

TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần chi mạnh tay hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.

TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần chi mạnh tay hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế.

Đề cập đến yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế là dư địa chính sách, ông Cung cho biết hiện nay có nhiều điều kiện đã tốt hơn nhiều so với đợt khủng khoảng hơn 10 năm trước. Dư địa còn hay không theo ông Cung, còn do sự đánh giá của chính chúng ta.

"Tại thời điểm này chúng ta phải chi mạnh vào", ông Cung nhấn mạnh và cho rằng, ngoài về tiền tệ thì có thể tăng tín dụng…

Ông Cung cho hay, Việt Nam xác định theo hướng sản xuất phải an toàn với dịch bệnh. An toàn sinh mệnh và sinh kế là 2 mặt của một vấn đề, chúng gắn liền với nhau. Song chúng ta không thể nhấn quá mạnh y tế mà quên sinh kế.

"Việc phục hồi phải diễn ra nhanh chóng, sử dụng nguồn lực đúng mục đích, hiệu quả, giải pháp khả thi, thực hiện được ngay, thậm chí có thể phi truyền thống. Nếu áp dụng hành chính như thời gian vừa rồi khó thực hiện", ông Cung nói.

Đồng tình, TS.Cấn Văn Lực chỉ cho rằng các nước trên thế giới đang chi mạnh tay hơn để cứu trợ nền kinh tế. Nhiều nước sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách, tăng tỉ lệ nợ công lên để hỗ trợ nền kinh tế. Ông cho biết tỉ lệ bội chi ngân sách toàn cầu đã tăng thêm 7 điểm % (từ 3,2% lên 10,2%) trong thời gian qua.

Vị này cho biết ADB, WB sẵn sàng cho Việt Nam vay với lãi suất dưới 1% trong 7-8 năm. "Chúng ta nên chấp nhận việc nới lỏng một cách phi chu kỳ như thế này, sau đó sẽ có lộ trình vào củng cố tài khóa, củng cố lại kinh tế vĩ mô", ông Lực nêu ý kiến.

Ông Lực đề xuất Chính phủ chuyển đổi chiến lược, từ mục tiêu kép đến đa mục tiêu. Cần thêm mục tiêu an sinh, y tế, an ninh lương thực, an sinh xã hội, năng lực trước các cú sốc bên ngoài. Ngoài ra, sau khi thay đổi mô hình và chiến lược phòng chống dịch thì phải nhất quán trong thực hiện.

Tinh gọn các thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp

Là ngành chịu tổn thất nặng nề sau gần 2 năm dịch bùng phát, bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, có hơn 50.000 doanh nghiệp ngành du lịch dừng hoạt động, 2 triệu lao động trực tiếp và 4 triệu lao động gián tiếp mất việc.

Từ đầu năm 2020 đến nay, hiệp hội đã triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa nhưng đều phải dừng lại vì các đợt bùng phát dịch.

Từ nay đến giữa năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu phục hồi. Theo bà Lan, để mục tiêu này trở nên thực tế hơn, các chính sách tiền tệ mà Chính phủ đưa ra cần thông thoáng và có các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt. Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành gần như tê liệt vì phải đóng của, 60% doanh nghiệp rất khó phục hồi lại được.

Chính phủ cần có chính sách cụ thể hỗ trợ từng loại doanh nghiệp lữ hành, từ doanh nghiệp phải phá sản, giải thể đến các doanh nghiệp cố gắng hoạt động trở lại. Tạo điều kiện đón khách du lịch quốc tế, có sự ưu tiên trong tiêm vắc-xin cho nhân lực trong lĩnh vực du lịch, xác định áp dụng ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành.

Các chuyên gia đánh giá, tốc độ tiêm chủng tỉ lệ thuận với tốc độ phục hồi kinh tế (Ảnh: Phạm Tùng).

Các chuyên gia đánh giá, tốc độ tiêm chủng tỉ lệ thuận với tốc độ phục hồi kinh tế (Ảnh: Phạm Tùng).

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng chia sẻ, ngành dệt may chịu ảnh hưởng từ quý II/2021 khi dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh bùng phát. Thời điểm hiện tại, ngành dệt may rất bi đát khi 19 tỉnh phía Nam giãn cách kéo dài.

Theo ông Cẩm, sau khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc, thị trường châu Âu giảm nhu cầu, giờ đến lượt doanh nghiệp không đáp ứng được kế hoạch sản xuất.

Đáng lo ngại, sau khi Việt Nam khống chế được dịch, dự báo chỉ khoảng 60 - 65% lao động có thể quay trở lại làm việc.

“Việc quay trở lại này cũng không hề dễ dàng khi tay nghề công nhân có nguy cơ giảm sút. Ngoài ra, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ đứt gãy dòng tiền, chi phí quá lớn trong khi sản xuất lại bị đình trệ”, ông Cẩm nêu.

Thay mặt ngành dệt may, ông Cẩm kiến nghị Chính phủ cần giao chỉ tiêu kinh tế cho các địa phương, để đảm bảo mục tiêu kép, tiêm vắc-xin sớm cho lao động ngành để duy trì sản xuất.

Cũng tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (VASMIE) đánh giá các gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành còn thấp và việc giảm hoãn thuế còn mang tính cầm chừng, mức độ hỗ trợ còn ít so với nhu cầu, thời gian hỗ trợ ngắn, thủ tục rườm rà.

Đại diện VASMIE kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan điều chỉnh các gói hỗ trợ phù hợp hơn với các bên cần hỗ trợ. Còn giải pháp căn cơ là đẩy nhanh tốc độ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cho 80% dân số trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần thay đổi gói hỗ trợ theo sát nhu cầu của doanh nghiệp hơn bởi nhiều chính sách hiện nay không còn phù hợp với thực tế. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chịu lãi suất tín dụng 9-10%, đề nghị giảm xuống 7-8% cho tất cả khoản vay, kể cả khoản vay cũ.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ts-nguyen-dinh-cung-chi-manh-tay-hon-de-cuu-tro-nen-kinh-te-a529279.html