TS. Tôn Quang Cường: Bên cạnh 'kỹ năng cứng', 'kỹ năng mềm', sinh viên cần có thêm 'kỹ năng dẻo'

Theo TS. Tôn Quang Cường, sinh viên ngày nay cần có 'kỹ năng dẻo' để có năng lực thích ứng và tự học các kiến thức nhằm chủ động đáp ứng thực tiễn.

TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục thuộc ĐHQG Hà Nội

TS. Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục thuộc ĐHQG Hà Nội

Cách mạng Công nghiệp 4.0 có tác động như thế nào với giáo dục đại học Việt Nam. VietTimes đã có cuộc trao đổi về chủ đề này với TS. Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

PV: Để đáp ứng được với những thực tiễn của Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), việc dạy và học ở bậc đại học Việt Nam cần phải thay đổi như thế nào thưa ông?

TS. Tôn Quang Cường: Theo tôi, đến thời điểm này, bước sang thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21 thì cho dù CMCN 4.0 có xuất hiện, diễn ra hay không đi chăng nữa thì cũng đã đến lúc phải thay đổi giáo dục đại học. Và câu chuyện cũng vẫn sẽ phải bắt đầu từ quá trình nhận thức!

Trước đây, các bậc tiền nhân đã nói trong kinh tế chính trị, lực lượng sản xuất cộng với quan hệ sản xuất sẽ tạo ra phương thức sản xuất. Ngày nay, các công cụ và công nghệ hỗ trợ dạy học đã thay đổi rất nhiều. Quan hệ dạy học cũng không còn là một chiều nữa mà là đa chiều và tương tác. Khi đó, rõ ràng phải có phương thức và hình thức dạy học khác đi.

Vì thế, chúng ta buộc phải tư duy lại về dạy học, về sự học. Theo đó, dạy học không chỉ còn là việc cung cấp, truyền thụ kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong thời đại mà Internet và các hệ thống kết nối đã trở nên phổ biến và thông tin, kiến thức sinh ra rất lớn và không đợi chờ ai thì câu chuyện phải thay đổi ở chỗ đó.

Khía cạnh thứ hai là vai trò của người dạy. Người dạy bây giờ là ai? Họ bây giờ không phải là người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và cứ thế đi dạy. Mà bản thân người dạy vẫn phải là người biết cách học và học rất giỏi, học suốt đời. Tức là phải làm thế nào đó để có khả năng tổng hợp, phân tích, sắp xếp và biến các thông tin, dữ liệu cần thiết trở thành vấn đề mang đến cho người học.

Thứ ba, tư duy của người học bây giờ cũng khác rất nhiều. Họ không còn cứ nhất thiết phải đến trường thì mới có kiến thức vì hàng ngày, hàng giờ được tiếp xúc với rất nhiều nguồn thông tin khác nhau trên mạng. Vì thế, chỉ cần họ muốn học, muốn tìm kiếm và khám phá, biết cách định hướng là có rất nhiều cơ hội.

Thứ tư, đó là tư duy của chính nhà trường. Trước đây, nhà trường là môi trường, khuôn viên đóng kín. Khái niệm lớp học thường gắn với phòng học, giảng đường, với một số lượng con người cụ thể, thời gian cụ thể. Còn bây giờ việc học đã khác, không gian, môi trường, khuôn viên học tập cũng đã khác, khi được triển khai trên môi trường kết nối với các hạ tầng công nghệ hội tụ, mới nổi. Vì thế, nếu như thay đổi tư duy thì liệu chúng ta có thể triển khai được nhiều lớp môn học không hay vẫn là phải tổ chức lớp gắn với phòng học?

Lâu nay, chúng ta vẫn nói nhiều đến năng lực và phẩm chất của người dạy và người học. Song nếu cứ đóng khung trong “khuôn vàng thước ngọc” thì không thể tạo ra năng lực cho người học được. Đó phải là một quá trình với môi trường học tập phải thật mở và thông minh.

Và cũng phải nói thêm, vào đại học có phải là ra trường đi làm đúng chuyên môn hay không? Hoàn toàn không phải như thế, mà phải là giáo dục khai phóng. Nhà trường chỉ cung cấp những kiến thức nền tảng mang tính tiền đề để ra trường có thể làm được cả những công việc mà thị trường, xã hội đòi hỏi, thậm chí ít liên quan hoặc không liên quan đến chuyên môn được đào tạo trong thời gian ở trường. Nói cách khác, người học khi ra trường không chỉ có năng lực thích ứng mà còn có khả năng chủ động thích ứng, dẫn dắt và định hướng hoàn cảnh.

