TS. Trần Công Phàn nêu những tồn tại, bất cập trong việc quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất
Phó Chủ tịch Hội Luật Gia Việt Nam cho rằng giai đoạn vừa qua hiệu quả khai thác, sử dụng đất đai một số chỗ chưa cao, còn nhiều hạn chế gây lãng phí, thất thoát rất lớn các nguồn lực của quốc gia và toàn xã hội.
Sáng ngày 23/8, Hội Luật Gia Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức Hội thảo: "Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai : Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công".
Hiệu quả khai thác, sử dụng đất đai chưa cao
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Công Phàn – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ qua các báo cáo, các nghiên cứu liên quan cho thấy công tác quản lý, sử dụng đất từng bước được quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai.
Bên cạnh đó, công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã được các địa phương triển khai thực hiện cơ bản theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, cơ bản bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về đất đai.
Nhiều địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều quỹ đất đã giao, cho doanh nghiệp thuê nhưng không thực hiện gây lãng phí hoặc vi phạm trong sử dụng đất đai.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cũng cho biết thực tiễn cho thấy rằng, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất một số nơi chưa nghiêm.
Hiệu quả khai thác, sử dụng đất một số chỗ chưa cao, còn nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế, đã ảnh hưởng rất lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn vừa qua, tạo nên những điểm nghẽn, gây lãng phí, thất thoát rất lớn các nguồn lực của quốc gia và toàn xã hội.
"Các lãng phí, thất thoát này, không chỉ nguồn lực về tài chính, tài sản, thời gian, mà còn mất đi nhiều cơ hội và nguồn lực tổng hợp khác để xây dựng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội", ông Trần Công Phàn nêu.
Chưa kể việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ, vi phạm quy định Luật Đất đai có nơi chưa được quan tâm, chú trọng theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư và nhiều văn bản pháp luật liên quan. Chưa có cơ chế hữu hiệu để xử lý các trường hợp này.
Ông Trần Công Phàn chỉ ra hiện có hàng nghìn dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi; tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai của cả nước từ khi ban hành Luật đất đai năm 2013 đến nay vẫn còn nhiều.
Quản lý đất trong và sau quá trình cổ phần hóa còn nhiều tồn tại
Dẫn Báo cáo số 330 của Đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội khóa XV "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" trích dẫn Báo cáo số 1557 của Thanh tra Chính phủ, ông Trần Công Phàn cho biết giai đoạn 2016-2021 đã phát hiện vi phạm 63.200 ha đất, kiến nghị thu hồi 31.287 ha đất.
Trong đó kết quả thực hiện kết luận thanh tra đã thu hồi về cho nhà nước 3.931 ha trên tổng số 7.727 ha phải thu hồi, trong đó có đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là việc sử dụng đất tại các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư còn nhiều bất cập, sai phạm.
Thứ nhất, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được giao rất lớn, nhưng chưa được doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chặt chẽ.
Thứ hai, nhiều đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư của một số Tập đoàn, Tổng Công ty không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá nên dễ dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước.
Thứ ba, một số đơn vị hợp tác, liên doanh, góp vốn thành lập pháp nhân mới, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất cho các đối tượng không thuộc doanh nghiệp nhà nước nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; góp vốn hoặc chậm thoái vốn trong lĩnh vực bất động sản, bàn giao đất cho pháp nhân mới, chuyển đổi chủ đầu tư dự án cho nhà đầu tư khác trái quy định hoặc khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận theo quy định pháp luật.
Thứ tư, việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều tồn tại như trước khi cổ phần hóa không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất và quy hoạch sử dụng đất; sau cổ phần hóa còn sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch....
Ông Trần Công Phàn cho biết nhiều công trình, dự án thuộc diện điều tra, thanh tra, kiểm tra đã qua nhiều năm nhưng đất đai, công trình chưa được đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp nói riêng và cho địa phương nơi có công trình, dự án nói chung.
Điều này tới từ việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí rất lớn nguồn lực nhà nước. Tỉ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước của các Bộ, ngành địa phương đạt thấp.
Luật Đất đai 2024 sẽ giúp giảm thiểu lãng phí tài nguyên đất đai
Theo đó, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm cả nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan.
Trong đó có thể kể đến việc cơ quan có thẩm quyền quản lý có chỗ còn chưa làm hết trách nhiệm, có sự buông lỏng trong quản lý, thực hiện không đúng các quy định pháp luật khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không thông qua đấu thầu, đấu giá); việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm.
Nhiều vấn đề để kéo dài nhiều năm chưa thực hiện. Trong đó, bên cạnh chậm thực hiện kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi đất đai còn tình trạng chậm sửa đổi, khắc phục các vướng mắc, tồn tại của các nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản quản lý do các đơn vị ban hành theo thẩm quyền làm kéo dài tác động của các vướng mắc, điểm nghẽn dẫn đến lãng phí, thất thoát nguồn lực tài chính công, tài sản công.
"Hệ lụy là nhiều tổ chức, cá nhân đã bị kỷ luật, xử lý hình sự do các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực của đất nước", ông Trần Công Phàn nêu.
Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nêu quan điểm Luật Đất đai 2024 là đạo luật quan trọng, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, với nhiều sửa đổi, bổ sung mới trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói riêng chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất khu vực này.
Bên cạnh đó việc triển khai thực thi Luật Đất đai 2024 hiệu quả sẽ góp phần kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, bảo đảm khai thác tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên và nguồn lực nhà nước.