TTC AgriS đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học cho phát triển nông nghiệp
TTC AgriS và Trường Đại học Nông Lâm TP HCM vừa ký kết biên bản ghi nhớ nhằm triển khai hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Đây là bước đi tiếp theo của TTC AgriS trong nỗ lực thúc đẩy mô hình liên kết “5 nhà” giữa Nhà nước – Nhà băng – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông, vốn được coi là cấu trúc quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm và bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT TTC AgriS trao văn kiện hợp tác trước sự chứng kiến của GS. William Chen Wei Ning, Giám đốc Trung tâm thí nghiệm đổi mới nông nghiệp - thực phẩm Singapore (SAIL).
Theo nội dung thỏa thuận, hai bên cam kết triển khai hợp tác trong năm lĩnh vực trọng tâm: nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thực nghiệm mô hình, quốc tế hóa chương trình đào tạo và đề xuất chính sách phát triển nông nghiệp.
TTC AgriS sẽ phối hợp đưa các mô hình nông nghiệp tuần hoàn vào chương trình giảng dạy, kết nối chuyên gia quốc tế, đồng thời đồng hành cùng sinh viên trong hoạt động khởi nghiệp và tiếp cận tín dụng.
Phát biểu tại lễ ký kết, PGS.TS Nguyễn Tất Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm cho biết, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành nông nghiệp hiện là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển nông nghiệp tuần hoàn đang được đặt lên hàng đầu trong chiến lược quốc gia.

Bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT TTC AgriS phát biểu tại sự kiện
Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch TTC AgriS - bà Đặng Huỳnh Ức My nhấn mạnh, sự hợp tác với các cơ sở đào tạo nông nghiệp là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển dài hạn. Bà My cho rằng, nhà trường và giới khoa học không chỉ cung cấp nguồn lực tri thức, mà còn là nơi khởi nguồn các ý tưởng và mô hình đổi mới sáng tạo có thể ứng dụng vào trong thực tiễn sản xuất.
Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, suy giảm chất lượng đất và áp lực từ các tiêu chuẩn thị trường quốc tế ngày càng khắt khe, sự phối hợp giữa nhà khoa học và doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp cần thiết để duy trì năng lực cạnh tranh và tính bền vững của ngành. Các doanh nghiệp như TTC AgriS, với vai trò nhà đầu tư và tổ chức triển khai, cần có sự hỗ trợ chuyên môn sâu từ các viện, trường, cơ sở đào tạo để chuyển hóa công nghệ thành ứng dụng thực tiễn.
Việc TTC AgriS tái khẳng định mô hình “5 nhà” trong giai đoạn hiện nay cho thấy doanh nghiệp đang thúc đẩy hướng đi lấy đổi mới công nghệ, ESG (môi trường – xã hội – quản trị) và số hóa làm trọng tâm. Qua đó, doanh nghiệp kỳ vọng có thể đồng hành cùng các cơ sở đào tạo, nhất là ĐH Nông Lâm, để phát triển lực lượng lao động “sẵn sàng cho thị trường”, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức lý thuyết và thực tế sản xuất.
Gắn kết chính sách và doanh nghiệp
Trước đó, vào ngày 18/5, TTC AgriS đã tham gia Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Tại hội nghị, TTC AgriS đã giới thiệu mô hình hệ sinh thái nông nghiệp tích hợp gồm công nghệ nông nghiệp (AgTech), công nghệ thực phẩm (FoodTech), công nghệ tài chính (FinTech) và khung quản trị ESG.

TTC AgriS tham gia triển lãm tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân diễn ra ngày 18/5/2025.
Theo chia sẻ từ bà Đặng Huỳnh Ức My, các chính sách gần đây như Nghị quyết 57 và 68 đã mở ra hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp thực hiện chuyển đổi mô hình. Thay vì chỉ tập trung vào mở rộng sản xuất, việc đầu tư vào công nghệ và nghiên cứu phát triển đang trở thành xu hướng bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn duy trì khả năng cạnh tranh.
Điểm đáng chú ý trong chiến lược của TTC AgriS là sự chủ động trong kết nối và phối hợp giữa các bên: từ giới học thuật, cơ quan nhà nước đến khu vực tư nhân. Thay vì chờ đợi các chính sách hoàn thiện, doanh nghiệp tham gia từ giai đoạn xây dựng mô hình thực nghiệm, tổ chức đào tạo và nghiên cứu ứng dụng - điều có thể góp phần cung cấp dữ liệu thực tiễn và phản biện chính sách.
Đặc biệt trong bối cảnh nông nghiệp ngày càng gắn với các mục tiêu tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số, vai trò của doanh nghiệp sẽ không dừng ở sản xuất mà còn mở rộng sang cả lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và tham vấn chính sách.