Máy tính xách tay đã trở thành phổ dụng với rất nhiều sinh viên ở Việt Nam

Chúng ta đang nói nhiều đến các “kỹ năng cứng”, “kỹ năng mềm” cho sinh viên. Tuy nhiên, cá nhân tôi xin đề xuất thêm “kỹ năng dẻo” để có năng lực thích ứng và tự học các kiến thức nhằm chủ động đáp ứng thực tiễn. Và như vậy, đang từ thích ứng sẽ phải thành chủ động thích ứng.

Thêm nữa là về cách quản trị đại học. Những mô hình quản trị tiên tiến trên thế giới hiện đã có nhiều thành công. Một nhà trường không thể gọi là nhà trường 4.0 nếu như mọi thứ vẫn chỉ là câu chuyện tăng cường máy tính và các trang thiết bị CNTT mà vấn đề là phải tạo được sự kết nối, liên thông để từ đó hỗ trợ ra quyết định đúng đắn và thông minh.Nếu không làm được việc đó thì nhà trường mới chỉ thay được cái vỏ bên ngoài. Trong quản trị đại học hiện nay, việc hỗ trợ ra quyết định về cơ bản còn rất yếu.

Riêng với hoạt động thư viện, nếu vẫn tư duy là cần phải có bao nhiêu đầu sách thì không còn phù hợp mà phải là bao nhiêu lượng truy cập sách. Và khả năng sử dụng những nguồn thông tin đó phải được kiểm đếm, tính toán để từ đó đưa ra được phương án hỗ trợ. Mô hình thư viện số như hiện nay là rất hay vì được vận hành theo tiếp cận học liệu mở, dữ liệu nội sinh và khả năng tiếp cận, mượn không hạn chế. Và hay hơn nữa là trong trên phiên bản giáo trình số đó thì người đọc lại có thể tương tác, chia sẻ với những bạn đọc khác. Đó là tri thức đám đông và trên cơ sở những đóng góp tổng hợp lại được, khả năng tái sử dụng, phân phối nhiều lần, điều chỉnh và bổ sung… thì chính phiên bản số đó lại được nâng cấp so với phiên bản của tác giả ban đầu.

Cuối cùng là chất lượng đội ngũ giảng viên. Bây giờ chúng ta đừng kỳ vọng, đóng khung một giảng viên đại học chỉ phải là một nhà khoa học, một nhà sư phạm. Quan trọng hơn, chính họ phải là một người biết cách học, tức là một ông thầy biết học và biết dạy cách học cho người học. Đồng hành cùng với họ là các công nghệ hội tụ, mới nổi cho phép kết nối, hỗ trợ, tương tác và chia sẻ… sẵn sàng cung cấp các cơ hội học tập mới cho người học.

Đại học phải trở thành một bậc giáo dục mà ở đó người học phải thấy sung sướng và hạnh phúc khi đi học, khác hẳn về bản chất so với giáo dục phổ thông. Người học đến trường không phải để học, chỉ để có kiến thức mà là được tham gia vào một hệ sinh thái để được thỏa mãn nhu cầu phát triển giá trị của mình. Cái lõi của giáo dục phải là giá trị và khi đã có giá trị thì sẽ có rất nhiều cách để nâng được năng lực và thích ứng với cuộc sống, với sự phát triển của chính mình.

Giáo dục đại học thế giới hiện có một số mô hình là đại học chia sẻ, đại học thực nghiệm, đại học sáng nghiệp, đại học đối tác và đại học “thuê bao”. Khi đó người học sẽ trả phí giống như thuê bao để có quyền tiếp cận các kiến thức mình cần một cách liên tục, thường xuyên vào bất kỳ lúc nào, để thỏa mãn nhu cầu phát triển của bản thân. Đó là 5 xu hướng của thế giới để tiếp tục khẳng định vị thế của giáo dục đại học trong thời đại mới.

Lựa chọn hướng nào để phát triển thì đó là câu chuyện của bản thân các trường. Ngay cả khoa học cơ bản cũng nên theo các mô hình đó và nếu không thay đổi cách quản trị thì luôn phải trông đợi vào ngân sách nhà nước hỗ trợ. Trong khi đó, họ hoàn toàn có thể có những sản phẩm về công nghệ giáo dục với sự hợp tác của doanh nghiệp để tạo nguồn thu cho mình.

PV: Rất nhiều năm nay, chúng ta vẫn nói: giáo dục đại học chính là biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Vậy để đạt được mục tiêu đó thì thầy và trò phải thay đổi những gì?

