TS Nguyễn Trí Hiếu: Đa dạng hóa thị trường để bù đắp suy giảm xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 đều giảm là tín hiệu đáng lo lắng cho nền kinh tế Việt Nam.
Trao đổi với Kinh tế &Đô thị, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ, Bộ Công Thương cần quyết liệt hơn trong triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để bù đắp sự suy giảm khi Mỹ, châu Âu rơi vào khủng hoảng.
Xuất siêu và những bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam
Cán cân thương mại của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 thiên về xuất siêu 6,35 tỷ USD. Quan điểm của ông như thế nào về con số thặng dư thương mại này?
- Xuất siêu là do cả xuất khẩu và nhập khẩu trong 4 tháng qua đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó nhập khẩu giảm nhanh hơn xuất khẩu và từ đó tạo ra xuất siêu. Như vậy, con số xuất siêu này không được xem là “điểm sáng” của nền kinh tế, thậm chí là đây là điểm không tích cực, bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam.
Ông có thể phân tích kỹ hơn về việc xuất siêu nhưng lại tạo bất lợi cho với nền kinh tế Việt Nam?
- Cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm là tín hiệu đáng lo lắng cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là về xuất khẩu. Như chúng ta đã biết, nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất khẩu, nhưng hiện nay các thị trường xuất khẩu của Việt Nam thu hẹp lại, hay nói cách khác là các quốc gia nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đang ở trong khủng hoảng.
Chính vì thế mà lượng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các nước đó suy giảm, và điều này nằm ngoài sự kiểm soát của Việt Nam. Việc này đòi hỏi Việt Nam cần phải nhìn nhận và tìm hướng giải quyết.
Về nhập khẩu, việc giảm nhập khẩu là một tín hiệu nền kinh tế của chúng ta đi vào sự trì trệ. Vì vậy, chúng ta phải đưa ra giải pháp vừa mang tính nội tại của nền kinh tế, vừa mang tính tìm những cái thị trường ở ngoài nền kinh tế.
Về xuất khẩu, chúng ta luôn dựa vào thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, sau đó đến châu Âu thì có lẽ đây là thời điểm chúng ta nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để bù đắp sự suy giảm khi Mỹ, châu Âu rơi vào khủng hoảng.
Điều đáng lưu tâm, hiện tại Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đây cũng là rủi ro vì nếu nền kinh tế của Trung Quốc gặp khó khăn thì hàng hóa của Trung Quốc sang Việt Nam cũng gặp những trở ngại.
Vì thế, chúng ta cần phải đa dạng hóa không những cả thị trường xuất khẩu mà cả thị trường nhập khẩu.
Tuy nhiên, nói thì dễ, trên thực tế để đi tìm những thị trường khác có thể thay thế thị trường xuất khẩu Mỹ và châu Âu và thị trường nhập khẩu Trung Quốc là điều rất khó tại thời điểm này.
Theo tôi, đây là một năm mà chúng ta nhìn thấy có rất nhiều tác động tiêu cực từ thị trường Trung Quốc đến nền kinh tế Việt Nam.
Theo dõi sát diễn biến nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc
Thị trường Mỹ hiện vẫn là thị trường đứng số 1 về nhập khẩu hàng hóa
Việt Nam. Ông có dự báo như thế nào về thị trường này trong năm 2023?
- Thị trường Mỹ hiện tại đang ở trong đợt khủng hoảng mà khủng hoảng đó đến từ nhiều phía, phần lớn đến từ chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ.
Từ hai năm nay, Mỹ đang đối diện với lạm phát tăng rất cao như năm 2022 có lúc lên đến 9% (trong khi tỷ lệ lạm phát mục tiêu của Mỹ chỉ 2%). Hiện tại, lạm phát ở quốc gia này đã được kéo xuống mức 6%, song vẫn còn rất cao so với lạm phát mục tiêu của họ.
Trong tình hình này, Mỹ buộc phải tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.
Tôi dự đoán trong năm 2023, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Với chính sách này, giá cả hàng hóa không những tăng mà còn khiến việc tiêu thụ của nền kinh tế Mỹ gặp vấn đề về tín dụng (vì người Mỹ họ chi tiêu bằng thẻ tín dụng, vay tiêu dùng với hầu hết các loại hàng hóa). Khi lãi suất tăng lên thì dĩ nhiên sẽ hạn chế vay tiêu dùng.
Tiêu dùng của Mỹ giảm đi, trong đó có nhu cầu tiêu dùng những sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu.
Ông nhận định ra sao về thị trường Trung Quốc từ khi chính thức mở cửa trở lại (ngày 8/1/2023) đến nay?
- Sự mở cửa trở lại của Trung Quốc là điều cần thiết cho thế giới và cho cả
Việt Nam. Việc nước này ngưng áp dụng chính sách “Zero Covid” làm tăng lại sức sản xuất của Trung Quốc và nước này tiếp tục cung cấp hàng hóa cho tất cả các thị trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các DN xuất khẩu của nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…
Một trong những rào cản cố hữu đối với DN xuất khẩu Việt Nam đó là chi phí dịch vụ logictics rất cao, dẫn đến khó nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Nói đến xuất khẩu và nhập khẩu thì các DN Việt Nam phải dựa hoàn toàn vào thị trường logictics quốc tế. Từ chuyên chở các loại hàng hóa thực phẩm nông sản đến dầu thô đều phải vận chuyển bằng đường biển với mức chi phí cao.
Đây là điều bất lợi cho Việt Nam, và để cải thiện vấn đề này là nằm ngoài khả năng của Việt Nam. Bởi, chúng ta chỉ có thể cải thiện được chi phí đối vận chuyển nội địa mà thôi, đó là linh hoạt chuyển đổi đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không.
Khó đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 371,5 tỷ USD. Năm 2023, Bộ Công Thương phấn đấu đạt tăng trưởng xuất khẩu 6%, tương đương với con số 394 tỷ USD. Liệu mục tiêu này có khả thi, thưa ông?
- Đây là mục tiêu thể hiện sự quyết tâm của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng khó để có thể đạt được con số mục tiêu nêu trên. Trong bối cảnh thị trường hiện tại, với tất cả những biến chuyển trên hệ thống tài chính thế giới cũng như những vấn đề xung quanh xung đột Nga - Ukraine.
Những lệnh trừng phạt của phương Tây, những biện pháp cấm vận đối với Nga đã và đang ảnh hưởng tới thị trường toàn thế giới. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam về ngoại thương là hết sức khó khăn.
Trong báo cáo đánh giá tình hình xuất nhập khẩu mới đây của Bộ Công Thương, bộ có đưa ra giải pháp trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại vào những thị trường mới như: châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latin, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ… Ông nhận định như thế nào về tiềm năng của những thị trường này?
- Đó là giải pháp mà Chính phủ, Bộ Công Thương đã đi đúng hướng khi tìm cách xâm nhập vào những thị trường mà Việt Nam chưa khai thác hoặc chưa phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng không hề dễ dàng để có thể khai phá thị trường mới và đặc biệt nữa là những thị trường châu Mỹ La tinh cũng như là thị trường châu Phi, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là những thị trường mà họ cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Ở góc độ chuyên gia, ông có khuyến nghị gì đối với DN xuất khẩu của Việt Nam?
-
Với các DN xuất khẩu Việt Nam cần phải quan tâm rất nhiều đến vấn đề chất lượng hàng xuất khẩu. Thực tế, trong thời gian qua, không ít trường hợp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo nhiều trường hợp là bị đối tác trả lại do không đạt được tiêu chí về an toàn thực phẩm, về thuế quan hay lĩnh vực pháp lý.
Do đó, các nhà xuất khẩu phải luôn coi trọng, hiểu rõ những quy định của hiệp định thương mại và tuân thủ mọi phương diện trong hiệp định thương mại. Đặc biệt là những quy định về an toàn thực phẩm, quy định môi trường, lao động. Đây là vấn đề hàng đầu cho tất cả các quốc gia, và nếu mà các nhà xuất khẩu Việt Nam không quan tâm đúng mức hay xem nhẹ thì chắc chắn chúng ta sẽ lâm vào cảnh “tự bắn vào chân mình”.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Một điều cần phải quan tâm là nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn với nền kinh tế thế giới, đi đôi với đó là rủi ro lớn khi quan hệ ngoại thương với nhiều nước trên thế giới bao gồm cả quốc gia hàng đầu như Trung Quốc. Do đó, vấn đề này cần được Chính phủ xem xét một cách lành mạnh, chu đáo hơn.
TS Nguyễn Trí Hiếu