TS. Tôn Quang Cường: Đây cũng là một câu hỏi rất là căn cốt. Tức là ngoài những sự thay đổi của thầy và trò thì còn phải có nhiều sự thay đổi nữa, và tất nhiên phải là đổi mới sáng tạo, có hệ thống và lộ trình. Với người thầy, trước hết họ không được nghĩ rằng mình là nguồn thông tin duy nhất và duy nhất đúng. Họ cần phải nghĩ, mình là người dẫn dắt cho chương trình học với một tập thể sinh viên.

Thứ hai, người thầy sẽ phải biết cách tái cấu trúc lại chương trình đào tạo mà vốn dĩ còn tương đối cứng để biến thành những mô đun, những cụm nội dung, cụm vấn đề để từ đó phân định ra và gán cho những vai trò, chức năng để mang đến cho người học những cơ hội học tập trải nghiệm, khám phá, sáng tạo.

Thứ ba, người thầy phải truyền được cảm hứng học tập và khơi gợi được nhu cầu học tập chính đáng cho sinh viên.

Còn về phía người học, rất cần thay đổi tư duy là đến trường để lấy kiến thức. Đến trường phải là để có cơ hội tiếp cận những nguồn thông tin và áp dụng nó cho những nhu cầu trước mắt và lâu dài. Họ cũng phải có thêm một kỹ năng nữa là quản lý bản thân về thời gian, cảm xúc, kiềm chế những mặt tiêu cực. Thế rồi cả những kỹ năng liên quan đến hợp tác, giao tiếp và đương nhiên là phải biết tự nghiên cứu.

Ngoài ra, để có thể biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo thì trên con đường này cần phải tiếp tục đặt ra rất nhiều khả năng liên quan đến sự hỗ trợ và điều kiện kèm theo, đến trách nhiệm, cách tiếp cận cũng như các phương án ra quyết định thông minh của nhà trường. Điều này liên quan đến tổ chức, cấu trúc chương trình, học liệu, cơ sở vật chất… Chỉ khi đó, người học mới có cơ hội để tham gia vào quá trình tự đào tạo một cách chủ động, hiệu quả. Và cũng phải nói đến cách thức kiểm tra đánh giá. Nếu làm theo cách thức cũ thì sẽ không tạo được động lực thúc đẩy cho việc biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo được.

PV: Để có một nền giáo dục đại học thích ứng với CMCN 4.0 thì chúng ta phải hình thành được một nền sư phạm thông minh. Vậy theo ông, sư phạm thông minh là gì và nhà giáo của thời đại 4.0 đòi hỏi những tố chất gì?

TS. Tôn Quang Cường: Nếu nói về sư phạm thông minh thì cũng có nhiều cách kiến giải. Riêng tôi cho rằng, sư phạm thông minh là phải làm thế nào để có được một quá trình học tập thông minh và sử dụng những sự trợ giúp thông minh bằng công nghệ để người học trở nên thông minh hơn.

Để có được một nền sư phạm thông minh thì người thầy phải tạo ra được môi trường học tập thông minh cho sinh viên

Nói nôm na là như thế nhưng về bản chất, sư phạm thông minh phải hội tụ đủ 3 yếu tố dựa trên sự tự định hướng, tự điều chỉnh và tự quyết định của chính người học. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nói người học là trung tâm nhưng phải tìm hiểu xem đó là trung tâm của cái gì? Đó phải là trung tâm của việc học và là của chính họ. Càng ngày việc học càng phải hướng đến người học một cách sâu sắc. Hay nói cách khác, là phải phát huy tính thẩm quyền của người học. Chính quan điểm này sẽ tạo nên sự khác biệt so với cách tiếp cận của sư phạm dẫn dắt trước đây.

Như vậy, về mặt logic thì khi đi học, người học trong nhà trường có thẩm quyền rất lớn. Đó là quyền được học, quyền được đảm bảo “một sự học có chất lượng” theo những nhu cầu và định hướng cá nhân, dựa trên sự tự quyết định của chính người học! Thế nên, sinh viên sẽ là người tự quyết song điều đó từ trước đến nay gần như không có. Và chính sư phạm thông minh phải cởi trói điều đó. Sư phạm thông minh là phải cho phép người học được học theo cách của mình, theo kế hoạch và tiến độ của mình. Và thậm chí, người học có quyền tự điều chỉnh kế hoạch học tập một cách chủ động, linh hoạt hướng đến sự phát triển và định vị giá trị của bản thân. Hơn bao giờ hết, khả năng này đang ngày càng được hiện thực hóa nhờ các công nghệ giáo dục hiện nay, thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ sư phạm dẫn dắt sang sư phạm thông minh.

PV: Xin cám ơn ông và chúng mừng ông nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam!

Đức Hoàng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/ts-ton-quang-cuong-ben-canh-ky-nang-cung-ky-nang-mem-sinh-vien-can-co-them-ky-nang-deo-post171237.html